Lệch lạc cân bằng…

Bạn đọc - Ngày đăng : 16:42, 12/02/2023

Hết “bò cạp”, cuốn chiếu sẽ nhiều lên

Hết “bò cạp”, cuốn chiếu sẽ nhiều lên

Khu vườn của ba mẹ tôi ở Đồng Nai mấy năm trước đã trở thành vườn tạp và ngày càng trông có vẻ hoang tàn. Ngày trước, vườn trồng chuối, điều và bưởi. Chuối xiêm chủ yếu bán lá, thêm một ít bắp chuối, trái không nhiều và đèo đẹt, chỉ để ăn. Điều trồng xen, năng suất không cao. Vườn bưởi da xanh trái có bán quanh năm, lại cho trái để biếu khắp nơi, ai cũng khen ngon. Khi ba tôi đổ bệnh nặng, một mình mẹ tôi đã gần 70 tuổi không quán xuyến nổi, chỉ làm túc tắc, những việc nặng thi thoảng mới thuê được người. Thành ra hoang phế.

Trước khi cho người thuê, trong vườn, chuối đã cỗi, lá chẳng được bao nhiêu. Điều lớp bị sâu đục thân, lớp bị giông tét nhánh, trái cũng không nhiều. Bưởi đang cỗi, sâu bệnh nhiều, một số bị suy chết dần chết mòn, nên còn để ăn là chính. Ngôi nhà nằm im lìm trong khu vườn rộng ngày càng trở nên vắng vẻ. May mà còn bầy chó giữ nhà lâu lâu cãi cọ hay cắn nhau cũng làm không khí có vẻ ít trầm lắng một chút!

Hồi đó, đi vô vườn, muỗi đeo đám nhiều vô kể. Đó là loài muỗi nhỏ xíu, cắn rất khó chịu. Chúng bám trên mặt, ở tai hay ở bất kể chỗ nào không có quần áo che chắn. Mẹ tôi bảo, vì mấy năm rồi ít xịt thuốc, mà nước đọng ở các bẹ chuối khá nhiều, đủ chỗ cho muỗi sinh sôi.

Muỗi nhiều nên đám cháu nhỏ được “khuyến cáo” ở nhà, dù chúng thích đi khám phá. Thằng Trung, cháu ngoại của mẹ tôi, rất thích tìm tòi cái gì đó trong rẫy; nó hay ngắm nghía cái tổ mối, cái cây gì lạ hay con gì đó chưa biết. Thằng Nguyễn, cháu nội của mẹ tôi, thường được giao đi hái ớt hiểm bán cho nhà ăn của công ty mẹ nó, tiền thu được để mua sách vở… Còn mấy đứa khác cũng hay tò mò tìm tổ chim, canh me ngắm nghía đám bìm bịp hay những con diều hâu hay bắt gà… Nếu có mấy đứa con tôi về chơi, cả đám sẽ bày các trò khám phá trong rẫy. Vắng hơi người, khu vườn trở nên vắng lặng lạ thường!

Muỗi nhiều làm tôi nhớ lại nhiều năm trước khu vực này bị cuốn chiếu tấn công. Có lúc, cuốn chiếu nhiều vô kể, bò khắp nơi ở ngoài rẫy, hễ chỗ nào có trái đu đủ, trái điều, trái mãng cầu… chín rụng thì chúng bu lại ăn. Có những chỗ nhiều đỏ cả mặt đất. Chúng còn bò vô nhà. Ba tôi hay phân công mấy đứa cháu đi quét cuốn chiếu ra khỏi nền nhà, rồi đập chết, nhưng cũng chẳng ăn thua. Có khi ngồi dưới sàn nhà cho mát thì có vài con bò vào người. Mẹ tôi nhớ lại cái cảnh năm xưa trải đệm ngủ dưới đất, bị cuốn chiếu chui vô mùng, bò lên mặt rát rạt…

Nhiều người đã đề cao yếu tố cân bằng, hài hòa nhưng trên thực tế có nhiều điều không bảo đảm được sự cân bằng hay hài hòa đó, dẫn đến sự lệch lạc, mất cân đối và gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống. Ảnh minh họa

Bây giờ tuy không chịu cảnh đó nhưng thấy chúng có gì đó ghê ghê, nhất là lúc đang ăn cơm, cái cảm giác nhờn nhợn xảy ra trong tôi khiến bữa ăn mất ngon. Đã vậy, có bữa vệ sinh hồ nước thì mới hay cuốn chiếu chết trong hồ một lớp, thì ra lâu nay mọi người xài nước có… pha cuốn chiếu! Sau lần đó, ba tôi phải làm nắp hồ nước bằng tôn cẩn thận.

Khi ấy, cuốn chiếu nhiều là do người ta đổ xô đi bắt bò cạp núi. Khoảng hơn 15 năm trước, người vùng Tân Phú, Định Quán… hay rủ nhau đi bắt bò cạp, loại con đen trũi, to, nhìn rất… ngầu! Ban đầu, người ta tìm hang rồi đào bắt. Ba tôi thấy người đến rẫy bắt thì hay cản, vì họ thường để lại các hang lỗ chỗ trên mặt đất hoặc làm đổ các bờ đá. Sau người ta “tiến bộ” hơn, họ không đào hang mà dùng kiến bù nhọt thả vào hang bò cạp tấn công “chủ nhà” khiến chúng chui lên và thế là bị tóm. Cách này bắt khá nhanh, hiệu quả hơn, dù phải tốn tiền mua kiến hoặc mất công đi các vườn cao su ở Thống Nhất, Trảng Bom… bắt kiến.

Giá bán mỗi ký bò cạp lúc đó tương đương một ngày công đi làm thuê, mà một người có khi bắt được ba bốn ký bò cạp nên rất nhiều người đổ xô đi làm công việc này. Nhờ vậy, một số người có thu nhập khá ổn định cho đến khi bò cạp… sạch bóng và sau đó thì cuốn chiếu chiếm lĩnh địa bàn do không còn kẻ thù nữa.

Mất cân bằng thiên nhiên đang diễn ra hằng ngày

Sự lệch lạc cân bằng hay mất cân bằng trong đời sống tưởng như diễn ra ở quy mô rộng lớn hoặc trong một thời gian dài, nhưng thực tế đang diễn ra từng ngày và ở xung quanh chúng ta. Ngay ở khu vực nhà tôi đã từng chứng kiến có những đợt chim két (vẹt) về rất nhiều, sà xuống ăn bắp chưa kịp bẻ của nông dân. Người ta nói đó là hậu quả của việc phá rừng ở quanh đó, chim chóc không còn chỗ ở và tìm thức ăn, phải “trôi dạt” đi nhiều nơi, trong đó hay đến các khu rẫy có trồng bắp. Sau này khu vực này không còn ai trồng bắp, không biết số phận loài chim này ra sao nữa.

Sau đó, diều hâu, quạ cũng đến khá nhiều. Thậm chí quạ còn ở lại làm tổ trên một số cây cao, điều mà suốt mấy chục năm sống ở đây tôi chưa từng thấy. Người ta cũng tạm lý giải là do mất rừng, nhiều loài chim mất nơi sinh sống, loài nào lang bạt được thì tìm chỗ mới để trú ngụ, loài khác không thể sinh tồn thì dần dần mất dạng…

Hay từng có lúc người trong vùng lo lắng về sự xuất hiện của rắn cạp nong, cạp nia, vốn rất độc. Nhưng bây giờ, thỉnh thoảng mới thấy rắn nước, rắn hổ ngựa… chứ những loài rắn độc hiếm gặp. Không có loài thiên địch này, chuột sinh sôi tràn lan. Có lần về nhà, tôi lục tủ tìm một số sách vở, mới phát hiện chuột đã làm ổ trong đó từ đời nào, chúng cắn tan nát nhiều sách, thư từ, giấy tờ của tôi.

Rồi tắc kè bây giờ cũng rất nhiều. Tuy chúng là khắc tinh của ruồi, muỗi nhưng chúng sống trong nhà dày đặc, đêm thì thi nhau hát bài “tắc kè, tắc kè”, rồi thải phân xuống nhà khiến cả nhà phải mất sức dọn dẹp. Ba tôi có “sáng kiến” dùng keo dính để bẫy, nhưng cũng chỉ được vài lần, sau đó chẳng thấy chúng đâu mà tiếng kêu thì rất ám ảnh. Đó cũng là hậu quả do việc bắt rắn quá nhiều khiến tắc kè không còn thiên địch nữa…

Hay có dạo tiêu lên giá, người ta rủ nhau trồng cây bình linh (keo dậu) để làm nọc tiêu. Loài này dễ trồng, nhanh có trái, thế rồi cây mọc lên khắp nơi, rễ ăn sâu, nếu không diệt tận gốc thì dù có chặt chúng cũng mọc trở lại. Vài năm gần đây, tiêu rớt giá thê thảm, bình linh chỉ còn để bẻ nhánh cho dê ăn, nơi nào để sót thì lại đơm hoa kết trái, mọc cạnh tranh với cây cối, diệt rất vất vả, làm nhiều người dở khóc!

Nhiều người đã đề cao yếu tố cân bằng, hài hòa nhưng trên thực tế có nhiều điều không bảo đảm được sự cân bằng hay hài hòa đó, dẫn đến sự lệch lạc, mất cân đối và gây ra nhiều hệ lụy trong đời sống. Đáng tiếc, việc đó đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở khắp nơi xung quanh chúng ta!

Nguyễn Minh Hải, TP.HCM