Muốn xuất khẩu tốt phải minh bạch truy xuất nguồn gốc
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe, các mặt hàng tiềm năng như chanh dây, chuối, dứa và dừa muốn bứt phá cần một chiến lược bài bản hơn về chất lượng, công nghệ và chính sách hỗ trợ đồng bộ.
Ngày 18/7, tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức diễn đàn "Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa".
Ngành trái cây đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Như Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết trong bức tranh chung của ngành trồng trọt Việt Nam, nhóm cây ăn quả đang ngày càng khẳng định vai trò động lực trong tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1,28 triệu ha, trong đó, 4 loại trái cây được thảo luận tại diễn đàn là chanh dây, chuối, dứa và dừa, chính là những đại diện tiêu biểu, hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.
Dù quy mô sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng, ông Cường cho biết đến nay chỉ có mặt hàng sầu riêng nổi bật vươn lên thành sản phẩm trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô", với kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, những mặt hàng từng có vị thế như thanh long lại sụt giảm mạnh, từ hơn 1 tỷ USD xuống chỉ còn 534 triệu USD năm 2024.
"Thực tế này cho thấy vẫn còn rất nhiều việc cần triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Đây không phải là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã", ông Cường nhấn mạnh.
Tại chương trình, ThS. Ngô Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - cho rằng ngành trái cây Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,... Thời gian qua, một số vụ việc vi phạm khiến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị thu hồi với loại trái cây như sầu riêng, mít, dẫn đến ảnh hưởng đến thương mại.

"Muốn xuất khẩu tốt, chúng ta phải làm tốt truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi. Điều này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân phải trở thành một mắt xích quan trọng trong việc minh bạch hóa và cam kết đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu", ông Tuấn nhận định.
Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhấn mạnh khoa học công nghệ không còn là một lựa chọn, mà là sự bắt buộc trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
"Khoa học công nghệ chính là công cụ thiết thực để người sản xuất nâng cao năng lực nội tại, tiếp nhận và làm chủ công nghệ, từ đó tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế", bà Thủy khẳng định.

Thông qua chuyển giao công nghệ và nghiên cứu ứng dụng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy nhanh quá trình nội địa hóa và làm chủ công nghệ. Đây là bước đệm quan trọng để nông sản Việt từng bước chinh phục thị trường toàn cầu.
Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, một trong những mô hình đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả là liên minh công tư, nơi nhà nước đóng vai trò kiến tạo, còn doanh nghiệp là động lực thúc đẩy. Sự đồng hành giữa khu vực công và tư nhân giúp hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ đó lan tỏa rộng rãi những giá trị khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi mới đây cũng đã mở rộng cơ chế hỗ trợ tiếp cận, thực nghiệm và đánh giá nhanh các mô hình mới. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa các sáng kiến vào thực tế sản xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nafoods - cho biết hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nghị quyết như Nghị quyết 57 được ban hành nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
"Chúng tôi rất kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực để doanh nghiệp có thể đầu tư nghiên cứu giống cây trồng, ứng dụng công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế", ông Hùng chia sẻ.
Cơ hội đột phá trong nghiên cứu giống mới
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Nghị định 88 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 193 đã tháo gỡ nhiều rào cản, mở ra cơ hội đột phá trong nghiên cứu giống mới.
"Đây là thời điểm các viện, trường cần tập trung cải tiến và đa dạng hóa nguồn giống, trong khi doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, chủ động liên kết trong quá trình sản xuất giống", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cho rằng hiện nay, việc phân cấp cho các vùng địa phương theo Nghị định 145 đặt ra 17 nhiệm vụ cho từng xã về vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương chủ động phối hợp với doanh nghiệp và hợp tác xã trong quản lý và phát triển vùng trồng một cách bài bản, hiệu quả.