Dùng AI ứng phó với tấn công mạng
Việc ứng dụng AI không chỉ giúp doanh nghiệp xử lý dữ liệu thông minh hơn, mà còn chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi
Đây là chia sẻ của ông Trần Hữu Dũng - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) tại Hội thảo chuyên đề “AI và An ninh mạng - Thách thức và Cơ hội trong Chuyển đổi số”, chiều 9/7.
Hội thảo là một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ sự kiện Hội chợ và Triển lãm Công nghệ Quốc tế iTECH EXPO 2025 với chủ đề “New Tech Empower iFuture”.

Theo ông, tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 74.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, tăng hơn 10% so với năm 2023 và đóng góp vào khoảng 11% GDP quốc gia (theo số liệu của Bộ KH&CN).
Cùng với đó, số lượng giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực quản lý, sản xuất, điều hành ngày càng phổ biến, góp phần ảnh hưởng sâu rộng đến công nghệ trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.
“Chuyển đổi số không thể tách rời yếu tố bảo mật và tối ưu vận hành. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp doanh nghiệp xử lý dữ liệu thông minh hơn, mà còn chủ động ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi”, ông Dũng khẳng định.
Theo ông, bên cạnh những thuận lợi, AI cũng mang đến những thách thức lớn trong lĩnh vực về an toàn thông tin. Khi dữ liệu trở thành tài nguyên thiết yếu, việc ứng dụng AI để khai thác và phân tích dữ liệu đòi hỏi các biện pháp bảo vệ tương xứng. Việc chuyển toàn bộ thông tin lên môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ bị tấn công và đánh cắp dữ liệu.
Với sự phát triển nhanh chóng, AI cũng đang bị lợi dụng để tạo ra các công cụ, mã độc thế hệ mới có khả năng tấn công tinh vi hơn. Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong năm 2024, đã xảy ra 659.000 vụ tấn công mạng, ảnh hưởng đến 46% cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều vụ có quy mô lớn, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, tài chính và dịch vụ.
Mức độ nguy hiểm của các chiến dịch tấn công mạng ngày càng gia tăng, khi nhiều hệ thống thông tin chứa dữ liệu nhạy cảm trong các ngành như viễn thông, logistics, chứng khoán… bị mã độc tống tiền tấn công, gây gián đoạn hoạt động và tổn thất tài chính nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, hội thảo "AI và An ninh mạng - Thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số" được tổ chức nhằm tạo không gian đối thoại chuyên sâu giữa chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để cùng chia sẻ, nhận diện xu hướng công nghệ mới.
“Đây là cơ hội để nhìn lại những mô hình ứng dụng AI đang triển khai, từ đó nâng cao năng lực số, tăng cường khả năng phòng thủ và đảm bảo an toàn không gian mạng cho từng đơn vị cũng như cho hạ tầng số của TP.HCM”, ông Dũng nói.
Thông qua các tham luận, ông Dũng kỳ vọng hội thảo sẽ góp phần kết nối các chuyên gia, đơn vị công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp để cùng kiến tạo nên một hệ sinh thái số an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.
Được biết, Hội thảo “AI và An ninh mạng – Thách thức và Cơ hội trong Chuyển đổi số” đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu, bao gồm chuyên gia công nghệ, lãnh đạo cơ quan ban ngành và doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng CNTT và đại diện các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Chương trình hội thảo gồm 4 tham luận với những nội dung chính sau:
QTSC giới thiệu mô hình AI SOC – hệ thống giám sát an ninh mạng thế hệ mới, ứng dụng AI đa tầng, tự động hóa quy trình phát hiện – phản ứng – phân tích sự cố, giúp nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin cho các tổ chức và doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt chia sẻ giải pháp Financial AI Agent – trợ lý ảo ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính, giúp tự động hóa phân tích dữ liệu, trực quan hóa báo cáo và hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác.
QTSC Smart View – nền tảng tích hợp AI cho quản lý tập trung hạ tầng CNTT, với các tính năng như dự đoán lỗi hệ thống, phát hiện bất thường, tối ưu tài nguyên, tự động hóa quy trình vận hành…
Ennoconn Việt Nam chia sẻ vai trò của công nghệ trong việc thúc đẩy mục tiêu Net Zero và tuân thủ các tiêu chuẩn ESG – yếu tố đang dần trở thành điều kiện bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, nhấn mạnh các giải pháp ứng dụng AI trong quản lý năng lượng và tối ưu sử dụng tài nguyên – trọng tâm trong chiến lược phát triển khu công nghiệp thông minh.