Sống xanh

NetZero Pallet - Tương lai của chuỗi cung ứng xanh

An Quý 04/07/2025 - 11:10

Phát triển vật liệu sinh học carbon âm từ phế phẩm nông nghiệp, NetZero Pallet là các sản phẩm logistics hiệu suất cao, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải toàn cầu, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Công ty công nghệ khí hậu AirX Carbon vừa chính thức giới thiệu NetZero Pallet, hoàn toàn tuần hoàn, được sản xuất từ xơ dừa, vỏ cà phê và các phế phẩm nông nghiệp khác.

ung-dung-netzero-pallet-trong-logistics.jpg
Ứng dụng NetZero Pallet từ phế phẩm nông nghiệp trong logistics xanh

Phiên bản nâng cấp này hiện đang được thí điểm trong hệ thống kho tự động của một công ty chuyên sản xuất đồ uống Mỹ và bước đầu nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng của Hàn Quốc...

Bà Thảo Trần - Đồng sáng lập, Giám đốc Chiến lược của AirX Carbon chia sẻ: “NetZero Pallet là minh chứng cho cách mà sự sáng tạo bản địa và nguồn tài nguyên nông nghiệp dồi dào có thể chuyển hóa thành những giải pháp mang tầm vóc toàn cầu.

Câu chuyện này là lời mời gọi tái định hình ngành cung ứng, giao vận xanh (logistics) toàn thế giới. Chúng tôi đang khẳng định rằng các mô hình tuần hoàn từ nông nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng quy mô và vượt qua mọi ranh giới quốc gia.”

ong-le-thanh-ceo-founder-airx-carbon-netzero-pallet-va-co-sarah-hooper-tong-lanh-su-uc-tai-tp.-ho-chi-minh.jpg
Ông Lê Thanh - CEO & Founder AirX Carbon & NetZero Pallet và Tổng Lãnh sự Úc tại TP. HCM Sarah Hooper

Sự kiện ra mắt với chủ đề “NetZero Pallet - Tương lai của chuỗi cung ứng xanh” không chỉ nhấn mạnh vai trò của sản phẩm trong chuyển đổi xanh cũng như kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Sự kiện khẳng định Việt Nam không chỉ theo đuổi phát triển bền vững, mà còn chủ động định hình xu hướng toàn cầu.

“Tại Việt Nam, AirX Carbon (NetZero Pallet) đang sản xuất pallet cho các công ty toàn cầu bằng cách tái chế phế phẩm nông nghiệp,” Bà Sarah Hooper - Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM chia sẻ. “Chúng tôi tự hào khi chương trình của Chính phủ Úc đồng hành cùng sáng kiến đổi mới và nhiều tác động này, nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững từ vật liệu carbon âm tính có nguồn gốc từ Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”.

Theo ông Lê Thanh, CEO của AirX Carbon, mỗi năm, Việt Nam tạo ra hơn 150 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, phần lớn bị đốt hoặc thải bỏ - gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên sinh khối quý giá.

NetZero Pallet tận dụng nguồn sinh khối chưa được khai thác này để sản xuất các sản phẩm công nghiệp có giá trị cao, thông qua công nghệ sạch và chất kết dính sinh học độc quyền.

pho-giao-su-tien-si-nguyen-hong-quan-vien-truong-vien-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-dai-hoc-quoc-gia-tp.hcm-phat-bieu-tai-toa-dam.png
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những chuyên gia về phát triển bền vững tại sự kiện ra mắt NetZero Pallet

“Chúng tôi đang kiến tạo những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức lớn nhất về phát triển bền vững trên toàn cầu. Mỗi pallet sử dụng đến 95% phụ phẩm nông nghiệp như xơ dừa, vỏ cà phê và các phụ phẩm nông nghiệp khác; không dùng gỗ, không nhựa. Mỗi pallet có khả năng lưu giữ tới 34kg CO₂ và được chứng nhận là giải pháp hấp thụ carbon,ông Lê Thanh nói.

Với mỗi 60 triệu NetZero Pallet được sản xuất có thể giúp:

  • Ngăn chặt hạ 10.000.000 cây xanh;
  • Tái chế 2.000.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp;
  • Hấp thụ và lưu giữ 7.000.000 tấn CO₂;
  • Tạo thu nhập ổn định cho hơn 600.000 nông dân và lao động nông thôn.

Ở quy mô nhỏ hơn, chỉ 1000 pallet cũng đủ để:

  • Giảm phát thải 62 tấn CO₂ so với sản xuất pallet nhựa;
  • Giảm phát thải 4,1 tấn CO₂ so với sản xuất pallet gỗ;
  • Giữ lại 170 cây xanh;

Không chặt cây làm pallet gỗ giúp cây tiếp tục hấp thụ thêm 150 tấn CO₂ trong suốt vòng đời.

NetZero Pallet hiện đang được sản xuất tại Bình Dương, với công suất 1,5 triệu pallet mỗi năm. Chương trình chuyên phát triển vật liệu sinh học carbon âm từ phế phẩm nông nghiệp được công nhận bởi Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc (DFAT) và Đối tác Tăng trưởng xanh và Mục tiêu Toàn cầu P4G cũng như nhận được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Switch Asia...

An Quý