Đặt điện cực não sâu: Hy vọng cho bệnh nhân Parkinson kháng thuốc
Phẫu thuật đặt điện cực não sâu (Deep Brain Stimulation – DBS) không chỉ lựa chọn y học tối ưu mà còn là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân Parkinson kháng thuốc cải thiện chất lượng sống.
Nhiều trường hợp cải thiện ngoạn mục sau phẫu thuật
Trong hơn 100 bệnh nhân Parkinson đã được điều trị bằng phương pháp đặt điện cực não sâu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đối tượng trẻ nhất mới 41 tuổi, cao tuổi nhất 78 tuổi. Hầu hết đến viện trong giai đoạn tiến triển, khi triệu chứng run, chậm vận động, tăng trương lực cơ không còn đáp ứng tốt với thuốc, hoặc xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng.

Trong số đó có một nữ bệnh nhân 57 tuổi, mắc bệnh Parkinson từ hơn 20 năm trước. Dù đã dùng tới 4 loại thuốc khác nhau, bệnh nhân vẫn gặp tình trạng loạn động đỉnh liều do Levodopa, co thắt cơ gây đau cuối liều, thậm chí xuất hiện ảo giác. Sau khi được cấy điện cực, tình trạng vận động của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tần suất sử dụng thuốc giảm xuống đáng kể.
Một bệnh nhân khác, trẻ nhất 41 tuổi là nam thanh niên (ngụ ở Hà Nội) cũng đã nhập vào khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để điều trị căn bệnh này. Bệnh nhân này cũng đã phải uống đến 3 loại thuốc để kiểm soát bệnh, nhưng tác dụng của thuốc cũng dần suy giảm.
Sau 30 năm liên tục dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson, nam bệnh nhân (61 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cũng đã được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Đây là phương pháp sử dụng dòng điện, trực tiếp tác động vào nhân não của người bệnh. Bệnh nhân khởi phát các biểu hiện run tay từ khi chưa tới 40 tuổi và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson.
Trước đó, bệnh nhân đã liên tục dùng thuốc điều trị, nhưng 15 năm gần đây bệnh trở nặng gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, khiến bệnh nhân cứ 2 giờ phải uống thuốc 1 lần. Bên cạnh các tác dụng phụ của thuốc, mọi sinh hoạt của bệnh nhân gần như phải lệ thuộc hoàn toàn vào người thân.

TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết thêm, theo nghiên cứu của nhóm phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu tại Việt Nam, trước khi vào viện để tìm kiếm những phương pháp điều trị liên quan đến phẫu thuật, đa số bệnh nhân đã phải phối hợp từ 2 đến 3 loại thuốc để kiểm soát triệu chứng của bệnh Parkinson.
“Theo thời gian, bệnh nhân giảm dần đáp ứng thuận lợi với thuốc, bắt đầu phải tăng liều và kết hợp nhiều loại thuốc. Điều này đưa đến các tác dụng phụ không mong muốn cũng như các biến chứng vận động gây tàn phế như loạn động và dao động vận động.
Bất chấp những tiến bộ trong hiểu biết về sinh lý bệnh và những cải tiến trong dược lý học, nhiều bệnh nhân vẫn kháng trị với điều trị nội khoa. Khi đó, phẫu thuật là liệu pháp được xem xét lựa chọn”, TS.BS Phạm Anh Tuấn cho biết.
Kích thích não sâu là một trong những phương pháp điều trị triệu chứng Parkinson bằng phẫu thuật được ứng dụng hiện nay. Phương thức này dùng các điện cực cấy vào cấu trúc đích nằm sâu trong não để phát ra các xung điện kích thích theo lập trình, giúp điều biến hoạt động tế bào thần kinh.
Nhờ tính an toàn, ít gây sang thương, không hủy hoại tế bào, khả năng điều chỉnh linh hoạt, có thể đảo ngược và hiệu quả rõ rệt, kỹ thuật này hiện được ứng dụng để điều trị bệnh Parkinson và nhiều rối loạn vận động khác.
TS.BS Phạm Anh Tuấn cho biết: “2 vi điện cực được đưa vào các nhân não ở sâu và kết nối với 1 máy kích thích để điều chỉnh các triệu chứng của bệnh. Giống như máy tạo nhịp tim, khi kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, tác động vào nhân não. Tuổi thọ của thiết bị này khoảng 10 năm”.
Parkinson tại Việt Nam: 65.000 người mắc bệnh
Parkinson thường ảnh hưởng đến 1% dân số trên 65 tuổi. Theo TS.BS Tuấn, một nghiên cứu ghi nhận, Việt Nam có hơn 65.000 người mắc bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson là một rối loạn vận động do thoái hóa thần kinh mạn tính, đặc trưng bởi các triệu chứng chậm vận động, đơ cứng, run khi nghỉ và mất ổn định tư thế. Bệnh được điều trị chủ yếu là nội khoa với các thuốc làm tăng Dopamine. Tuy nhiên, diễn tiến tự nhiên của bệnh dẫn đến một số thách thức trong điều trị.

Triệu chứng khởi đầu thường kín đáo, không điển hình như vô cảm, mệt mỏi, ít linh hoạt nên dễ nhầm với trầm cảm. Ở 80 % trường hợp, dấu hiệu làm cho bệnh nhân hoặc người xung quanh để ý là run, đặc biệt là run tay.
Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh Parkinson là: khởi động chậm, khó khăn, khi đi bước nhỏ thân cúi ra trước, khó vượt qua bậc cửa và rất dễ ngã; khó nói, thường bị lắp các từ cuối; chữ viết không đều, nhỏ, viết chậm; hạ huyết áp tư thế đứng.
TS.BS Phạm Anh Tuấn khuyến cáo thêm, những bệnh nhân mắc Parkinson cần ăn uống lành mạnh, tránh các chất kích thích như cà phê, thuốc lá; tập thể dục, duy trì lối sống lành mạnh; tuân thủ thuốc điều trị; theo dõi và tái khám định kỳ; dự phòng té ngã ở những bệnh nhân có triệu chứng nặng.
Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu trong điều trị bệnh Parkinson có chi phí phẫu thuật một ca hiện nay trung bình khoảng 850 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, Bảo hiểm y tế chưa thanh toán phần thiết bị cấy ghép.
Phương pháp này được chỉ định khi bệnh nhân Parkinson đã vào giai đoạn tiến triển với các biểu hiện:
+ Biến chứng vận động như loạn động và/hoặc dao động vận động;
+ Loạn động do Levodopa đặc biệt khi có cơn co thắt cơ gây đau. Đây là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh Parkinson. Các biểu hiện bao gồm cử động bất thường, không tự chủ, như múa giật hoặc các cử động khác, thường xảy ra khi bệnh nhân đã dùng Levodopa một thời gian dài;
+ Run kháng trị với điều trị nội khoa.