Tài chính

Tự doanh cải thiện, MBS giữ vững lợi nhuận quý 2 dù doanh thu sụt giảm

Hữu Kiên 18/07/2025 - 10:07

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (mã chứng khoán MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025, ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Dù tổng doanh thu hoạt động giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, MBS vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 221,054 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với quý 2/2024 và hoàn thành gần một nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm.

mbs-718-1.png

Bức tranh lợi nhuận dưới làn sóng dịch chuyển doanh thu

Tổng doanh thu hoạt động trong quý 2 của MBS đạt 792,4 tỷ đồng, giảm từ mức 883,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm mạnh của lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chỉ còn 172,8 tỷ đồng, giảm 50% so với quý 2/2024. Tương tự, lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng giảm gần 40%, còn 20,9 tỷ đồng. Ngoài ra, mảng tư vấn chứng khoán lao dốc mạnh, khi doanh thu chỉ còn khoảng 1,58 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ.

Ngược lại, một số mảng kinh doanh trọng yếu của MBS vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Doanh thu môi giới tăng 7%, đạt 191,9 tỷ đồng, phản ánh phần nào sự cải thiện trong thị phần môi giới của công ty, tăng từ 5,19% lên 5,39% trên sàn HOSE.

Đặc biệt, mảng cho vay và phải thu tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 308,8 tỷ đồng trong quý, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 261,7 tỷ đồng. Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán (UTTB) tính đến cuối tháng 6/2025 đã đạt 12.795 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm và lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử hoạt động của MBS. Trong đó, dư nợ margin riêng lẻ là 12.633 tỷ đồng.

mbs-718-2.png
Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2025 của MBS

Tổng chi phí hoạt động trong quý 2 được kiểm soát ở mức 282,2 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Động lực chính đến từ việc khoản lỗ FVTPL đã giảm đáng kể, từ 286,5 tỷ đồng xuống còn 102,9 tỷ đồng, tức thu hẹp khoảng 64%. Mặc dù vậy, chi phí môi giới vẫn tăng gần 20%, lên 162,4 tỷ đồng, phản ánh áp lực cạnh tranh trong hoạt động bán lẻ. Chi phí lưu ký cũng tăng tới 47%, đạt 8,5 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác là chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận mức tăng mạnh, lần lượt lên 177,1 tỷ đồng (+42.3%) và 63,5 tỷ đồng (+28.1%).

Tự doanh khởi sắc, MBS tiến gần mục tiêu năm

Hoạt động tự doanh tuy ghi nhận doanh thu thấp hơn, nhưng hiệu quả sinh lời lại cải thiện. Lãi từ tự doanh trong quý đạt 61 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Danh mục FVTPL cuối quý đạt 3.109 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.900 tỷ đồng hồi đầu năm. Thành phần FVTPL chủ yếu bao gồm: giấy tờ có giá khác (1.560 tỷ đồng), trái phiếu (1.011 tỷ đồng), cổ phiếu (480 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ (56 tỷ đồng).

Tổng tài sản của MBS tính đến ngày 30/6/2025 đạt 25.551,3 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản tiếp tục nghiêng về tài sản ngắn hạn như tiền, FVTPL, HTM (5.696,8 tỷ đồng), các khoản cho vay (12.795,7 tỷ đồng), và AFS (1.667,8 tỷ đồng). Riêng tài sản tài chính HTM cũng tăng mạnh gần 800 tỷ đồng so với quý trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, MBS đạt doanh thu hoạt động 1.461,0 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, nhờ chi phí hoạt động giảm sâu còn 390,0 tỷ đồng (giảm 44%), công ty báo lãi trước thuế 611,5 tỷ đồng, tăng 22%. Lợi nhuận sau thuế đạt 490,1 tỷ đồng, tăng 23%, hoàn thành 47% kế hoạch năm (1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế).

MBS đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2025 đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, công ty đã đi được gần nửa chặng đường dù vẫn còn đối mặt nhiều thách thức trong nửa cuối năm.