Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền lập đỉnh, VN-Index hướng tới 1.390
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch đầu tiên của quý III với những tín hiệu lạc quan, khi VN-Index nối dài chuỗi 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Đóng cửa tuần, chỉ số VN-Index tăng 15,53 điểm (+1,13%) lên 1.386,97 điểm; HNX-Index tăng 4,70 điểm (+2,06%) lên 232,51 điểm.
Thanh khoản tiếp tục cải thiện và dòng tiền khối ngoại đổ vào mạnh mẽ, tạo điểm tựa quan trọng cho tâm lý thị trường trong bối cảnh áp lực chốt lời quanh vùng kháng cự 1.400 điểm đang dần hiện diện.
Tác động từ đàm phán thuế quan và lực đẩy từ khối ngoại tạo sóng thị trường
Tuần qua, thị trường chứng kiến 4/5 phiên tăng điểm. Các phiên đầu tuần từ ngày 30/6 – 2/7 ghi nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhóm ngân hàng và công nghệ, giúp chỉ số dần vượt vùng cản 1.370 điểm. Đặc biệt trong phiên 2/7, nhóm chứng khoán đồng loạt tăng trần (VIX, FTS, HCM, CTS), giúp VN-Index tăng mạnh (+0,49%) và đóng cửa tại đỉnh phiên (1.384,59 điểm).
Tâm điểm đáng chú ý xuất hiện vào phiên 3/7, khi thị trường đón nhận thông tin sơ bộ về khung thuế mới trong thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thông tin này ngay lập tức tác động đến thị trường khiến chỉ số VN-Index tăng mạnh đầu phiên ngày 3/7, nhưng áp lực chốt lời tại vùng kháng cự khiến chỉ số đảo chiều và giảm 2,63 điểm (-0,19%). Dù điều chỉnh, thanh khoản tăng vọt lên hơn 38.688 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm, cho thấy dòng tiền vẫn chủ động vận động theo giá.
Dù phiên 3/7 ghi nhận điều chỉnh nhẹ, nhưng VN-Index nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần với sự trở lại của dòng tiền ngoại và lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ. FPT là điểm sáng nổi bật với mức tăng +3,81%, đóng góp +1,60 điểm cho chỉ số. Cùng với đó, VCB (+0,86%) và ACB (+2,10%) góp phần giữ vững đà tăng chung.
Về thanh khoản, HOSE ghi nhận mức thanh khoản tăng tích cực trong tuần đạt trung bình hơn 23.244 tỷ đồng/phiên, tăng 8,96% so với tuần trước đó. HNX cũng ghi nhận sự tăng nhẹ với 0,41%, trung bình hơn 1.742 tỷ đồng/phiên
Một điểm nhấn lớn trong tuần là hoạt động mua ròng kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 5.167 tỷ đồng trên toàn thị trường, mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Riêng HOSE ghi nhận giá trị mua ròng 5.086 tỷ đồng, trong khi HNX cũng đóng góp thêm 151 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được mua ròng mạnh gồm FPT (+549,79 tỷ), ACB (+339,59 tỷ), MWG (+148,25 tỷ), HPG (+143,05 tỷ) và SSI (+117,84 tỷ). Ở chiều ngược lại, VIC (-155,25 tỷ), VHM (-103,24 tỷ), GEX (-84,27 tỷ) và GVR (-73,60 tỷ) bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất.
Cổ phiếu phân hóa, thị trường tiến sát vùng quá mua kỹ thuật
Theo dữ liệu thống kê hiệu suất ngành, có đến 10/11 nhóm ngành chính ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong tuần. Dẫn đầu là công nghệ thông tin với mức tăng 5,07%, chủ yếu nhờ sự bứt phá của FPT, CMG, ITD và POT. Ngành dịch vụ truyền thông cũng tăng 3,11%, nổi bật là VGI, FOX, CTR, SGT.
Ngành tài chính tăng 2,67% nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng. Ngành công nghiệp tăng 2,80%, trong khi nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận mức tăng nhẹ lần lượt +1,53% và +0,65%. Ở chiều ngược lại, tiện ích là nhóm ghi nhận mức giảm duy nhất trong tuần với 0,81%
HCM (+11,11%) là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm chứng khoán tuần qua. Giá cổ phiếu bứt phá qua các đường MA dài hạn như SMA100 và SMA200. Dù khối lượng chưa ổn định, nhưng các chỉ báo kỹ thuật MACD và Stochastic đều cho tín hiệu mua, củng cố kỳ vọng tăng ngắn hạn.
VIX gây chú ý khi dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với khối lượng giao dịch lên đến 74,33 triệu cổ phiếu, đóng góp tích cực cho chỉ số tài chính và thu hút mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Ở chiều giảm, PMG (-8,77%), VCA (-7,85%) và SVD (-7,51%) là những mã bị giảm mạnh nhất trên HOSE.
Theo nhận định từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), mặc dù thị trường đang trong giai đoạn tích cực với thanh khoản cải thiện và dòng tiền nội – ngoại duy trì ổn định, nhưng biên độ tăng điểm của VN-Index đang có dấu hiệu thu hẹp. Chỉ số hiện đã tiệm cận vùng kháng cự kỹ thuật mạnh 1.398 – 1.418 điểm, đi kèm trạng thái "quá mua" trong ngắn hạn.
Các chuyên gia cho rằng, áp lực chốt lời là điều khó tránh khỏi trong những phiên tới, đặc biệt khi lực bán đã bắt đầu xuất hiện rõ nét ở vùng giá cao. Nhóm cổ phiếu đầu cơ, bất động sản khu công nghiệp và dệt may nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Ngược lại, dòng tiền có thể dịch chuyển sang các cổ phiếu cơ bản, định giá hợp lý và được hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô và chu kỳ phục hồi trung hạn.
Tuần giao dịch 30/6 – 4/7 khép lại với bức tranh khởi sắc khi chỉ số tiếp tục tăng, thanh khoản bùng nổ, khối ngoại mua ròng kỷ lục. Các trụ lớn như FPT, VCB, ACB, BID cùng nhóm ngành chứng khoán và công nghệ đóng vai trò dẫn dắt. Dù áp lực điều chỉnh đang cận kề vùng kháng cự, triển vọng trung hạn vẫn tích cực nếu dòng tiền được duy trì ổn định. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục theo hướng bền vững, tập trung vào cổ phiếu có nền tảng và định giá hợp lý.