Sống xanh

Giảm thiểu bệnh hại thực vật, hướng đến nông nghiệp xanh và bền vững

Anh Nhi 19/07/2025 - 16:33

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gia tăng mức độ thâm canh và sự biến đổi phức tạp của sinh vật gây hại càng đòi hỏi ngành nông nghiệp có thêm những giải pháp khoa học, bền vững và thích ứng linh hoạt.

Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Quốc gia Bệnh hại Thực vật Việt Nam lần thứ 24 tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhằm chia sẻ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao phòng chống bệnh hại cây trồng hiệu quả.

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, giảng viên và sinh viên ngành nông nghiệp và bảo vệ thực vật trong cả nước.

z6815885282199_aa3f4f29ea6be3efcf2443b0c899bbe7.jpg
GS.TS Vũ Triệu Mân - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

Theo GS.TS Vũ Triệu Mân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam, hội thảo là dịp các nhà khoa học, cán bộ, kỹ thuật, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhau trao đổi, kết nối và định hướng các bước đi tiếp theo trong nghiên cứu và ứng dụng. Đây cũng là dịp để chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, mô hình quản lý hiệu quả, kinh nghiệm thực tiễn trong phòng trừ bệnh hại cây trồng một cách thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách hiện nay.

z6815874504111_a6e122905d0a1170a6aab5947740db0f.jpg
TS Trương Vĩnh Hải - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chia sẻ tại Hội thảo

Phát biểu tại chương trình, TS Trương Vĩnh Hải - Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - cho biết, trong những năm qua, Viện luôn xem nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Viện đã và đang hợp tác chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh phòng trừ bệnh hại đạt hiệu quả trên lúa, rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp chủ lực.

“Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam luôn đồng hành, chia sẻ và kết nối không chỉ trong khuôn khổ hội thảo khoa học mà còn trong hành trình lâu dài cùng người nông dân trong phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững”, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho hay.

www.khoahocphothong.com.vn-vnt_upload-file-01_2023-_hinh_1.jpg
Việc giảm thiểu rủi ro dịch hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực góp phần nâng cao giá trị, chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, có 12 bài báo cáo khoa học được chọn để trình bày trực tiếp, bên cạnh đó gần 30 bài báo khoa học được chọn đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường số đặc biêt về bệnh hại thực vật. Theo đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung vào việc trao đổi kiến thức chuyên sâu, chia sẻ sáng kiến, đề xuất các biện pháp kỹ thuật mang tính ứng dụng cao nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ bệnh hại thực vật tại Việt Nam.

Một trong những báo cáo nổi bật tại hội thảo là phần trình bày của GS.TS Bùi Chí Bửu - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam với chủ đề “Nguồn vật liệu cho gen kháng bệnh đạo ôn từ giống lúa Tẻ Tép của Việt Nam”. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, phát triển giống lúa kháng đạo ôn là giải pháp tối ưu trong chiến lược quản lý bệnh đạo ôn hiệu quả. Giống lúa bản địa Tẻ Tép của Việt Nam sở hữu một hệ gen có khả năng sử dụng làm nguồn vật liệu di truyền rất quý hiếm, phục vụ chương trình lai tạo giống lúa cao sản kháng bệnh đạo ôn phổ rộng và bền vững. Đây được xem là một hướng đi đầy tiềm năng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay.

Bên cạnh bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá lúa cũng là một trong những bệnh hại quan trọng, gây thiệt hại năng suất và chất lượng lúa gạo. Đại diện Nhóm Nghiên cứu Bệnh học Thực vật của PGS.TS Nguyễn Đắc Khoa (Trường Đại học Cần Thơ), anh Phạm Thiết Trình đã trình bày nghiên cứu về khả năng kích thích tính kháng bệnh bạc lá lúa thông qua cao chiết lá sống đời trích ly bằng phương pháp tách chiết lỏng với dung môi nước.

z6820445324563_8012e54cac5bcc535e58c638197d6c0e.jpg
Anh Phạm Thiết Trình đại diện Nhóm Nghiên cứu Bệnh học Thực vật của PGS.TS Nguyễn Đắc Khoa báo cáo khoa học tại Hội thảo

Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận nhiều báo cáo khoa học tiêu biểu khác như: Vai trò và hiệu quả của canxi và silic trong kích thích tính kháng bệnh trên cây trồng; tuyển chọn các vi khuẩn đối kháng vi khuẩn gây bệnh héo xanh trên cây cà chua; ứng dụng công nghệ giải trình tự đoạn đài trong phát hiện tác nhân gây hại trên cây trồng,… Đây là những góc nhìn chuyên môn, những kết quả nghiên cứu công phu về bệnh hại thực vật, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực vật và tối ưu hóa năng suất cây trồng.

Những chia sẻ từ Hội thảo góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ đó tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và cải thiện thu nhập cho người nông dân.

z6819136960052_4dbf91614a79b09f15f666a806d57b86.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc gia Bệnh hại Thực vật Việt Nam lần thứ 24 chụp hình lưu niệm

Anh Nhi