Vẻ đẹp tình người từ những chuyến đi xa

Bạn đọc - Ngày đăng : 16:35, 24/01/2023

Tôi tin rằng, những nẻo đường đầy gió bụi cũng ban tặng cho họ một ánh mắt khoáng đạt, bao dung, đủ để nhìn thấy cái đẹp ẩn sâu trong đời sống, và trong những điều bình thường giản dị nhất!

Đã bao giờ, bạn tự hỏi, ta đang tìm kiếm, mong muốn điều gì trên những chuyến đi xa? Nhiều người muốn thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, những công trình kiến trúc kỳ công, có người trải nghiệm văn hóa ẩm thực, ngôn ngữ hay nghệ thuật riêng biệt… Còn các nhân vật trong bài viết này, họ đi để kết nối và ngắm nhìn vẻ đẹp của con người ẩn sâu bên trong những điều dung dị.

Ngôi nhà không khóa ở Chiang Mai

Vào năm 2018, tôi cùng hai người bạn thực hiện chuyến đi ngẫu hứng đến Chiang Mai (Thái Lan). Cô bạn đề nghị xin ở nhờ nhà người dân ở đây, thông qua cộng đồng Couchsurfing (Mạng xã hội dành cho người đi du lịch trải nghiệm, lưu trú, giao lưu với các thành viên đang sinh sống tại nơi mình đến)… Sau khi gửi yêu cầu trên ứng dụng, chúng tôi nhận được lời mời của hai chủ nhà.

Ông Konstan chơi đùa, trò chuyện cùng những đứa trẻ Việt Nam

Chủ nhà đầu tiên là cô Shirley - một phụ nữ người Úc lớn tuổi đang là giảng viên Đại học Chiang Mai. Vừa đến sân bay, Manat - cậu sinh viên đang sinh sống trong nhà cô Shirley đón chúng tôi ở sân bay với một nụ cười thân thiện. Manat dẫn chúng tôi về một ngôi nhà sàn được bao bọc bởi khuôn viên cây xanh um tùm, nằm cách trung tâm thành phố Chiang Mai hơn 16km. Ngôi nhà dựng lên từ khung gỗ cũ, tường và sàn làm bằng những vật liệu thân thiện, không thấy sự hiện diện của xi măng cốt thép. Mọi vật dụng trong nhà đều giản dị, khiêm nhường như chính chủ nhân của nó.

Manat khoe mình nấu ăn rất ngon. Bữa nào, cậu cũng xung phong xuống bếp đặt một nồi cơm lớn, rã đông đồ ăn được cô Shirley chuẩn bị sẵn và nấu vài món ăn kiểu Thái. “Em nấu cho tất cả chúng ta”. Ngôi nhà này được cô Shirley thuê với giá chưa đến 3.000 bath/tháng. Cô chỉ dành đúng một phòng ngủ nhỏ cho riêng mình.

Phần lớn không gian được bố trí thành phòng học rộng, phòng bếp, một phòng ngủ với 6 chiếc giường dorm dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Họ được cô cho ăn ở miễn phí. Một phòng ngủ còn lại sắp xếp những chiếc giường đơn dành cho khách trong cộng đồng Couchsurfing như chúng tôi - cũng chẳng vì mục đích thương mại.

Bận rộn với công việc ở trường, cô Shirley chỉ ăn bữa sáng cùng chúng tôi rồi vội vàng ra khỏi nhà. Trước khi đi, cô chỉ cánh cửa ra vào: “Cửa không bao giờ khóa, các cháu có thể về nhà bất cứ lúc nào”. Tôi hơi bất ngờ với sự thoải mái của những người sống trong ngôi nhà này. “Mọi người không sợ mất đồ sao?”, tôi buộc miệng hỏi. Manat nhìn quanh mấy cái laptop, điện thoại - những vật dụng có lẽ đáng giá nhất trong nhà: “Không ai lấy cắp đâu, mấy thứ này có thể mua mà”. Trong đôi mắt trong veo hồn hậu của cậu, con người xung quanh luôn tử tế và đáng tin.

Những ngày cuối cùng ở Chiang Mai, chúng tôi chuyển đến trung tâm thành phố sống một vài ngày với chị Christina. Cũng là một thành viên của cộng đồng Couchsurfing, chị Christina đã cho rất nhiều khách du lịch ngủ lại miễn phí. Căn nhà của Christina cũng không khóa, để chúng tôi có cảm giác thoải mái nhất có thể.

Tôi biết ơn vì chuyến đi đã gặp được những con người hào phóng, tử tế như Manat, như cô Shirley hay chị Christina. Họ không chỉ cho chúng tôi một nơi ở an toàn, ấm áp, mà trao cả thân tình và sự tin tưởng. Mỗi lần nghĩ đến Chiang Mai, chúng tôi lại nhớ đến họ và bất giác mỉm cười!

Những kết nối diệu kỳ

Sau chuyến đi Thái Lan, tôi bắt đầu sắp xếp một chỗ trong ngôi nhà của mình, dành riêng cho những vị khách trên Couchsurfing - những người mang nhiều gam màu đến tô điểm cho cuộc sống của chúng tôi.

Tôi gặp Flo trong chuyến đến Việt Nam lần thứ hai của cô. Không xin tá túc ở nhà tôi, cô gái người Bỉ mong muốn tìm người cùng uống cà phê, cùng đi ăn vài món đường phố và… trò chuyện: “Lần đầu tiên đến Việt Nam là để khám phá phong cảnh, nhưng lần này, em dành cho những cuộc gặp gỡ”.

Flo đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 5 năm. Lần ấy, cô bị lỡ xe và kẹt lại ở gần Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Trời tối, lạc đường, cô sợ hãi vì không thể tìm được nơi nghỉ chân. Trong lúc Flo mếu máo, một chàng thanh niên người Việt Nam dừng lại hỏi han. Biết Flo bị lỡ xe đò, anh ngại ngùng mời cô ở lại nhà mình, cách đó không xa. Để “bảo chứng” cho sự đứng đắn của mình, Hoàng mời cả mẹ già cùng cô em gái ra “trình diện”.

Daniel giúp rửa chén bát trong những ngày xin tá túc cùng gia đình chúng tôi

Flo - một người nước ngoài xa lạ bỗng dưng trở thành khách quý đối với gia đình Hoàng. Cô bất ngờ khi hôm sau, cả nhà dọn ra một mâm cơm như mở tiệc với gà luộc, xôi gấc, nem, chả… Ai cũng xởi lởi gắp đầy thức ăn vào chén cô. Do bất đồng ngôn ngữ, cô chẳng thể nào hiểu được họ đang nói gì nhưng cảm nhận được lòng mến khách trên những gương mặt đôn hậu. Thay vì khám phá những địa danh nổi tiếng trong kế hoạch, Flo ở lại gia đình Hoàng vài hôm, cùng ra đồng, đi cấy, soi ếch, bắt cua... Với cô, đó là một kỳ nghỉ đáng nhớ, để trải nghiệm đời sống nông thôn Việt Nam, để có thêm những người bạn - thêm một lý do để quay trở lại.

Cũng là một người trẻ xê dịch, đi đến đâu, Daniel - chàng trai người Nga đều xin ngủ nhờ nhà người dân. Cậu gọi đó là cách tạo ra những kết nối kì diệu. Tá túc ở nhà chúng tôi vài hôm, Daniel loanh quanh xem tôi làm gì thì xắn tay làm cùng. Cậu bạn trẻ xoắn xuýt mỗi lần được giao việc, dù có lúc khiến chủ nhà cười ngất vì gọt su su nhiệt tình đến nỗi chỉ còn lại đúng… cái hạt.

Tôi nhận ra, Daniel luôn mong muốn trò chuyện. Cậu kể về những chuyến đi, những con người đáng yêu đã gặp bằng đôi mắt hấp háy niềm vui. Một hôm, Daniel lôi trong ba lô ra “bộ sưu tập” vốn là một cuốn sổ dày ghi kín lời nhắn của những người đã gặp gỡ và kết bạn. Họ viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Có những ngôn ngữ xa lạ, với Daniel - những lời nhắn, dặn dò ấy chẳng khác gì “mật mã”. Cậu cười, bảo rằng mình sẽ giải mật mã vào một ngày muốn dừng chân, lật giở từng trang như lần tìm kho báu của tuổi trẻ. Nhờ nó, cậu sẽ nhớ đến người khiến những vùng đất đã đi qua trở nên thân thuộc.

“Đi vào bên trong để hiểu mình, hiểu người”

“Bác đã từ chối cơ hội bay vào vũ trụ. Bác nghĩ rằng mình phải hiểu trái đất trước khi khám phá một vũ trụ bao la”, đó là câu nói của bác Konstan - một trong những vị khách từng tá túc ở nhà tôi thông qua Couchsurfing. Làm việc trong lĩnh vực khoa học không gian ở Mỹ, ông dành hết thời gian còn lại của cuộc đời sau khi nghỉ hưu để đi và để… hiểu trái đất.

Lang thang từ Nam Mỹ, qua châu Phi, đến châu Á, mỗi nơi, ông đều dừng lại thật lâu để sống cùng người dân địa phương. Thời gian sống ở nhà tôi, ông trò chuyện với mọi người thật nhiều, kể cả những đứa trẻ quanh nhà đang bập bõm học tiếng Anh. Có lúc, đám trẻ lấp ló gọi “ông ngoại ơi!”. Hóa ra, chúng đang gọi bác Konstan. Không biết nhóc nào đã nghĩ ra cái danh xưng dành cho ông già ngoại quốc thân tình và đáng yêu đến vậy.

Ông Young Ho cùng một chủ nhà - người đã cho ông tá túc ở Thái Lan

Thời gian dịch Covid-19 căng thẳng, không thể di chuyển nhiều nơi, bác Konstan quyết định xin vào một thiền viện ở Việt Nam để tham gia khóa tu. Ông tu tập nghiêm chỉnh, thỉnh thoảng được cầm điện thoại thì nhắn tin cho chúng tôi, hỏi thăm nhau. Tôi thắc mắc mãi, một người ưa xê dịch như bác sao có thể sống ở thiền viện hàng năm trời, trong một không gian nhỏ bé và cách biệt.

“Đi không nhất thiết phải đi thật xa, người ta có thể đi vào bên trong, để hiểu chính mình và hiểu những người xung quanh”, bác Konstan giải thích. “Cuối cùng bác đặt mục tiêu hiểu trái đất bằng việc hiểu con người trên trái đất này”.

Không như những người đi du lịch thường có cả kho ảnh phong cảnh đẹp tuyệt, trong file ảnh của ông Young Ho (một người bạn Hàn Quốc của chúng tôi) chỉ lưu trữ ảnh chụp cuộc sống thường nhật của bao người ông đã gặp trên chuyến đi tưởng chừng vô định. Đó là ảnh hai mẹ con anh cảnh sát đã giúp đỡ khi ông gặp tai nạn ở Lào, ảnh cặp vợ chồng đang đùa giỡn với con chó của mình ở Việt Nam, ảnh chiếc nồi gang méo mó trong một ngôi nhà người Thái, những gương mặt người nông dân đen sạm trên đồi cà phê…

Ông Young Ho (ngoài cùng bên trái) chụp cùng những người bạn

Ông chọn đi du lịch bằng một chiếc xe máy cà tàng. Chiếc xe không thể đi nhanh, vì chủ nhân của nó cũng muốn đi thật chậm. Thi thoảng, ông ngẫu hứng dừng lại nghỉ chân, hỏi xin ở nhờ hoặc ké một chỗ cắm trại, thích thú ngắm nhìn cuộc sống đời thường của họ. Dù có những trải nghiệm buồn bã, nhưng ông vẫn đặt niềm tin mãnh liệt vào sự tử tế và hào phóng nơi con người.

Cũng như đại đa số chúng ta, luôn phải xoay trở chuyện cơm áo, hành trình của những nhân vật trong bài viết này chẳng mấy dễ dàng. Có người vừa đi vừa làm việc kiếm sống, có người trên đường đi phải bán bớt chiếc đồng hồ hay món đồ trang sức làm kinh phí… Họ không đi trong trạng thái đủ đầy về vật chất nhưng với một tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi đổi thay.

Thậm chí, đó có thể là cuộc cách mạng trong tâm tưởng, nhận thức. Tôi tin rằng, những nẻo đường đầy gió bụi cũng ban tặng cho họ một ánh mắt khoáng đạt, bao dung, đủ để nhìn thấy cái đẹp ẩn sâu trong đời sống, và trong những điều bình thường giản dị nhất!

Khương Quỳnh