WHO: Cứ 10 thuốc lưu hành lại có 1 loại thuốc giả hoặc kém chất lượng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 1 trong 10 loại thuốc lưu hành là thuốc giả hay kém chất lượng. Các loại thuốc giả thường là kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, tim mạch…
Ngày 26/5, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo: “Thuốc giả - Hệ lụy thật: Giải pháp nào để ngăn chặn?”.

Thuốc giả - Hệ lụy thật
Hiện nay, lĩnh vực y tế nổi bật lên là thuốc giả và thực phẩm chức năng giả. Tại Việt Nam, năm 2024, các cơ quan quản lý đã phát hiện hơn 100 vụ liên quan thuốc giả, nhái - thuốc kém chất lượng; thuốc điều trị ung thư giả, kháng sinh, thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Tháng 1/2025, Công an TPHCM thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu, gồm 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả và 1.600 kg bột nguyên liệu; hay phát hiện một đường dây sản xuất thuốc đông y kết hợp tân dược giả, đóng gói dưới 33 thương hiệu khác nhau…
Tháng 4/2025, các cơ quan chức năng phát hiện đường dây sản xuất thuốc kháng sinh giả tại Thanh Hóa. Công an Thanh Hóa bắt giữ 14 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả; thu giữ hàng nghìn hộp thuốc kháng sinh giả như Cefuroxim 500mg, Cefixim 200mg, Augxicine, Panadol Extra, Panactol cùng với 2,2 tấn phụ gia và nhiều thiết bị sản xuất…

TS.DS. Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cảnh báo: “Thuốc giả khiến người bệnh bỏ phí mất 'thời gian vàng' để điều trị bệnh. Nguy cơ đưa thêm 'chất lạ, chất độc hại' vào cơ thể, làm gia tăng tương tác thuốc, làm cho các cơ quan thải độc của cơ thể (gan, thận…) phải tăng 'công suất' và lãng phí chi phí thuốc”.
Tại Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) khu vực TP.HCM (đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy), tỷ lệ báo cáo bất thường về chất lượng thuốc hằng năm cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số báo cáo ADR (báo cáo tự nguyện), đơn cử năm 2023 là 18,8% (32/170 báo cáo tổng), năm 2014 18,2% (31/170 báo cáo tổng).
Sản xuất, lưu hành thuốc giả: Nâng cao xử phạt hành chính, xử phạt hình sự
Thực trạng này liên quan đến 2 vấn đề chính là thể chế và tổ chức thực thi đã thực sự nghiêm túc, đúng vai trò, đúng trách nhiệm chưa.
TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chia sẻ: “Vẫn còn những “khoảng trống” cần tiếp tục hoàn thiện thông qua các nghị định, thông tư hướng dẫn. “Chúng tôi sẵn sàng rà soát, sửa đổi và kiến nghị cấp có thẩm quyền nếu thấy cần thiết, nhưng nguyên tắc là phải siết chặt quản lý mà vẫn tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính”.
Một điểm nóng là tình trạng bán thuốc online. Theo quy định mới trong Luật Dược 2024 và Nghị định đang xây dựng, chỉ các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược mới được phép bán thuốc qua mạng.

Theo TS Mạnh Hùng, các sàn thương mại điện tử phải có giấy phép của Bộ Công Thương và chỉ được bán thuốc không kê đơn thuộc danh mục do Bộ Y tế ban hành. Đặc biệt, hành vi bán thuốc qua livestream trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, Zalo bị nghiêm cấm.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng cảnh báo về tình trạng quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là việc lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng, chuyên gia và cả cán bộ quản lý y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Dược 2016, Luật Dược sửa đổi 2024, các Nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn đã tương đối đầy đủ, thuốc được nhiều bộ ngành quản lý.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích: “Tuy nhiên, cứ nói đến thuốc giả, thực phẩm giả là người dân nhắc đến Bộ Y tế. Nhưng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng chúng tôi. Từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu thông thuốc đều có sự tham gia của nhiều bộ ngành”.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị để quản lý thuốc ngày càng chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh, chúng ta cần đảm bảo 4 nguyên tắc. Thứ nhất, Việt Nam phải chủ động được sản xuất thuốc để khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, chúng ta không bị động.
Thứ hai là phải đảm bảo thuốc tốt nhất, đến tay người dân một cách nhanh nhất, giá hợp lý nhất. Nguyên tắc thứ 3 là phải đảm bảo được nguyên tắc quản lý Nhà nước nhưng phải đảm bảo thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Thứ tư là đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền.

Vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế và cả doanh nghiệp làm ăn uy tín. Từ nay đến 15/6, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện tháng cao điểm về chống hàng gian hàng giả.
Về lâu dài, Luật Dược sửa đổi 2024 đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7, Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát, nếu thấy cần thiết chúng ta vẫn tham mưu Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục sửa đổi. Tiếp đó là Luật An toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Bộ Y tế chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp dược phải ý thức, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng, tăng cường các biện pháp bảo vệ trước vấn nạn hàng gian hàng giả.
“Hiện, Bộ Y tế cho phép doanh nghiệp được tự công bố hồ sơ. Tuy nhiên, trong 7 ngày chúng tôi sẽ rà soát. Nếu không đạt yêu cầu, sẽ cho thu hồi”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Để ngăn chặn vấn nạn thuốc giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên còn đề cập đến việc nâng cao mức xử phạt hành chính, xử phạt hình sự vì hiện nay, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng và được đồng ý cho phép nâng mức xử phạt. Bộ Y tế hiện cũng đang tăng cường giám sát và yêu cầu cán bộ y tế không tham gia các hoạt động quảng cáo không đúng quy định.
Theo GS Nguyễn Đức Tuấn, Phó trưởng Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM, hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc đang làm rất chặt chẽ nhưng công tác hậu kiểm còn ít với khoảng 2.000 nhân lực, khoảng 4.000 mẫu. Để ngăn chặn tình trạng thuốc giả, cần đầu tư kinh phí, tăng cường công tác hậu kiểm.