Y học

Làm nghề y là phải lăn xả, kiên nhẫn...

Huyên Chi - Ngọc Duy 03/07/2025 - 06:54

BS.CK2 Dương Văn Mười Một - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Lồng ngực Mạch máu, BV Nhân dân 115 quan niệm rằng, khi bước chân vào y nghiệp thì người bác sĩ phải chịu cực chịu khó để giỏi nghề, phải nhẫn nại để không bỏ qua bất kỳ tổn thương nguy hiểm hay dấu hiệu bệnh nặng tiềm ẩn nào.

img_1123.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim - Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115

Đồng thời, người khoác áo blouse trắng cũng phải thật kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng mục tiêu mà mình đã chọn lựa, phấn đấu. Mỗi khi họp giao ban, BS.CK2 Dương Văn Mười Một - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim - Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) thường chia sẻ với đồng nghiệp trẻ:

“Nghề mình chọn là nghề y nên tâm mình phải đặt hết vào sinh mạng người bệnh, vào mỗi phút giây mình ở bên họ. Cũng đừng bao giờ làm khó bệnh nhân bởi nghề y là một nghề cao quý, người bác sĩ được xã hội trọng vọng nhưng cũng kèm theo đó là rất nhiều thử thách và áp lực. Nếu muốn nhiều tiền thì mình có thể chọn chỗ khác, ngành khác. Còn nếu đã quyết tâm theo nghề, mình phải làm tốt nhất cho bệnh nhân”.

Đó cũng là lý tưởng mà bác sĩ Dương Văn Mười Một đã mang theo mình từ khi còn là cậu sinh viên y khoa năm nhất cho đến khi đã thành một bác sĩ ngoại khoa danh tiếng.

img_1011.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một được biết đến là một bác sĩ ngoại khoa "chuyên trị" những ca khó

Từ cậu bé vùng quê hiếu học…

Bác sĩ Dương Văn Mười Một sinh trưởng trong một gia đình nông dân có 15 người con tại xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - một khu bưng biền với những rừng tràm dày đặc. Những năm cấp 1, cấp 2, cậu bé Mười Một mỗi ngày phải cuốc bộ 2 cây số để đến được trường làng. Những khi lũ lên, cũng như bao người học trò ở vùng sâu vùng xa, cậu phải bước đi trên những chiếc cầu khỉ lắt lẻo. Chẳng may cầu bị sập thì lội kênh, trầm mình trong dòng nước đục còn tập vở được cậu bỏ vào bọc nylon rồi giơ cao lên khỏi đầu.

Ngoài việc học, cậu học sinh Mười Một còn phụ gia đình đi cấy, gặt lúa, trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc, có lúc vừa chăn trâu vừa đi học. Đến năm cấp 3, trường rất xa nhà, gia đình phải đưa cậu học sinh Mười Một đi ở trọ nhà người thân ở huyện Thủ Thừa. Mỗi cuối tuần về thăm nhà, nửa đêm người mẹ lại thắp đèn dầu, bước thấp bước cao đưa con xuống ghe, tiễn con về lại trường. Tuần nào tháng nào cũng vậy, mẹ trước - con sau, ánh đèn lập lòe trong đêm khuya thinh vắng, chỉ có tiếng côn trùng rả rích là những hình ảnh mà bác sĩ Mười Một luôn nhớ mãi về một thời đi học của mình.

Hành trình tầm con chữ khổ cực đã được đền đáp bằng kết quả cậu học sinh Mười Một đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM khóa 1993 – 1999. Năm đó, cả huyện chỉ một - hai người đậu bác sĩ nên đây là niềm hãnh diện của một đại gia đình nông dân đông con.

z6744207411854_bc4f9208773014b6325fade34e7ade14.jpg
Bác sĩ Mười Một đã chọn cho mình con đường làm bạn với dao mổ với nhiều khổ cực, thử thách

Trở thành sinh viên ngành y chỉ là khởi đầu. Con đường học tập và làm nghề sau đó mới quyết định được ai sẽ là một người bác sĩ giỏi và được nể trọng trong tương lai. Bác sĩ Mười Một đã chọn cho mình con đường làm bạn với dao mổ với nhiều khổ cực, thử thách và hy sinh. Tại sao lại là Ngoại khoa mà không phải là một chuyên ngành nhẹ nhàng khác? Bác sĩ Mười Một không ngại ngần trả lời ngay: “Vì tôi thích ngoại khoa”.

Với bác sĩ Mười Một, thông minh thôi chưa đủ, người theo nghề y phải lăn lộn với từng ca bệnh. Khi còn đi học, gặp những ca quá nặng, ông không ngại chủ động đi “làm phiền” những người đi trước, những người Thầy để được họ chỉ bảo. Có những ca, ông thức trắng đêm cùng người bệnh, theo dõi từng diễn tiến của họ, chủ động đi lấy từng kết quả xét nghiệm như siêu âm tim, siêu âm mạch máu, siêu âm bụng hay X-quang để kịp thời báo cáo đàn anh rồi theo bệnh nhân vào phòng mổ. “Bệnh nhân đi đâu mình theo đó”, bác sĩ Một bồi hồi nhớ lại.

Rồi khi ra trường, đi làm chính thức, có những khi một mình trong ca cấp cứu, bác sĩ Mười Một gặp những trường hợp quá sức của mình, không biết giải quyết như thế nào và cũng có những ca chết trên bàn mổ, không cứu được do mất máu quá nhiều. Những khi này, tinh thần ông bị dao dộng, đôi lúc muốn bỏ nghề vì… mệt quá, đuối quá. “Nhưng chính những ca bệnh thành công đã neo giữ mình lại với nghề. Khi tỉnh táo, nhìn lại tổng thể thì những ca không cứu được chỉ là những con số nhỏ, tôi nghĩ rằng còn nhiều người cần mình nên mình phải tiếp tục”, bác sĩ Mười Một trải lòng.

Khi một số bạn bè chuyển sang làm trình dược viên, một số về quê công tác thì BS Dương Văn Mười Một cố gắng trụ lại thành phố, xin vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong 2 năm để được đào tạo và nâng cao chuyên môn. Sau đó, BS Mười Một về Bệnh viện Quận 10. TP.HCM công tác một thời gian ở Khoa Ngoại Tổng quát rồi xin về Đơn vị Ngoại Lồng ngực của Bệnh viện Nhân dân 115 – một đơn vị được thành lập năm 2006, thuộc Khoa Ngoại tổng quát do PGS.TS Lê Văn Thịnh làm trưởng khoa. Sau đó, đơn vị tách khỏi Khoa Ngoại tổng quát và gộp với Khoa Phẫu thuật Tim, trở thành Khoa Phẫu thuật Tim - Lồng ngực Mạch máu. Đây cũng là cơ hội để bác sĩ Mười Một thể hiện năng lực và phát triển chuyên môn, kinh nghiệm của mình.

img_1090.jpg
Trao đổi với đồng nghiệp về một ca bệnh nặng

Đến người bác sĩ luôn đặt chữ “tâm” lên bệnh nhân

Khi Khoa mới thành lập, bệnh viện cũng còn nhiều khó khăn, chính vì vậy, một số đồng nghiệp của bác sĩ Mười Một đã ra đi tìm những vùng đất mới với những điều kiện tốt hơn. Bác sĩ Mười Một chọn ở lại Bệnh viện Nhân dân 115. Ông giải thích cho sự lựa chọn của mình: “Ở lại vì duyên và vì đây là bệnh viện loại 1 với nhiều loại mặt bệnh đa dạng, tôi muốn có cơ hội để rèn luyện, nâng cao chuyên môn. Tôi muốn cống hiến với mong muốn cứu được nhiều người, hơn là ra đi tìm kiếm những lợi ích kinh tế và một cuộc sống dư dả về tài chính”.

img_1112.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một: Tôi theo đuổi nghề y với mong muốn cứu người

Cũng có lúc, cuộc sống khó khăn khiến người bác sĩ bị dao động nhưng rồi ông lại suy nghĩ, vậy còn nhiều người khó khăn hơn mình thì sao? Nếu nghĩ nhiều đến tiền sẽ bị thui chột về lý tưởng. Vì vậy, ông chọn đi tiếp con đường mình đã chọn, là trở thành một bác sĩ ngoại khoa giỏi. Kết quả của sự kiên trì, quyết tâm là tháng 7 năm 2020, ông được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng bổ nhiệm vị trí Trưởng Khoa.

Nhưng dù ở cương vị nào, thì sự lăn xả, nhẫn nại, chịu khó học hỏi vẫn là kim chỉ nam để bác sĩ Mười Một đi theo và để nghiệp y khoa của mình được trọn vẹn.

Nhẫn nại để phát hiện những tổn thương kín, bệnh ẩn kịp thời

Trong đời làm bác sĩ phẫu thuật Tim - Lồng ngực mạch máu, có những ca bệnh luôn để lại cho người bác sĩ trưởng khoa những ưu tư, trăn trở. Bác sĩ Mười Một nhớ hoài một bệnh nhân trẻ, có vết thương ở tim. Do bị đâm bằng dao bấm nhỏ nên tổn thương thầm lặng, không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào. Anh được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến quận và được xử lý khâu vết thương nhưng sau đó vẫn bị đau tức ngực mà không phát hiện tổn thương. Lần thứ 3 đến bệnh viện, bệnh nhân đã bị tràn máu màng tim, phải chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115.

Nghề y không giống các nghề khác, sai có thể sửa. Tính mạng bệnh nhân, một khi đã sai là khó hoặc không còn đường để sửa được nữa"

BS.CK2 Dương Văn Mười Một

Tương tự, nhiều trường hợp khi đi cấp cứu, bệnh nhân vẫn tỉnh nên chỉ được khám qua loa, đến khi bệnh chuyển nặng, phải đi khám chuyên khoa thì mạch máu đã bị tổn thương không thể cứu được nữa, phải đoạn chi.

BS.CK2 Dương Văn Mười Một không ngại bày tỏ quan điểm của mình: “Những ca cấp cứu, đặc biệt do chấn thương, dù bệnh nhân có đến trễ thì bản thân người bác sĩ cũng phải có kiến thức, có tâm, phải nhận thức được vấn đề, tình hình của bệnh nhân lúc đó, không được khám qua loa để dẫn đến kết cục bệnh nhân phải mất một phần thân thể hay cả tính mạng”.

hop giao ban
Những khi họp giao ban, BS.CK2 Dương Văn Mười Một hay chia sẻ với đồng nghiệp trẻ những quan điểm về nghề nghiệp. Ảnh: NVCC

Với những bệnh ẩn khó phát hiện, vào cấp cứu mà khám qua loa, sơ sài sẽ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Chính vì vậy, người bác sĩ phải nhẫn một chút, chịu khó thăm khám, nghiên cứu kỹ hơn dù công việc đang rất bận bịu, áp lực. “Đã làm nghề y là phải chịu khó, chịu cực. Nghề y không giống các nghề khác, sai có thể sửa. Tính mạng bệnh nhân, một khi đã sai là khó hoặc không còn đường để sửa được nữa”, bác sĩ Mười Một chia sẻ.

Thực tế trong quá trình điều trị, bác sĩ Mười Một cũng gặp những trường hợp mắc những bệnh lý lồng ngực nặng và đã ở tình thế ngặt nghèo như u quái lồng ngực (đặc biệt u trung thất ác tính), tắc mạch hay phình động mạch chủ nặng với những triệu chứng thầm lặng. Do u không được phát hiện sớm dẫn đến diễn tiến nặng, không còn khả năng phẫu thuật, sử dụng thuốc không còn hiệu quả. Tắc mạch gây tàn phế hay phình vỡ động mạch có thể gây tử vong vì bệnh nhân mất máu nhiều dẫn đến sốc, phẫu thuật không thành công.

Bác sĩ Mười Một day dứt: “Người dân, đặc biệt người ở các miền quê xa, khi thân thể đau nhức thì cứ tưởng do lao động nặng dẫn đến mệt mỏi. Họ không biết và không nghĩ đến mạch máu trong cơ thể mình đang bị tổn thương, lâu dần dẫn đến tắc mạch”.

Với những ca nặng mà điều trị thành công, người bác sĩ mừng như chính mình vừa vượt qua cửa tử"

BS.CK2 Dương Văn Mười Một

Với những bệnh nhân đã trễ tràng này, tùy tình huống, sau khi chụp mạch máu, kiểm tra thấy còn khả năng cứu được, bác sĩ Mười Một và đồng đội của mình lập tức can thiệp nội mạch, làm cầu nối mạch máu, cắt cụt chi để cứu tính mạng bệnh nhân. “Với những ca nặng mà điều trị thành công, người bác sĩ mừng như chính mình vừa vượt qua cửa tử”, bác sĩ Mười Một chia sẻ thêm.

Bác sĩ Mười Một đúc kết kinh nghiệm của người hơn hai mươi năm hành nghề: “Những ca chấn thương hay vết thương tim, phổi, mạch máu lớn cần xử lý cấp tốc. Nói chung, những ca chấn thương ngực cần xử lý sớm”. Bài học cô đọng, súc tích này, chỉ những ai chịu khó, chịu cực và luôn để tâm mình vào sinh mệnh người bệnh như bác sĩ Mười Một, mới có thể thấu hiểu trọn vẹn.

“Hiện nay có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị u quái lớn, đặc biệt u trong Lồng ngực ác tính không còn khả năng phẫu thuật, chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám các vấn đề sức khỏe khác”, bác sĩ Mười Một lại chìm vào những suy tư không dứt.

img_1057.jpg
Ông luôn để tâm, theo dõi sát sao từng ca bệnh

Sẵn lòng truyền lại kiến thức cho đàn em
Ngoài công tác chuyên môn ở Bệnh viện 115, BS.CK2 Dương Văn Mười Một còn tham gia giảng dạy về Ngoại lồng ngực cho sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân y. Ông không ngại chia sẻ những kiến thức của mình cho những thế hệ bác sĩ tương lai. Một điều ông luôn nhắc nhở các sinh viên y khoa: “Đã là bác sĩ, dù là nội khoa, ngoại khoa hay thẩm mỹ đều phải trang bị kiến thức chung cơ bản, đầy đủ, toàn diện để nhận định đúng, xử trí điều trị đúng (khẩn trương hay trì hoãn) cũng như cho lời khuyên kịp thời không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho người thân của họ.

Khi còn trẻ, các em muốn có kiến thức phải chịu khó lăn lộn, theo dõi trên từng bệnh nhân cụ thể, từ khâu nhận bệnh đến khâu xử trí tổn thương. Những ca khó các em càng phải chú ý nhiều hơn, phải chịu khó học hỏi từ người đi trước, phải bám theo họ chứ đừng thụ động chờ đợi sự chỉ dạy”.

img_1098.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một trao đổi công việc hàng ngày với đội ngũ điều dưỡng

BS.CK2 Dương Văn Mười Một – người thuận cả tay trái lẫn tay phải - có hai người con, trong đó, một người học y, theo nghề của cha mình. “Cho con theo nghề y vì đây là nghề cứu người, mặc dù không giàu có nhưng sống được”, ông mỉm cười chia sẻ. Điều khiến ông có chút áy náy với gia đình, đó là trong vai trò lãnh đạo, có những ngày lễ, bản thân không thể dành thời gian cho vợ con được vì phải đi trực.

Nghề y mà, phải vậy thôi…

z6744207515579_fab038b8c1fda185615644cdb61b9dea.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một cùng vợ và hai con trong một kỳ nghỉ hiếm hoi. Ảnh: NVCC

BS.CK2 Dương Văn Mười Một - người nổi tiếng mát tay trong những ca mổ khó về Tim - Lồng ngực Mạch máu tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP.HCM năm 1999. Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 1 - Trường Đại học Y Dược TP.HCM năm 2009. Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa 2 - Trường Đại học Y Dược TP.HCM năm 2016.

Đã tham gia nhiều khóa đào tạo về điều trị Laser nội mạch, điều trị u máu và sắc tố bằng laser, tạo hình thẩm mỹ, phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch, phẫu thuật nội soi Lồng ngực, Can thiệp mạch máu đặt Stent - graft…

Có nhiều đề tài, sáng kiến trong khoa học: Xử lý điều trị vết thương tim phức tạp, điều trị phình động mạch chủ bụng dưới thận bằng phẫu thuật thay đoạn mạch nhân tạo, can thiệp tắc mạch chi dưới lấy huyết khối, áp xe cổ lan vào lồng ngực… Đã đạt giải thưởng Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền 2010, 2011, 2014, 2016, 2019, 2021, 2022, 2024, nhận bằng khen phòng chống Covid -19 năm 2022, bằng khen nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

img_1129.jpg
BS.CK2 Dương Văn Mười Một công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ 2006 đến nay

Huyên Chi - Ngọc Duy