Kinh doanh

Xe PHEV – Giải pháp chuyển tiếp nhiều tiềm năng nhưng chưa trọn vẹn

Tuấn Phong 08/07/2025 - 16:22

Theo J.D. Power và Consumer Reports (2025), xe PHEV dễ gặp trục trặc do cấu trúc phức tạp kết hợp hai loại động cơ. Tại Việt Nam, dù ngày càng phổ biến và tiết kiệm nhiên liệu, PHEV vẫn chưa phát huy hiệu quả nếu thiếu hạ tầng sạc, và chỉ được xem là giải pháp chuyển tiếp, không phải lựa chọn bền vững.

Trong quá trình chuyển đổi từ ô tô truyền thống sang xe điện hoàn toàn, xe hybrid cắm sạc ngoài (Plug-in Hybrid Electric Vehicle – PHEV) được xem là bước đệm lý tưởng. Với khả năng vận hành linh hoạt giữa hai nguồn năng lượng – điện và xăng – PHEV mang đến nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và mở rộng phạm vi di chuyển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng sạc điện. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài toàn năng ấy là một loạt vấn đề kỹ thuật đang dần bộc lộ, đặc biệt là tại các thị trường tiên phong như Mỹ.

z6778589126786_c30f629b2e7189997f55a99c5710a785.jpg
Mitsubishi Outlander PHEV 2025.

Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của J.D. Power vào năm 2025, xe PHEV là loại phương tiện gặp nhiều sự cố nhất trong số các dòng xe hiện có trên thị trường Mỹ. Báo cáo này dựa trên dữ liệu thu thập từ tháng 6/2024 đến tháng 5/2025, phản ánh rõ thực tế rằng việc tích hợp cả hai hệ động lực – động cơ đốt trong và mô-tơ điện – đã khiến PHEV trở nên phức tạp và dễ phát sinh lỗi hơn bất kỳ loại xe nào khác.

Trong khi xe điện (EV) chỉ vận hành bằng mô-tơ điện và pin, còn xe truyền thống chỉ sử dụng động cơ đốt trong, thì PHEV kết hợp cả hai. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể phát sinh lỗi ở cả hai hệ thống – từ sự cố liên quan đến động cơ điện, bộ pin, đến các vấn đề về động cơ xăng, hộp số, hệ thống làm mát… Nói cách khác, xe PHEV chịu ảnh hưởng kép: vừa phải đối mặt với những lỗi vốn có của xe điện, lại vừa không tránh khỏi các trục trặc thường thấy ở xe động cơ xăng.

z6778579271994_3792610fb3e6e082c75259ab907a24c9.jpg
Jaecoo J7 PHEV được quảng cáo đi hơn 15.000 km với chỉ một bình xăng 60 lít.

Theo nhận định của J.D. Power: “Về bản chất, xe PHEV là một hệ thống phức hợp giữa hai công nghệ, và sự phối hợp này không phải lúc nào cũng vận hành trơn tru. Khi trục trặc xảy ra, người dùng thường sẽ sớm cảm nhận điều đó tại các xưởng sửa chữa.”

Cũng theo khảo sát của Consumer Reports, một tạp chí uy tín chuyên đánh giá sản phẩm tại Mỹ, xe PHEV là dòng xe có độ tin cậy thấp nhất hiện nay. Cuộc khảo sát dựa trên phản hồi của hơn 330.000 chủ xe về các mẫu xe sản xuất từ năm 2000 đến 2024, tập trung vào các lỗi liên quan đến động cơ, hệ thống truyền động, pin, mô-tơ điện, và cả hệ thống thông tin giải trí. Kết quả cho thấy, số lỗi trung bình của xe PHEV cao hơn tới 146% so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

image3_a5e84484752e41b395353d48a8e31462_grande.jpg
BYD Sealion 6 bản Premium.

Tại thị trường Việt Nam, công nghệ PHEV đang bắt đầu được các hãng xe đẩy mạnh. Không chỉ xuất hiện trên các mẫu xe cao cấp như BMW, Volvo, Lexus…, mà còn dần phổ cập ở những thương hiệu phổ thông hơn như Jaecoo, Chery hay BYD. Một số mẫu được giới thiệu có thể đi hơn 15.000 km với chỉ một bình xăng 60 lít – một con số gây ấn tượng mạnh, nhưng chỉ thực sự đạt được khi pin luôn được sạc đầy, và phần lớn hành trình chạy bằng điện.

Tuy nhiên, điều kiện thực tế tại Việt Nam đặt ra nhiều giới hạn cho sự phát huy hiệu quả của dòng xe này. Hạ tầng sạc công cộng còn thiếu, nhiều người dùng sống ở chung cư hoặc nhà phố không có vị trí sạc cố định, khiến khả năng sạc điện tại nhà bị hạn chế. Khi đó, người dùng buộc phải chạy PHEV như một chiếc xe xăng thông thường – dẫn đến hiệu quả sử dụng giảm sút đáng kể.

Ngoài ra, tâm lý hoài nghi về chất lượng động cơ đốt trong của một số hãng xe mới nổi cũng khiến người tiêu dùng e ngại. Các công nghệ mới chưa được kiểm chứng về độ bền, tuổi thọ động cơ và chi phí bảo dưỡng lâu dài là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua xe của người dùng Việt Nam.

Một xu hướng đang được ghi nhận là các nhà sản xuất không ngừng mở rộng phạm vi vận hành thuần điện cho xe PHEV – có mẫu có thể chạy điện từ 80 đến 100 km. Dù đem lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao hơn, song điều này cũng đồng nghĩa với việc pin phải lớn hơn, nặng hơn và hệ thống điện càng phức tạp hơn. Hệ quả là chi phí sản xuất, giá bán, chi phí bảo trì cũng tăng theo. Điều này khiến PHEV ngày càng trở thành một dòng xe “nửa vời” – không đơn giản như xe xăng, nhưng cũng chưa đạt đến sự tối ưu và liền mạch như xe điện thuần chủng.

Có thể thấy, xe PHEV dù có những ưu điểm rõ rệt về tiết kiệm nhiên liệu và sự linh hoạt trong vận hành, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế về độ tin cậy và độ phức tạp trong cấu tạo. Trong khi người tiêu dùng kỳ vọng vào một giải pháp chuyển tiếp hoàn hảo giữa hai thế giới cũ – mới, thì thực tế cho thấy PHEV vẫn còn là một “điểm dừng kỹ thuật tạm thời”, hơn là giải pháp dài hạn trong lộ trình điện hóa ngành ô tô.

Tuấn Phong