Dòng chảy

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là nhiệm vụ chiến lược của TP.HCM

Thành Minh23/05/2025 - 05:39

Ngày 22/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ nhất.

hop.jpeg

Cùng tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các Sở ngành, đơn vị.

Tại phiên họp đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.

Theo quyết định, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được làm Phó Trưởng Ban Thường trực

Phó Trưởng Ban gồm: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thanh Nghị; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Phước Lộc.

Ban Chỉ đạo gồm 19 Thành viên là lãnh đạo UBND TP.HCM, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Thanh tra Thành phố, và các lãnh đạo sở, ban ngành TP.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là triển khai, tổ chức thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM; Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP.

Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và phân công nhiệm vụ của Trưởng Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể và Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định nội dung thực hiện. Sở Xây dựng là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phải rõ ràng, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đặc biệt là phải tính toán đến việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án khi không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.

Đồng thời, khẩn trương lập tổ chức tư vấn trong và ngoài nước; nghiên cứu tham khảo các mô hình của các nước có hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại...

Nhiệm vụ đột phá chiến lược về giao thông vận tải

Về phát triển mạng lưới đường sắt nói chung và phát triển đường sắt đô thị nói riêng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, đây là nhiệm vụ đột phá chiến lược về giao thông vận tải đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Kết luận số 49.

Trong đó, mục tiêu là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM đến năm 2035. Đây là phương thức vận tải số lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, cũng là một trục xương sống của hệ thống vận tải công cộng, có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Trong bối cảnh đang triển khai việc hợp nhất tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM, TP.HCM mở rộng đang đứng trước cơ hội mới trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.

Lưu ý một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ đạo, TP.HCM khẩn trương rà soát lại quy hoạch phát triển giao thông trong điều kiện mới hiện nay để kịp thời bổ sung, điều chỉnh.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách của TP.HCM. Đồng thời nhanh chóng hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách có liên quan tới việc phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM.

Để làm được việc này, thành phố phải chủ động nghiên cứu, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành của Trung ương, trong đó có các cơ quan Chính phủ và Quốc hội để cụ thể hóa và có hướng dẫn những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là trong đề án.

Trong phạm vi của TP.HCM, các sở, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ để tham mưu trình cho HĐND TP.HCM ban hành những cơ chế, chính sách theo thẩm quyền.

Quyết tâm của chính quyền Thành phố

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được chia sẻ, để hoàn thành mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM cần cập nhật hướng tuyến quy hoạch bổ sung với tầm nhìn mở rộng liên kết vùng để có giải pháp đầu tư tối ưu; nâng cấp Ban quản lý thành mô hình phù hợp hơn.

Về phương án tài chính, TP tiếp tục mời gọi nhiều thành phần kinh tế đầu tư, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách… Đồng thời, cần phải bàn sâu để có giải pháp cụ thể để thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Bên cạnh đó là các nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD.

Song song đó, huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị.

UBND Thành phố được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.

Thành Minh