Y học

Ngày Điều dưỡng Thế giới: Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đầy mạnh nền kinh tế

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thân Ái, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 25/05/2025 - 05:39

Thông điệp của Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) 2025 là “Điều dưỡng chúng ta. Tương lai chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đầy mạnh nền kinh tế”. Điều dưỡng chính là cánh tay nối dài của bác sĩ, là “trái tim gần nhất” với người bệnh.

Ngày 12/5/2025, Bệnh viên Nguyễn Tri Phương tổ chức chào mừng Ngày Điều dưỡng Thế giới (12/5/1965 - 12/5/2025) và tưởng nhớ người sáng lập ngành Điều dưỡng, Bà Florence Nightingale. Buổi lễ được diễn ra rất trang trọng, ấm áp với Ban Giám đốc bệnh viện, lãnh đạo, điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng và khoảng 100 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Buổi lễ cũng là dịp để đội ngũ y tế ôn lại truyền thống lịch sử của ngành Điều dưỡng, cũng như tạo không khí giao lưu, đoàn kết, thân thiện giữa các Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y (sau đây gọi chung là Điều dưỡng), tạo động lực, truyền cảm hứng cho Điều dưỡng tiếp tục phát huy giá trị cao đẹp của người Điều dưỡng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Nghi lễ rước đèn” diễn ra, toàn thể hội trường im lặng, khi các điều dưỡng cầm đèn nhỏ từ từ tiến lên bục, hợp chung thành ngọn lửa trái tim bừng sáng, hàng trăm điều dưỡng cùng thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề. Chúng tôi thật sự đắm chìm trong không khí của một ngày lễ vô cùng ý nghĩa của Điều dưỡng.

Cảm xúc của buổi lễ bắt đầu được dâng lên khi đoạn phim lịch sử về Bà Tổ ngành điều dưỡng Florence Nightingale - hình ảnh về người điều dưỡng không ngại khó ngại khổ cầm đèn đi chăm sóc người bệnh trong đêm tối đã khiến mọi người xúc động.

dsc00899.jpg
Ban Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chúc mừng các điều dưỡng nhân ngày Điều dưỡng Quốc tế

“Không cần danh vị vẻ vang, chỉ mong người bệnh bình an sớm về”

Về vai trò rất lớn của điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ: “Ngày Quốc tế Điều dưỡng đã ghi nhận và trân trọng những đóng góp quan trọng của điều dưỡng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội nói chung. Ngày 12/5 hằng năm cũng là cơ hội để cảm ơn những nỗ lực phát triển nghề nghiệp và tận tâm chăm sóc người bệnh suốt ngày đêm của điều dưỡng”.

Theo BS.CKII Võ Đức Chiến, mỗi năm, Ngày Quốc tế Điều dưỡng đều nêu bật một chủ đề cụ thể. Chủ đề của Ngày Quốc tế Điều dưỡng 2025 là 'Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế” ('Our Nurses. Our Future. Caring for nurses strengthens economies). Chủ đề này tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của điều dưỡng và cũng nêu bật vai trò quan trọng của lực lượng điều dưỡng khỏe mạnh trong việc hỗ trợ toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ông nhấn mạnh: “Điều dưỡng viên là trái tim của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đội ngũ điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc với người bệnh cũng như gia đình, và họ chịu trách nhiệm đánh giá, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho từng người bệnh. Họ đảm bảo giao tiếp hiệu quả giữa đội ngũ y tế và người bệnh. Vai trò của họ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thuốc, duy trì chăm sóc vệ sinh cá nhân mà còn giáo dục sức khỏe người bệnh và gia đình trong thời gian nằm viện và cả khi đã xuất viện. Xin trân trọng cảm ơn tất cả những người điều dưỡng - những người anh hùng trong lặng lẽ, những trái tim can đảm và giàu lòng nhân hậu. Nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 2025, xin gửi đến các bạn lời tri ân sâu sắc nhất. Cảm ơn vì đã lựa chọn yêu thương, lựa chọn phụng sự, và lựa chọn làm đẹp thêm cho thế giới này – mỗi ngày”.

Phần lắng đọng nhất đó là chia sẻ của chính các điều dưỡng đã và đang làm nhiệm vụ chăm sóc hằng ngày. “35 năm 1 tháng là thời gian công tác của tôi đến hôm nay, dẫu trong công việc có vui, có buồn, có va chạm, có sẽ chia nhưng trên hết là cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, trân trọng những phút giây còn là đồng nghiệp của nhau… hy vọng tương lai điều dưỡng càng thể hiện tốt vai trò của mình, là điều dưỡng chuyên nghiệp vững chuyên môn, trách nhiệm”, đó là chia sẻ của một điều dưỡng gắn bó cùng với bệnh viện gần đến tuổi hưu của ĐD Nguyễn Thị Thiên Kim- phòng Điều dưỡng).

Một chia sẻ khác của điều dưỡng trẻ, ĐD Nguyễn Hồng Nhựt- khoa Cơ Xương Khớp, nhân Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng “4 năm làm nghề không phải là nhiều, nhưng đủ để em hiểu rằng: Điều dưỡng không chỉ là tiêm truyền, đo huyết áp, cho thuốc... mà còn là cầu nối tiếp thêm nghị lực cho người bệnh mỗi ngày”. Tại ngôi nhà Nguyễn Tri Phương này, em may mắn được học hỏi từ các anh chị – những người đã dạy em không chỉ bằng kiến thức chuyên môn, mà còn bằng tình yêu nghề, lòng nhân ái và sự tận tâm. Em xin gửi tặng một bài thơ do em sáng tác, tên bài thơ là “Nghề Điều dưỡng .

Áo trắng khoác giữa đời thường,

Mang theo trách nhiệm, tình thương vẹn tròn.

Đêm dài trực giữa mỏi mòn,

Vẫn nghe tiếng gọi, vẫn còn bước chân.

Dẫu không danh vị vẻ vang,

Chỉ mong bệnh khỏe, nụ cười tỏa lan.

Một ngày không đủ thời gian,

Vẫn mong người bệnh bình an sớm về.

Đồng nghiệp sát cánh vai kề

Chia nhau ca trực, ngậm ngùi sẻ chia.

Xin ai một chữ "thương yêu,

Cho người điều dưỡng sớm chiều tận tâm.”

yeu-thuong-va-trach-nhiem.jpg
Trong bệnh viện, điều dưỡng luôn là người đầu tiên bước đến bên người bệnh, và thường là người sau cùng rời khỏi họ.

Điều dưỡng: “Trái tim gần nhất” với người bệnh

Trong từng khoa phòng, từ nơi hồi sức cấp cứu căng thẳng đến các đơn vị chăm sóc người bệnh mạn tính, điều dưỡng luôn là người đầu tiên bước đến bên người bệnh, và thường là người sau cùng rời khỏi họ. Họ không chỉ thao tác những kỹ thuật chính xác đến từng milimet, mà còn lắng nghe, an ủi, và xoa dịu những nỗi đau không lời. Ở nơi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, họ là người giữ nhịp – lặng lẽ nhưng vững chãi.

Phía sau chiếc áo blouse trắng tinh khôi là biết bao hy sinh không tên. Họ thức trắng đêm dài, vội vàng bữa ăn trong hành lang vắng, nuốt vào trong những giọt nước mắt để giữ vững tinh thần cho người bệnh. Họ gác lại nỗi lo riêng, chọn ở bên người khác trong những lúc mong manh nhất. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến hình ảnh không thể nào quên: những điều dưỡng viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi đẫm ướt nhưng đôi tay vẫn nhẹ nhàng chăm sóc, ánh mắt dẫu sau lớp kính vẫn sáng lên niềm tin và hy vọng.

Ai trong chúng ta cũng từng có những lúc yếu lòng trong bệnh tật. Có thể bạn không còn nhớ tên bác sĩ điều trị, nhưng bạn sẽ không quên ánh mắt dịu dàng của một điều dưỡng viên, cái nắm tay ấm áp giữa đêm khuya, lời động viên khi lòng bạn đang rối bời nhất. Điều dưỡng chúng tôi cũng được xem như "liều thuốc tinh thần" âm thầm nhưng đầy diệu kỳ.

Chúng tôi thường nhận định đồng hành cùng bác sĩ luôn là điều dưỡng, một bác sĩ trưởng khoa ngoại chia sẽ về mối quan hệ này là “Người ta hay hỏi: giữa bác sĩ và điều dưỡng, ai quan trọng hơn? Tôi trả lời đơn giản: giống như hỏi giữa cơm và nước mắm, cái nào quan trọng hơn? Thiếu một cái là… bữa ăn mất ngon liền. Cho nên hôm nay, tôi xin đại diện phần ‘nước mắm’ gửi lời chúc mừng đến phần ‘cơm dẻo’ của bệnh viện - những anh chị điều dưỡng tận tâm nhất mà tôi từng biết.”

Tôi tin rằng, ở đây, không ai trong chúng ta là không từng chứng kiến - thậm chí là cảm nhận rất rõ - sự vất vả, tận tụy và đôi khi là hy sinh thầm lặng của các anh chị điều dưỡng.

b3aa0cd188893dd76498.jpg
Ngày Quốc tế Điều dưỡng là dịp để cả nhân loại cùng nghiêng mình tôn vinh những con người đã chọn bước vào hành trình cao cả: hành trình của yêu thương, của chữa lành, của hy sinh thầm lặng vì sự sống của người khác

Nói một cách thật lòng, điều dưỡng là “cánh tay nối dài” của bác sĩ, nhưng cũng là “trái tim gần nhất” với người bệnh. Không phải ai cũng hiểu hết được những áp lực và thử thách của nghề điều dưỡng – nhưng tôi tin, chúng ta ở đây đều hiểu, đều ghi nhận và đều rất biết ơn.”

Những lời chia sẽ trên như ngọn lửa sưởi ấm, tiếp thêm nghị lực niềm tin để người điều dưỡng tiếp tục hành trình và để nghề điều dưỡng càng khẳng định vai trò vị thế trong hệ thống y tế.

Thật tự hào và đầy xúc động trong buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc tế điều dưỡng. Điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói riêng và nhân viên y tế Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói chung sẽ không ngừng phát triển hoàn thiện chuyên môn, nâng cao sự hài lòng người bệnh. Hơn thế nữa, chúng tôi luôn gắn bó cùng sự trưởng thành và phát triển của bệnh viện qua những năm và cũng mở ra những định hướng phát triển mới của điều dưỡng trong tương lai.

Ngày 12/5 – Ngày Quốc tế Điều dưỡng – là dịp để cả nhân loại cùng nghiêng mình tôn vinh những con người đã chọn bước vào hành trình cao cả: hành trình của yêu thương, của chữa lành, của hy sinh thầm lặng vì sự sống của người khác. Đó là những điều dưỡng viên – những người luôn hiện diện trong từng khoảnh khắc sinh tử, là điểm tựa âm thầm nhưng vững vàng giữa những cơn bão bệnh tật.

Năm 2025, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) gửi đến thế giới một thông điệp đầy sâu sắc: “Our Nurses. Our Future. Caring for nurses strengthens economies” – “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hãy quan tâm đến điều dưỡng để đẩy mạnh nền kinh tế.” Không chỉ là sự khẳng định vị thế không thể thay thế của điều dưỡng trong hệ thống y tế, đó còn là lời hiệu triệu toàn cầu: muốn có một xã hội khỏe mạnh và nhân ái, muốn dựng xây một tương lai vững bền, hãy bắt đầu bằng sự chăm sóc và nâng niu những người đang ngày đêm gìn giữ sự sống cho chúng ta.

Ngày hôm nay, những lời tri ân – dù chân thành đến đâu – vẫn chưa đủ. Chúng ta cần nhiều hơn những bông hoa và câu chúc: cần những chính sách thiết thực để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo mức thu nhập xứng đáng, chăm sóc sức khỏe tinh thần, và mở rộng cơ hội học tập, thăng tiến cho đội ngũ điều dưỡng. Mỗi hành động cụ thể là một sự đầu tư trực tiếp vào chất lượng chăm sóc sức khỏe, vào sự phát triển bền vững của ngành y, và rộng hơn – là vào tương lai của cả một dân tộc.