Công nghệ

Dịch giả và AI: Không sợ bị thay thế, chỉ sợ đánh mất bản sắc

Võ Liên (Thực hiện) 04/07/2025 - 15:42

Trong thời đại AI bùng nổ, nhiều người lo ngại công nghệ sẽ "soán ngôi" dịch giả. Phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Việt Hải về công việc chuyển ngữ.

Điều cần xét là sử dụng AI ở mức độ nào

Phóng viên: Anh nghĩ sao về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc dịch thuật?

Dịch giả Nguyễn Việt Hải: Hiện nay là thời điểm lên ngôi của các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) là một thành quả lớn của khoa học, sẽ phục vụ cho tương lai trong đa dạng lĩnh vực. Nên việc biên dịch sách cũng sẽ có được nhiều hỗ trợ từ AI, nhất là khi tri thức đang được số hoá mạnh mẽ. Chúng ta được quyền tiếp thu các xu hướng mới của khoa học kỹ thuật để phát triển bản thân. Tôi thấy việc áp dụng đúng cách AI trong công việc là điều hoàn toàn đúng đắn. Điều cần xét là sử dụng AI ở mức độ nào.

dich-gia-nguyen-viet-hai-.jpg
Dịch giả Nguyễn Việt Hải.

Lạm dụng AI trong việc chuyển ngữ sách là điều không thể chấp nhận. Tôi tán thành việc coi AI (ChatGPT, Gemini…) như một công cụ trợ giúp để tra cứu trong quá trình dịch, một dạng bách khoa thư cao cấp. Với các tác phẩm có ngôn ngữ và nội dung đơn giản, tôi có thể chuyển ngữ dễ dàng dựa vào vốn ngoại ngữ của mình, cộng thêm các loại từ điển phổ thông, không cần sử dụng AI.

Với các tác phẩm khó, khi gặp khái niệm xa lạ với mình hoặc từ vựng ít thông dụng, tôi đều hỏi AI. Đôi khi, tôi nhờ AI tóm tắt nội dung cuốn sách để nắm bắt tinh thần chính. Nhưng tôi không tán thành việc giao toàn bộ quá trình chuyển ngữ cho AI.

Cá nhân anh có lo ngại về việc AI sẽ đe doạ công việc của mình không?

AI sẽ giúp con người giảm bớt gánh nặng công việc. Tôi không cho là AI có thể làm mất công việc của người dịch. Người dịch chân chính còn là một người đọc chân chính, và sẽ không để dịch phẩm của mình mang ảnh hưởng của một thực thể khác, không đến từ tư duy của mình. Vì sách là một sản phẩm rất đặc biệt. Bạn đọc sẽ là người đánh giá công tâm về dịch phẩm, và sẽ dễ dàng nhận ra người dịch có thật sự là người làm việc nghiêm túc hay không.

Một dịch phẩm phụ thuộc nhiều vào AI, không được gọt giũa, tinh chỉnh sẽ dễ dàng bị nhận ra do có sự rời rạc, nhợt nhạt. Dịch giả giỏi, không chỉ chuyển ngữ thành công tác phẩm để người đọc cảm nhận được vẻ đẹp từ ý tưởng của tác giả, mà còn có thể bổ sung các giá trị gia tăng. Tôi sẽ nói về cuốn sách tôi yêu thích để minh hoạ.

Bản dịch mới An Nam chí lược của Lê Trắc vừa được Tao Đàn thực hiện. Đây là bộ sử giá trị ra đời rất sớm của nước Việt ta, vẫn còn được lưu giữ gần như trọn vẹn. Để làm rõ được giá trị vượt trội của An Nam Chí Lược so với các bộ sử khác, dịch giả Lê Huy Hoàng không chỉ giỏi tiếng Trung, còn là người giỏi khảo cứu.

Giống như nhiều bộ sách cổ, bộ sử này cũng có nhiều phiên bản, với các cách in ấn khác nhau, được nhiều nhà nghiên cứu tham gia bình chú. Để hiểu đúng chính văn, dịch giả không chỉ phải sử dụng phần hiệu điểm bằng tiếng Trung của nhà nghiên cứu Vũ Thượng Thanh mà còn phải sử dụng thêm rất nhiều bộ chính sử khác của Trung Quốc để điều chỉnh những thiếu sót của chính Vũ Thượng Thanh.

Việc phục dựng một phiên bản An Nam Chí Lược thành công như hiện nay đòi công sức vô cùng lớn của dịch giả về nhiều mảng, không chỉ riêng về khả năng tiếng Trung. Sẽ không bao giờ AI thực hiện được một công trình như vậy.

Theo anh, những giới hạn căn bản nào khiến AI chưa thể thay thế hoàn toàn dịch giả con người, đặc biệt trong lĩnh vực dịch văn học?

Như tôi đã nói trên kia, chỉ có người dịch - người đọc chân chính, sau một quá trình tích lũy đủ sâu rộng, mới có thể truyền tải theo cách tinh tế mọi sắc thái và tầng nghĩa của văn bản văn học. Dịch văn học cần kỹ thuật và khả năng cảm thụ. Kỹ thuật có thể học được nhanh nhưng khả năng cảm thụ thì khó. Các tác phẩm văn học có độ phức tạp cao luôn sử dụng các lối chơi chữ, phép ẩn dụ đặc trưng của nền văn hoá đó mà AI chắc chắn chưa thể cập nhật.

Dịch giả cũng sẽ giữ vai trò nắm bắt đúng phong cách và giọng văn của tác giả để tái tạo tất cả trong tiếng Việt, đồng thời cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp với độc giả Việt. Các bản dịch của AI thường thiếu hồn, thiếu cá tính, khó chạm vào cảm xúc bạn đọc.

Tác giả có bản sắc và người dịch cũng phải giữ bản sắc

Nếu xem AI là một công cụ hỗ trợ, theo anh, các dịch giả nên tận dụng như thế nào để vừa tăng hiệu suất công việc, vừa giữ được bản sắc của mình trong bản dịch?

AI hiện có thể giúp các dịch giả tra cứu thông tin và từ vựng rất nhanh. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khó như y học, xây dựng, cơ khí, tôn giáo, khảo cổ, triết học… thì người dịch phải hết sức cẩn thận để hiệu đính bản dịch. AI cũng có thể giúp kiểm tra chính tả, đánh giá cách hành văn, tạo dựng bộ thuật ngữ. Tôi nghĩ những hỗ trợ của AI trong việc dịch sách (ở thời điểm này) chỉ nên dừng lại như vậy. Con người vẫn phải tự lực tư duy và sáng tạo. Người dịch sẽ luôn phải hiểu rõ mục đích của cuốn sách mình đang dịch. Quá trình dịch cũng là quá trình người dịch tự động mở rộng hiểu biết, đúc rút kinh nghiệm để không bị AI lấn át. Tác giả có bản sắc, và người dịch cũng phải giữ bản sắc. Như tôi đã nói trên kia, luôn có những độc giả công tâm chỉ ra một bản dịch đã đạt được vẻ đẹp và đủ chiều sâu hay chưa.

tac-pham-nu-nhan.jpg
Tác phẩm Nữ nhân (Kristin Hannah) do dịch giả Nguyễn Việt Hải chuyển ngữ.

Vậy mối quan hệ giữa dịch giả và AI ở hiện tại và trong tương lai nên được nhìn nhận như thế nào?

Tôi không phủ nhận rằng AI giúp cho công việc của chúng tôi được tiết kiệm thời gian hơn, điều chỉnh được nhiều vấn đề hơn. Nhưng người đọc tổng quan cuốn sách, hiểu rõ được vị trí của cuốn sách trong dòng chảy văn hoá, chắc chắn là người chịu trách nhiệm nội dung.

Khi coi cuốn sách như một thực thể có tri giác, một con người biết trò chuyện, biết tương tác, thì người dịch mới có thể thật sự truyền tải thành công. Vì cuốn sách không chỉ có mang đến thông tin, còn có tinh thần và nhịp điệu riêng. Những người dịch như chúng tôi chỉ cần tập trung bồi dưỡng cho bản thân, học hỏi từ các dịch giả thế hệ trước, có niềm đam mê sâu với công việc, trân trọng tri thức, thì có thể không cần bận tâm đến câu chuyện “chung sống hoà bình” hay “bị AI lấn át”.

Nguyễn Việt Hải là dịch giả của nhiều tác phẩm như Hai số phận (Jeffrey Archer), Jack Frost (William Joyce), Chuyện kỳ dị về Benjamin (Francis Scott Fitzgerald), Skandar và Kẻ trộm kỳ lân (A.F. Steadman), Nữ nhân (Kristin Hannah - sắp ra mắt), Những đứa con của thuyền trưởng Grant (Jules Verne - sắp ra mắt)...

Võ Liên (Thực hiện)