Y học

Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép da đồng loại từ mẹ ruột, cứu sống bé 2 tuổi bị phỏng 60%

Phương Khánh 11/07/2025 16:15

Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa điều trị thành công một ca phỏng nặng, nguy cơ tử vong cao. Bé B.P.T. (2 tuổi, tỉnh Gia Lai) nhập viện trong tình trạng diện tích phỏng lên đến 60% cơ thể, bao gồm cổ, ngực, bụng, lưng, mông, hai tay và hai đùi.

Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhi được chuyển đến khoa Bỏng - Chỉnh trực và được hồi sức tích cực liên tục. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, tình trạng mất dịch vẫn kéo dài và diễn tiến phức tạp. Đây là một trong những mức độ phỏng có nguy cơ tử vong rất cao ở trẻ nhỏ do mất nước, mất dịch và rối loạn điện giải nghiêm trọng.

cham-soc-bn-bi-phong.jpg
Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép da đồng loại từ mẹ ruột, cứu sống bé 2 tuổi bị phỏng nước sôi nặng, tổn thương lên đến 60%

Trước nguy cơ đe dọa tính mạng, các bác sĩ đã quyết định chỉ định ghép da đồng loại sớm - một kỹ thuật can thiệp đặc biệt nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục và kiểm soát nhiễm trùng.

Người hiến da là mẹ ruột của bé. Sau 5 ngày nhập viện, ca ghép da được thực hiện thành công. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong ekip nhiều kinh nghiệm trong xử trí phỏng nặng ở trẻ em, các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp kịp thời, giúp bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Tình trạng của bé cải thiện rõ rệt sau ghép, các vùng da ghép bắt đầu lành đáy và phục hồi tốt.

Đây là trường hợp ghép da đồng loại được thực hiện nhanh nhất từ sau khi nhập viện (5 ngày) tại khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, đánh dấu một bước tiến nổi bật trong điều trị phỏng nặng tại bệnh viện.

Thành công này thể hiện năng lực chuyên môn, sự chủ động, nhạy bén của đội ngũ y bác sĩ trong việc áp dụng các giải pháp điều trị tiên tiến, mang lại hy vọng sống cho trẻ em bị phỏng diện rộng.

ghep-da-nguoi-me.png
Hình ảnh vùng lấy da trên chân người mẹ sau khi hiến ghép cho con. Nguồn da đồng loại từ mẹ được sử dụng để điều trị phỏng diện rộng, giúp bệnh nhi vượt qua giai đoạn nguy kịch

Kỹ thuật ghép da đồng loại (allograft) là một lựa chọn quan trọng khi diện tích vùng da lành quá ít, không đủ để ghép tự thân. Việc thực hiện ghép sớm giúp rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng huyết - biến chứng nguy hiểm hàng đầu của phỏng nặng.

Theo ghi nhận tại khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, phỏng nước sôi là nguyên nhân hàng đầu gây phỏng nặng ở trẻ em. Các tai nạn thường xảy ra khi người lớn đang nấu nướng, chế biến nước nóng hoặc đặt các vật dụng chứa chất lỏng nóng trong tầm tay trẻ.

BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà – Phó Trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực khuyến cáo: "Tuyệt đối không để trẻ nhỏ lại gần khu vực đang nấu ăn hoặc có nước sôi; luôn để trẻ trong tầm mắt khi chăm sóc. Người lớn cần trang bị kiến thức sơ cứu phỏng đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu tổn thương nặng".

Phỏng nặng là một trong những tai nạn đe dọa tính mạng hàng đầu ở trẻ em. Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 10 ca ghép da đồng loại để điều trị những trường hợp phỏng nặng, phỏng diện rộng.

Thành công trong ca ghép da đồng loại lần này một lần nữa khẳng định vị thế chuyên sâu và năng lực điều trị của khoa Bỏng – Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong việc xử lý các trường hợp phỏng nghiêm trọng, mang lại cơ hội sống và hồi phục toàn diện cho các bệnh nhi.

Hiện tại với sự hỗ trợ tối đa và phối hợp chặt chẽ của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong các vấn đề nội khoa, lọc máu sớm, chống nhiễm trùng, bên cạnh định hướng phát triển mới của khoa Bỏng - Chỉnh trực, công tác điều trị phỏng nặng đã có nhiều bước tiến rõ rệt, góp phần nâng cao tỷ lệ sống và ghi nhận những kết quả khả quan trong nỗ lực giành lại sự sống cho các bệnh nhi bị phỏng diện rộng.

Xử trí khi trẻ bị phỏng nước sôi hay phỏng lửa

Khi trẻ không may bị phỏng lửa hay nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây phỏng và thực hiện các bước sau:

– Làm mát vết phỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết phỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

– Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng phỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết phỏng sưng nề.

– Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

– An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

– Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị phỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn, ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Phương Khánh