Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
Ngày 26/5, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia tham luận về cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghị quyết 68 như “pháo lệnh” cho một cuộc cách mạng kiến tạo tương lai cường thịnh
Năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu đề ra và tiếp tục được nhận định là điểm sáng của khu vực châu Á. Mặc dù vậy, bước sang năm 2025, nhiều thách thức lớn như đà tăng trưởng giảm tốc của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng… đang mang đến những rủi ro tiềm ẩn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”, “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...”, đặt ra tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu đầy kỳ vọng.
Trên tinh thần Nghị quyết 68, Quốc hội và Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các Nghị quyết quan trọng về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; với hàng loạt nội dung quan trọng về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong….
Nhận thấy Nghị quyết 68 và các Nghị quyết triển khai thực hiện có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân; đồng thời mong muốn góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống để khai phóng, khơi thông mọi điểm nghẽn cho khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng; Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.

Phát biểu khai mạc và định hướng khoa học tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhận định: “Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã nhanh chóng được cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp đón nhận. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, trong giới nghiên cứu khoa học về lãnh đạo và quản lý, giới doanh nhân, các chuyên gia kinh tế đã rất nhanh chóng chia sẻ với nhau để cùng nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi nhận thức. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân (KTTN)”.

Trong niềm hân hoan của giới doanh nhân, giới khoa học và giới lãnh đạo - quản lý, Nghị quyết 68 đã được coi như phát pháo lệnh cho một cuộc cách mạng không chỉ với kinh tế tư nhân, không chỉ với nền kinh tế, mà cả về chiến lược quản trị quốc gia, kiến tạo tương lai cường thịnh cho dân tộc Việt Nam.
"Đã có nhiều ý kiến gọi đây là 'Đổi mới lần 2', 'cột mốc lịch sử', 'bước đột phá'. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân - khu vực từng phải đổi mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại - được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được trao trọng trách là 'một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế'. Và tôi cũng nhận thấy rằng, hiếm thấy Nghị quyết nào của Đảng có tính chi tiết và hướng dẫn thực thi cao đến như vậy.
Tuy nhiên, cũng như mọi tư tưởng đột phá khác trong lịch sử, chắc chắn Nghị quyết cần được nghiên cứu, phản biện, thảo luận và trao đổi để từng bước cùng với hệ thống chính trị, nhân dân cũng như các doanh nhân nâng cao và thống nhất nhận thức, từ đó thống nhất hành động, đưa Nghị quyết vào cuộc sống và thực thi hiệu lực, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ - giải pháp mà Nghị quyết nêu để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng mà Nghị quyết đã nhấn mạnh" - PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, đây còn là một Nghị quyết có tầm nhìn lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, được thiết kế hết sức toàn diện và đồng bộ, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, vai trò của nhiều cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, ngành nghề; và đặc biệt là đề cập đến nhiều vấn đề cội rễ của thể chế, sứ mạng cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chiến lược phát triển và quản trị quốc gia trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và đầy thách thức của thế giới.
Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho biết thêm, những tư duy đột phá đặt ra những yêu cầu đặc biệt quan trọng cho nhiệm vụ thể chế hóa, tổ chức thực hiện để Nghị quyết thực sự trở thành sợi chỉ đỏ dẫn dắt nhận thức và hành động của cả dân tộc, mà không để tạo ra những lỗ hổng mới trong chính sách và pháp luật, không dẫn đến những xung đột lợi ích trong các khu vực kinh tế, hay giữa doanh nhân với xã hội nói chung; để tầm nhìn, triết lý của Nghị quyết được cụ thể hóa một cách đúng đắn, chặt chẽ, bài bản, đồng bộ và hơn hết là phụng sự mục tiêu tối thượng là sự phát triển lớn mạnh của đất nước, sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân.
"Với sự hiện diện, đóng góp đầy trí tuệ, trách nhiệm của các quý lãnh đạo, đại diện các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng, nhà trí thức hàng đầu Việt Nam; lãnh đạo và đại diện các Hội, Hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp; các doanh nhân, và đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn, truyền hình, báo chí, tôi tin rằng chúng ta có thể góp phần làm sâu sắc hơn nhận thức về Nghị quyết, đồng thời có những tranh biện, hàm ý, gợi mở có hàm lượng khoa học cao cho công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết" - PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.
“Chúng tôi cảm thấy như đang được sống và lao động, cống hiến trong thời khắc lịch sử của thời kỳ Đổi mới lần thứ 2”
Cũng tại hội thảo, với tư cách là một doanh nhân gắn bó với nền kinh tế suốt 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ rằng: “Bước vào nền kinh tế từ hơn 30 năm nay, xây dựng nên một tập đoàn kinh tế tư nhân với hàng vạn nhân lực, lớn mạnh cùng đất nước đến ngày hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi khi đón nhận những tư tưởng mới mẻ, đột phá trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Nghị quyết đã nhìn thẳng vào thực tế khối kinh tế tư nhân, từ những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân vào GDP, thu ngân sách, tạo việc làm; đến những tồn tại cố hữu, nguyên nhân và giải pháp.
Thực tế, FDI hiện đang chiếm đến 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện tập trung vào giai đoạn gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp, ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam. Ngược lại, khối tư nhân nội địa còn tiềm năng dồi dào, dư địa phát triển rất lớn, từ các DN lớn, đến nhóm vừa và nhỏ.

"Nghị quyết 68, cùng với các Nghị quyết thức thời khác trong thời gian qua như Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới;” Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã mang lại động lực, cảm hứng và niềm tin lớn lao cho giới doanh nhân chúng tôi trong công cuộc chung phát triển kinh doanh, góp phần phát triển đất nước và thực hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân", bà Nguyễn Thị Nga nhận định.
Cũng theo Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, thời gian qua, trong các dịp được tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, chúng tôi nhân thấy rõ nét quyết tâm chính trị cao độ, bầu không khí khẩn trương trong nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các thay đổi. Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân có hiệu lực thi hành ngay. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt nghị quyết đồng bộ về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và kế hoạch triển khai một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Chúng tôi cảm thấy như đang được sống và lao động, cống hiến trong thời khắc lịch sử của thời kỳ Đổi mới lần thứ 2.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 vẫn cần được thực thi một cách bài bản, là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước để xứng đáng với sứ mạng là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” - bà Nguyễn Thị Nga bày tỏ.
“Vòng kim cô cho doanh nghiệp tư nhân đã được cởi bỏ”

Trong phần tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Chúng ta có một cái lịch sử hành trình của kinh tế tư nhân chính thống là 40 năm. Lịch sử hình thành khá dài cho đến bây giờ thì vai trò của KTTN mới được khẳng định. Như vậy chúng ta mất khá nhiều thời gian, tuy nhiên Nghị quyết 68 mới đã không chỉ khẳng định mà sẽ định hình sứ mệnh của các doanh nhân. Nghị quyết mới cũng sẽ thay đổi thái độ ứng xử, cơ chế chính sách cho cái khu vực kinh tế tư nhân. Hay nói rộng hơn nữa là cái cách chúng ta cái cái thái độ ứng xử đối với kinh tế thị trường đúng nghĩa của nó.
Với thái độ như vậy, nhận thức như vậy có thể nói “vòng kim cô” cho doanh nghiệp tư nhân đã được cởi bỏ và phải làm việc này thật triệt để. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn dắt hay đồng hành cùng kinh tế tư nhân. Cùng với đó là đào tạo, dẫn dắt để khu vực KTTN có thể lớn mạnh hơn nữa. Đặc biệt là những chính sách phát triển khu vực này phải khác biệt so với trước đây.

Trình bày tham luận “Phát triển Doanh nghiệp tư nhân – Nhìn từ quy trình đầu tư dự án có sử dụng đất”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Vấn đề cấp thiết nhất hiện tại làm sao thủ tục rút ngắn, để vốn vào nền kinh tế nhanh nhất. Phải vì rõ ràng đang gặp vấn đề doanh nghiệp đang rất muốn đầu tư, nhà đầu tư cũng muốn nhưng quy trình thủ tục lâu quá. Chính vì thế, ngay sau khi có Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, VCCI tiến hành rà soát vướng mắc, mong muốn sửa đổi từ Chính phủ sửa đổi.
“Để một doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sử dụng đất thì phải từ quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai, cho thuê đất … liên quan đến ít nhất 15 thủ tục, kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ, bản thân các doanh nghiệp cũng phải “đi nhờ vả. Do vậy, để nghị quyết đi vào cuộc sống, chúng ta phải cải cách quy trình, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn, dễ dàng hoạt động và cách thức quản lý thông minh hơn" ông Tuấn nêu rõ.
Theo ông Tuấn, thời gian tới, bên cạnh tinh thần nghị quyết 68 rất quan trọng, rất đột phá rồi, sau này hành động cụ thể của cơ quan Quốc hội, Chính phủ cần phải mạnh mẽ hơn, cần phải đột phá để làm sao vốn chảy nhanh chóng vào nền kinh tế, thủ tục đưa vốn vào nền kinh tế nhanh hơn. Bên cạnh rà soát về chỉnh sửa, cần có cách tiếp cận tư duy khác. Thậm chí sắp tới, chúng ta có thể bỏ một số luật và cải tiến mạnh mẽ những bộ luật còn lại trong thời gian tới.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cũng bổ sung thêm một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều điểm bất cập, cần được sửa đổi để có thể áp dụng hiệu quả.
“Cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, đây là nhóm dễ tổn thương trước mọi biến động của thị trường, thời tiết hay dịch bệnh. Dù mục tiêu đến năm 2020 là có 1 triệu doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được. Đây là minh chứng rõ ràng cho những khó khăn trong việc thành lập và duy trì hoạt động doanh nghiệp”, ông Phòng nhấn mạnh.
Minh bạch chính sách, tạo nền tàng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Để doanh nghiệp tư nhân thực sự bùng nổ, điều quan trọng, theo các chuyên gia là kiến tạo một môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, công bằng và có tính dự báo cao.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng động lực phát triển kinh tế tư nhân đến từ một môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển đầy đủ của các loại thị trường. Ông nhấn mạnh tính tiên quyết của một “môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”, bao gồm việc giảm các điều kiện gia nhập thị trường, chống độc quyền, chống gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, sự ổn định và tính dự báo của môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch hoạt động.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, đồng tình rằng khi doanh nghiệp muốn huy động vốn, đặc biệt từ các kênh phi truyền thống, yếu tố “minh bạch” là yêu cầu tất yếu. Điều này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính mà còn lan tỏa ra toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý của nhà nước.

Theo TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thủ tục trở nên đơn giản, nhà đầu tư trẻ có năng lực sẽ gia nhập thị trường, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Do đó, doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực trước những rủi ro từ thị trường và các hiệp hội có vai trò quan trọng trong việc kết nối, đào tạo, thậm chí có thể đảm nhận một số chức năng nhà nước giao phó.
“Các hiệp hội có vai trò rất quan trọng. Có những việc nhà nước không thể làm tốt hơn hiệp hội. Các hiệp hội triển khai thiết thực hơn rất nhiều trong việc kết nối doanh nghiệp, kết nối cung cầu, đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp, sàng lọc doanh nghiệp. Khi hiệp hội khẳng định được vị trí của mình, một số chức năng của nhà nước như cấp chứng chỉ có thể giao cho hiệp hội,…”, ông Hiếu nhấn mạnh.