Y học

Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo trẻ suýt thủng thực quản vì hóc xương cá ba sa

08/05/2025 - 16:22

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa nội soi lấy thành công dị vật xương cá kích thước 23x23mm, cứu nam bệnh nhi N.T.N. sinh năm 2020, ngụ Bà Rịa Vũng Tàu.

Anh Minh Hải, ba bệnh nhi cho biết cháu N. được cho ăn cơm với cá ba sa. Dù gia đình đã lọc xương cá tuy nhiên vẫn còn sót lại mảnh xương vây, không may bị cháu N. nuốt phải. Được gia đình phát hiện kịp thời, bé N. được đưa đến bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị.

hoc-di-vat.jpg
BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, tái khám cho em bé bị hóc xương cá ba sa

Tại đây bé được bác sĩ của bệnh viện chỉ định chụp X-quang, CTscan, xác định dị vật kẹt ở thực quản gây viêm phù nề. Bé được tiến hành nội soi cấp cứu gắp dị vật. Hai ngày sau bé đã hồi phục và được cho xuất viện.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, hóc dị vật ở trẻ rất nguy hiểm, đặc biệt những vật dụng sắc nhọn hoặc có tính ăn mòn có thể gây các biến chứng thủng, tắc ruột…Các loại dị vật thường gặp như: đồng xu, pin cúc áo, nam châm, tăm xỉa răng, vỉ thuốc, xương…

Để xử trí các dị vật tiêu hóa, Bác sĩ Thủy cho biết thêm: “Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi bệnh nhi, loại dị vật, vị trí của dị vật ở đường tiêu hóa, thời gian nuốt, triệu chứng lâm sàng…. Phần lớn trường hợp dị vật tiêu hóa được cơ thể tự đào thải và không cần can thiệp. Tuy nhiên, khoảng 10 - 20% trường hợp cần nội soi và 1% trường hợp cần phẫu thuật để lấy dị vật”.

Khi nuốt dị vật, trẻ có thể có các dấu hiệu: ói, ói máu, đau cổ, nuốt đau, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng…; phải đưa trẻ cần được thăm khám ngay.

BS.CKII Thu Thủy nhấn mạnh dị vật ở thực quản/dạ dày và có “tính chất nguy hiểm” cần người nhà lưu tâm gồm: Dị vật có đầu nhọn, pin; kích thước dị vật lớn (đường kính > 2,5cm và/hoặc chiều dài > 2,5cm với trẻ < 5 tuổi, > 5cm với trẻ lớn); Polymer siêu thấm; nuốt từ hai nam châm trở lên.

Để phòng trẻ hóc dị vật, BS.CKII Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến nghị phụ huynh nên: Để các vật dụng kích thước nhỏ ở xa tầm tay trẻ nhỏ; quan sát trẻ khi chơi, không sử dụng các đồ chơi nam châm, kích thước nhỏ; tuyệt đối không đùa giỡn khi đang ăn.

"Khi phát hiện trẻ nuốt dị vật, người lớn không nên hoảng loạn, tìm cách lấy dị vật vì có thể đẩy vào sâu hơn; không dùng thuốc, các chất gây nôn hay kích thích nôn tránh tổn thương nặng thêm hoặc gây hít sặc vào đường hô hấp", BS Thu Thủy nói.