Đời sống

Đại lễ Vesak 2025: Khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người

Võ Liên 08/05/2025 - 10:25

Ngày 8/5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 chính thức bế mạc, với nhiều ý nghĩa, đong đầy tình đoàn kết và sẻ chia.

Tham dự lễ bế mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.

be-mac-vesak-2025.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung dự bế mạc đại lễ Vesak 2025

Về lãnh đạo Giáo hội có trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đại lễ Vesak 2025; hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV); bà Inlavanh Keobounphanh, Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; ông Chhat Chhet, Quốc vụ khanh Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia.

Đoàn kết và bao dung làm nên sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Tại lễ bế mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 được long trọng diễn ra tại TP.HCM đúng vào dịp cờ hoa rực rỡ tưng bừng kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

Đại lễ Vesak năm nay đón nhận hơn 1.000 bài tham luận tập trung vào chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, đã một lần nữa khẳng định rằng, trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

be-mac-vesak-2025-1.jpg
Đại biểu tham dự bế mạc Đại lễ Vesak 2025.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ, Chủ tịch nước Lương Cường đã đưa ra thông điệp: "Chúng ta cần biến tâm từ bi thành chính sách, biến trí tuệ thành định hướng phát triển, biến tinh thần Vô ngã - Vị tha thành kim chỉ nam cho hành động chung" trong bối cảnh thế giới đầy biến động ngày nay.

hoa-thuong-thich-thanh-nhieu.jpg
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phát biểu bế mạc

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định Phật giáo Việt Nam đã luôn hòa mình với dòng chảy văn hóa dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Triết lý đoàn kết và bao dung của Phật giáo đã góp phần làm nên bản sắc và sức mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc; góp phần làm sâu sắc hơn tinh thần yêu nước, thương nòi, lòng khoan dung, trọng nhân, trọng nghĩa, nét văn hóa yêu thương đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách… vốn đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người Việt Nam.

Đoàn kết là di sản vô giá, là truyền thống quý báu của mỗi người Việt Nam; là sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù, giành mọi thắng lợi lập nên những kỳ tích vẻ vang, rạng rỡ trong suốt chiều dài lịch sử như Ngài Tổng thống Sri Lanka trong phiên khai mạc đã bày tỏ: “Việt Nam là một quốc gia tuyệt vời đã mở ra con đường vươn lên đầy dũng cảm, bất chấp hàng trăm năm trải qua những đau thương".

Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - cho rằng thành công của Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững" một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TP.HCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững; đây cũng là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam trong việc phổ biến giáo pháp của đức Phật.

be-mac-vesak.jpg
Các đại biểu đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự bế mạc Đại lễ Vesak 2025

Đất nước Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó đã nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, là biểu tượng của hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết trong năm 2025, Việt Nam sẽ miễn học phí cho trẻ em, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát và làm nhà mới cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo (khoảng 223 nghìn căn nhà). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ sớm có giải pháp để giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí cho người dân. Đức Phật từ bi luôn mong muốn, dõi theo, phù hộ và thúc giục chúng ta làm những việc phức đức, thiện lành như vậy.

Trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, những năm qua, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, từ thiện nhân đạo, cùng với Nhà nước chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Thành công của Đại lễ là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu lớn lao của đất nước, con người Việt Nam. Đó là:

(1) Khẳng định truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam;

(2) Khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế;

(3) Khẳng định kết quả rõ rệt trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân đã được thể hiện bằng sự tham gia của hàng triệu lượt người trong các sự kiện của Đại lễ với tâm thế hoan hỷ, tin tưởng, linh thiêng và trật tự;

(4) Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Võ Liên