Khoa học

“Cây sáng kiến” Phạm Quang Thắng: Gắn kết tri thức và nông dân bằng khoa học ứng dụng

Ngọc Duy 14/07/2025 - 14:04

Trong suốt 9 năm theo đuổi con đường nghiên cứu, Thạc sĩ Phạm Quang Thắng luôn mang trong mình là khát vọng dùng khoa học để thay đổi cuộc sống người nông dân.

Tốt nghiệp ngành kỹ thuật, thay vì chọn doanh nghiệp công nghệ cao, ThS Phạm Quang Thắng quyết định đầu quân về Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM – nơi anh được tiếp cận trực tiếp với những vấn đề thực tiễn của nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính nơi đây đã khơi dậy trong anh khát vọng đưa khoa học đến với bà con nông dân bằng những mô hình phù hợp, dễ tiếp cận và mang lại hiệu quả thực chất.

“Khoa học chỉ thật sự có ý nghĩa khi chuyển hóa thành giá trị thiết thực cho cộng đồng. Đó là động lực lớn nhất để tôi kiên trì với con đường nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao” - anh Thắng chia sẻ.

ThS Phạm Quang Thắng được vinh danh là “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2025.

“Ăn ở” cùng nhà nông để điều chỉnh từng chi tiết kỹ thuật

Anh Thắng là người tiên phong triển khai nhiều mô hình nông nghiệp 4.0 tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, trong đó có các giải pháp IoT ứng dụng cảm biến môi trường, hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh, quy trình chế biến sau thu hoạch hướng đến sự minh bạch, hiệu quả và bền vững.

“Lần đầu mang mô hình ra thực tế, tôi gặp không ít thất bại. Bà con e dè vì quy trình lạ, chi phí cao, hiệu quả chưa rõ ràng. Tôi nhận ra khoa học không thể áp đặt” anh Thắng nhớ lại.

Từ trải nghiệm đó, anh thay đổi tư duy làm nghiên cứu: quay về “ngồi xuống” cùng nông dân, khảo sát kỹ thói quen canh tác, khả năng đầu tư và tâm lý của từng nhóm đối tượng.

Anh Phạm Quang Thắng đang kiểm tra cây trồng.

Mô hình được điều chỉnh linh hoạt, giảm thiểu chi phí, tăng tính thực tế, dễ sử dụng và dễ duy trì. Nhờ vậy, các mô hình do anh và cộng sự triển khai như: hệ thống giám sát môi trường ao nuôi (đo pH, độ mặn, oxy, nhiệt độ); giải pháp cảnh báo sớm rủi ro thủy sản; quy trình xử lý sau thu hoạch thông minh... đã giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại, tiết kiệm đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Gặt hái “quả ngọt” từ khoa học ứng dụng

Sự nỗ lực bền bỉ đã mang về cho ThS Phạm Quang Thắng nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2020, Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2023, danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2025… Đặc biệt, anh là chủ nhân của nhiều công trình khoa học giá trị, trong đó có hai công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc nhóm Q1, Q2.

Nổi bật trong số đó là nghiên cứu: “Hoạt tính chống oxy hóa và chống tăng đường huyết của cây nhân trần tía” đăng tại Tạp chí Sinh học; “Tăng thời gian bảo quản chuối Nam Mỹ bằng màng bao chitosan - nanosio2”, công bố tại Hội nghị An toàn thực phẩm - An ninh lương thực năm 2019.

ThS Phạm Quang Thắng nghiên cứu về nhộng trùng thảo tại phòng thí nghiệm.

Đặc biệt, đề tài “Quy trình sản xuất nấm nhộng trùng thảo không sử dụng nhộng tằm” đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất dược liệu tại Việt Nam, khi thay thế nguyên liệu sống bằng cơ chất thực vật như gạo lứt, khoai tây, lòng đỏ trứng.

Sau hàng trăm lần thử nghiệm và tối ưu hóa, công trình đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật quốc gia, giúp sản xuất nấm trùng thảo trong nước với chi phí thấp, phù hợp với các cơ sở nhỏ và vừa.

Đem AI, IoT vào nông nghiệp

Theo ThS Thắng, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), Blockchain... đang tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong ngành nông nghiệp. Những công nghệ này giúp người nông dân kiểm soát chính xác điều kiện sản xuất, từ đó tối ưu chi phí, năng suất và chất lượng nông sản.

“Công nghệ đang biến nông nghiệp từ một ngành thủ công thành ngành kinh tế thông minh, hiện đại và có giá trị gia tăng cao”, anh Thắng khẳng định. Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, cần chiến lược đào tạo – chuyển giao – đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng nhóm người sản xuất.

Anh Thắng quan niệm, nhà nghiên cứu nông nghiệp không chỉ là người làm khoa học, mà còn là cầu nối giữa công nghệ và người dân, giữa tri thức và thực tiễn.

Làm khoa học trong nông nghiệp không hào nhoáng. Đó là công việc âm thầm, kiên nhẫn và gắn bó sâu sắc với đời sống. Nghiên cứu chỉ có giá trị khi đủ linh hoạt, phù hợp điều kiện địa phương và khả năng ứng dụng cao…

ThS Phạm Quang Thắng

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, nhận xét: “Phạm Quang Thắng là cán bộ trẻ triển vọng, có năng lực cả chuyên môn lẫn hoạt động Đoàn – Hội. Em có tác phong khoa học, nhanh nhẹn, sáng tạo và kiên trì trong nghiên cứu. Không chỉ đạt nhiều giải thưởng lớn, Thắng còn nổi bật trong phong trào thanh niên với tinh thần tiên phong, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển.

Dù còn trẻ, Thắng đã được tin tưởng giao nhiều vai trò: Bí thư Đoàn cơ sở, Phó Chủ tịch Công đoàn Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Thủy sản. Tôi tin rằng nếu giữ được tinh thần cầu tiến, em sẽ còn tiến xa...”.

Gửi đến những kỹ sư nông nghiệp tương lai

“Nếu bạn thật sự yêu nông nghiệp và muốn bước vào con đường nghiên cứu, hãy kiên trì và giữ cho mình tinh thần học hỏi không ngừng. Làm khoa học trong nông nghiệp không hào nhoáng. Nhiều khi đó là công việc âm thầm, lặp đi lặp lại và kết quả không đến sớm.

Nhưng nếu đủ đam mê, bạn sẽ thấy mỗi mô hình được người dân áp dụng, mỗi phản hồi tích cực, mỗi thay đổi nhỏ ngoài ruộng đồng đều là niềm vui rất thật, rất quý.

Hãy rèn luyện tư duy khoa học liên ngành, học cách làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ. Trên hết, hãy giữ cho mình một trái tim hướng về cộng đồng. Đó là một sứ mệnh rất đẹp và rất đáng để bạn dấn thân…”, ThS Phạm Quang Thắng

Ngọc Duy