Tài chính

Cần luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Công Chương 23/05/2025 - 05:41

Từ ngày Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực (1/1/2024), một khoảng trống pháp lý đã xuất hiện, đặc biệt là việc tổ chức tín dụng không còn quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm - được xem là “linh hồn” của Nghị quyết.

Trước thực trạng nợ xấu gia tăng nhanh chóng sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, ngày 22/5/2025 tại TP.HCM, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu”, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp và giới luật học.

toa-dam-xu-ly-no-xau-2a.jpg
Tọa đàm với chủ đề “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu”, ngày 22/5.

Tọa đàm là diễn đàn mở, nơi các bên liên quan cùng thảo luận những giải pháp pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt trong việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) – một công cụ then chốt trong thu hồi nợ của các ngân hàng.

Nợ xấu tăng nhanh sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã từng là một bước đột phá lớn trong hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Sau hơn 6 năm thực hiện, nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

toa-dam-xu-ly-no-xau-1.jpg
Nhà báo Hà Ánh Bình - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mỗi tháng, hệ thống TCTD xử lý được trung bình 5.800 tỷ đồng nợ xấu - cao hơn gần 2.300 tỷ so với thời điểm trước khi có Nghị quyết. Tổng cộng, hơn 443.800 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ tăng từ khoảng 20% lên đến hơn 36%, hình thức xử lý nợ thông qua phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) cũng đạt gần 21%. Tuy nhiên, từ ngày Nghị quyết 42/2017 hết hiệu lực (1/1/2024), một khoảng trống pháp lý đã xuất hiện, đặc biệt là việc TCTD không còn quyền thu giữ, xử lý TSBĐ - được xem là “linh hồn” của Nghị quyết. Trong hai tháng đầu năm 2025, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên mức vượt ngưỡng cảnh báo 3% theo thông lệ quốc tế.

Hệ thống các tổ chức tín dụng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do thiếu cơ chế đặc thù. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần tiếp tục luật hóa những nội dung cốt lõi, hiệu quả của Nghị quyết 42 nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính – ngân hàng.

Ông Bình kỳ vọng, các đại biểu cùng chia sẻ những vướng mắc thực tiễn, cùng nhìn lại các bài học kinh nghiệm, và đặc biệt, cùng đề xuất các giải pháp, kiến nghị có giá trị để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tín dụng – tài chính. “Xử lý nợ xấu không chỉ là câu chuyện riêng của ngành ngân hàng, mà còn là vấn đề chung của nền kinh tế – nơi người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền cùng có trách nhiệm bảo đảm sự ổn định tài chính” - nhà báo Hà Ánh Bình nhấn mạnh.

Luật hóa là giải pháp cấp thiết

toa-dam-xu-ly-no-xau-3.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2, phát biểu.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 – cho rằng việc luật hóa các quy định hiệu quả trong Nghị quyết 42 là cần thiết để duy trì sự ổn định vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống. “Luật hóa quyền thu giữ tài sản sẽ nâng cao trách nhiệm người vay, thúc đẩy việc sử dụng vốn đúng mục đích và tăng khả năng trả nợ”, ông Lệnh nói.

toa-dam-xu-ly-no-xau-12.jpg
Ông Nguyễn Nhật Thanh – giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, phát biểu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nhật Thanh – giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng cần cụ thể hóa quyền thu giữ TSBĐ trong Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, dựa trên nguyên tắc có điều kiện: phải có thỏa thuận bằng văn bản, tài sản không đang bị tranh chấp hoặc kê biên, và quá trình thu giữ phải công khai, minh bạch. Ngoài ra, cần bổ sung vai trò giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan công an để đảm bảo trật tự xã hội trong quá trình thu giữ.

toa-dam-xu-ly-no-xau-9.jpg
GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh ĐH Kinh tế TP.HCM, phát biểu.

GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) – lưu ý: song hành với việc trao quyền cho TCTD, cần xây dựng cơ chế bảo vệ người vay, đặc biệt là những người gặp khó khăn vì yếu tố khách quan. “Luật cần quy định rõ quyền đàm phán, tái cơ cấu nợ và phân biệt rõ nợ xấu do lỗi chủ quan hay khách quan để có hướng xử lý phù hợp”, GS Vinh đề xuất.

Thi hành án gặp khó khăn, cần giảm tải bằng giải pháp chủ động

toa-dam-xu-ly-no-xau-10.jpg
Ông Trần Phương Hồng – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, phát biểu.

Liên quan quyền thu giữ TSBĐ, ông Trần Phương Hồng – Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM – cho rằng việc TCTD không còn quyền thu giữ TSBĐ khiến cơ quan thi hành án đối mặt với lượng lớn hồ sơ tồn đọng, nhiều vụ kéo dài do người vay cố tình tạo tranh chấp giả để trì hoãn. “Nếu TCTD được thu giữ tài sản theo hợp đồng, số lượng vụ việc phải chuyển sang thi hành án sẽ giảm đáng kể, giúp chúng tôi tập trung xử lý các vụ việc phức tạp hơn”, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM phân tích.

toa-dam-xu-ly-no-xau-11.jpg
TS Sỹ Hồng Nam – Phó Chánh Văn phòng TAND TPHCM, phát biểu.

Trong khi đó, TS Sỹ Hồng Nam – Phó Chánh Văn phòng TAND TPHCM – đề xuất có thể luật hóa nội dung về xử lý nợ xấu bằng cách xây dựng một đạo luật riêng hoặc bổ sung vào Luật Các TCTD, đồng thời sửa đổi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở để đảm bảo tính đồng bộ – nhất là trong đăng ký tài sản đảm bảo sau khi chuyển nhượng khoản nợ. “Để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của chế định này cần phải luật hóa việc xử lý nợ xấu của các TCTD thành đạo luật riêng hoặc trong Luật CTCTD” – ông Nam đề xuất.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đại diện Ban Tổ chức khẳng định: “Việc luật hóa các nội dung hiệu quả trong Nghị quyết 42 là tiếng nói từ thực tiễn thị trường. Đây không chỉ là nhu cầu của các TCTD, mà còn là điều kiện để đảm bảo niềm tin thị trường, khơi thông vốn cho nền kinh tế và nâng cao kỷ luật tài chính trong xã hội”.

Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp phù hợp với thực tiễn, là cơ sở để các nhà lập pháp, cơ quan chức năng cân nhắc, bổ sung vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín dụng, tài chính – trong đó xử lý nợ xấu là mắt xích then chốt.

Công Chương