Cộng đồng

Vui khỏe mỗi ngày: Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các y, bác sĩ tương lai

Ngọc Duy 18/07/2025 12:16

Nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe và giải tỏa stress trong môi trường giáo dục y khoa, Tạp chí Khoa học phổ thông tiếp tục phối hợp tổ chức chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” lần thứ 2 trong tháng 7 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng tránh bệnh lý thoái hóa cột sống cổ”.

Chương trình sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/7 tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, với sự đồng hành của các bác sĩ đến từ Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và giảng viên của trường. Không chỉ cung cấp kiến thức y khoa, các chuyên gia còn trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tư vấn sức khỏe cá nhân cho người tham dự.

a1.png
Chương trình vui khỏe mỗi ngày 20/7 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng tránh bệnh lý thoái hóa cột sống cổ”.

Nâng cao sức khỏe cho sinh viên y khoa

PGS.TS.DS Nguyễn Đăng Thoại - Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, chương trình "Vui khỏe mỗi ngày" của Tạp chí Khoa học phổ thông trong nhiều năm qua đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho người dân, giảng viên, sinh viên tham dự.

“Đây là một hoạt động rất hữu ích nhằm quan tâm, hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, PGS.TS.DS Thoại nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Đăng Thoại, nhà trường luôn chú trọng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, không chỉ truyền đạt kiến thức y khoa mà còn quan tâm đến tinh thần, cảm xúc của người học - đúng với triết lý giáo dục “Lấy người học làm trung tâm - Hướng về cộng đồng”. Việc phối hợp tổ chức chương trình lần này là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực đó, đặc biệt trong bối cảnh sinh viên y khoa hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực đặc thù trong quá trình học tập và rèn luyện.

“Chăm sóc sức khỏe tâm thần là một phần thiết yếu của nghề y”

Tham gia với vai trò báo cáo viên, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Dung - Bộ môn Tâm lý y học, khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, do đặc trưng nghề nghiệp, stress ở sinh viên y khoa thường diễn ra với cường độ cao, kéo dài hơn và mang tính chất “mãn tính hóa”.

Điều này là do áp lực từ trách nhiệm sinh tử, sự kỳ vọng của xã hội, khối lượng kiến thức khổng lồ, thời gian học tập kéo dài và áp lực đánh giá khắt khe.

“Nếu như không quản lý hiệu quả thì stress ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần của sinh viên”, TS Dung khẳng định.

a2.jpg
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Dung - Bộ môn Tâm lý y học, khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Theo TS Lê Thị Dung, các biểu hiện của stress được thể hiện qua nhận thức, cảm xúc, hành vi và thể lý. Tuy nhiên một số biểu hiện phổ biến nhất vẫn là rối loạn giấc ngủ, giảm hứng thú trong học tập hoặc các hoạt động xã hội; lo âu kéo dài, khó tập trung hoặc cảm giác kiệt sức…

Để vượt qua bằng cách stress, TS Dung cho rằng các bạn sinh viên nên thiết lập thời gian biểu hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi và rèn luyện thể chất đều đặn. Đồng thời rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc như mindfulness, tự ghi nhật ký cảm xúc.

Sinh viên cũng nên xây dựng môi trường học tập tích cực, thay vì kìm nén, giấu kín cảm xúc thì có thể chia sẻ những khó khăn. Đặc biệt, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ giảng viên, cố vấn học tập hoặc chuyên gia tâm lý khi cần.

“Chăm sóc sức khỏe tâm thần là một phần thiết yếu của nghề y. Một người thầy thuốc khỏe mạnh về tâm lý mới có thể chăm sóc tốt cho người khác. Do đó, hãy bắt đầu từ lòng trắc ẩn với chính mình”, TS Dung chia sẻ.

Thoái hóa cột sống cổ ngày càng trẻ hóa

Với chuyên đề “phòng tránh bệnh lý thoái hóa cột sống cổ”, BS.CKII Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận, cho biết đây là một bệnh lý đang ngày càng phổ biến ở người trẻ do thói quen sinh hoạt, tư thế ngồi khi học tập, thiếu vận động…

a3.png
BS.CKII Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận.

Theo bác sĩ, các triệu chứng thường gặp của thoái hóa cột sống cổ như: đau cổ âm ỉ, tăng khi ngồi lâu hoặc sau khi học/làm việc dài giờ; cứng cổ, khó xoay đầu sang hai bên; đau lan lên đầu (vùng chẩm) hoặc xuống vai và cánh tay, đôi khi kèm tê tay,…

Để phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống cổ, bác sĩ khuyến cáo các bạn trẻ cần tập thể dục thường xuyên, vùng cổ, vai gáy; hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử lâu; tư thế làm việc đúng. Cũng như tránh tăng cân, tập thể dục, ăn thức ăn có nhiều vitamin C, Omega 3, Calci, D3. Ngoài ra, việc thực hiện bài tập cổ 2 lần/ngày, liên tục 4 tuần giúp giảm rõ rệt tình trạng đau cổ cơ học và cải thiện chức năng cột sống cổ.

“Thông qua chương trình, tôi mong các bạn sinh viên y khoa sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, hiểu được tầm quan trọng của cách phòng ngừa bệnh lý thoái hóa cột sống cổ. Từ đó có thể nâng cao sức khỏe, học tập để sớm ngày trở thành những y, bác sĩ giỏi trong tương lai”, BS.CKII Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ.

Ngọc Duy