Đời sống

Khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo tại Đại lễ Vesak 2025

Võ Liên 05/05/2025 15:12

Ngày 5/5, Lễ thượng Đạo kỳ và khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Triển lãm "Văn hóa Phật giáo Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.

z6570316587830_74b9dd2c756f3a23fc1278491a5229ca.jpg
Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana (bìa phải) - Phó chủ tịch Thường trực ICDV nghe giới thiệu về di sản tư liệu thế giới: Mộc bản kinh Phật tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm

Tại buổi khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chia sẻ triển lãm lần này là nơi nghệ thuật, lịch sử và tâm linh gặp nhau, thắp sáng lên chiều sâu trí tuệ và mỹ học của Phật giáo Việt Nam, trong dòng chảy của nền văn minh nhân loại.

Cũng theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, có 87 bảo vật quốc gia được trang trí ở các khu trưng bày gồm: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam, họa đồ lịch sử Đức Phật và quy trình tạo tượng theo truyền thống dân tộc; không gian thiền trà, những bức tranh họa vàng, tranh chùa Việt, kinh sách, mộc bản, pháp khí, nhạc cụ,...

KTS Đinh Việt Phương - thành viên ban tổ chức - cho biết tất cả các hiện vật này đều là những bản mô tả của các bảo vật đang được lưu giữ tại các ngôi chùa, vốn rất khó có thể đưa trực tiếp đến cho công chúng chiêm bái.

"Mục đích của chương trình lần này là mong muốn giới thiệu hình ảnh và nội dung của những bảo vật quốc gia đến với đông đảo công chúng", KTS Đinh Việt Phương chia sẻ.

img_1858.jpg
Phiên bản tháp thời Lý tại chùa Phật Tích được phục dựng, trưng bày tại triển lãm
trien-lam-vesak.jpg
KTS Đinh Việt Phương - phụ trách phần thiết kế mặt đất cho không gian triển lãm - giới thiệu về phiên bản tháp thời Lý tại chùa Phật Tích cho các đại biểu

Không gian triển lãm trưng bày "Văn hóa Phật giáo Việt Nam" tại Đại lễ Vesak 2025 do Ban Văn hóa tổ chức là một điểm nhấn đặc biệt, mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển.

Đây là nơi trưng bày các giá trị Phật giáo tiêu biểu đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng hệ thống hình ảnh tư liệu, và trích đoạn giới thiệu về giá trị Bảo vật Quốc gia liên quan đến Phật giáo đang được lưu giữ tại các bảo tàng, tự viện, di tích lớn trên cả nước.

trien-lam-vesak-2.jpg
Các sản phẩm nhạc cụ truyền thống được trưng bày tại triển lãm.

Nổi bật tại không gian triển lãm là hình ảnh trưng bày các sản phẩm nhạc cụ truyền thống, trà đạo, pháp phục, kinh sách, mộc bản, sắc phong, tranh ảnh... Mỗi không gian trưng bày không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn hàm chứa tâm hồn, phong tục và bản sắc dân tộc. Không gian trưng bày góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và tăng cường kết nối tinh thần Phật pháp trong đời sống hiện đại.

le-thuong-co-2.jpg
Lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Bình Chánh, TP.HCM), sáng 5/5

Trước đó, ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo có kích thước 500m². Đây là lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới hiện nay.

le-thuong-co-5.jpg
Tính đến nay, đây là lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới với kích thước 500m²

Theo ban tổ chức, cờ được may bằng vải siêu bền đặc biệt theo truyền thống quốc tế, có 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam, được sắp xếp thứ tự theo mẫu chuẩn của cờ Phật giáo.

Lá cờ có chiều dài 25,69m biểu tượng chiều dài lịch sử Phật giáo qua 2.569 năm. Chiều ngang đại kỳ 19,47m.

Lá cờ là biểu tượng của sự gắn kết 5 châu, thể hiện khát vọng hòa bình thế giới, cũng là ước vọng của Phật giáo muốn lan tỏa lòng từ bi, đúng theo tinh thần chủ đề Vesak năm 2025: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Một số hình ảnh buổi lễ:

le-thuong-co.jpg
le-thuong-co-1.jpg
le-thuong-co-3.jpg
le-thuong-co-4.jpg
le-thuong-co-6.jpg

Võ Liên