Khoa học

GS.TS. Đặng Lương Mô, nhà khoa học tiêu biểu đóng góp trong lĩnh vực bán dẫn, phát triển TP.HCM

An Quý 01/05/2025 - 20:10

Theo UBND TP.HCM, nhân kỷ niệm 50 năm “Giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước” (30/4/1975 - 30/4/2025), thành phố xét chọn và ghi nhận, tôn vinh những đóng góp quan trọng của 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (giai đoạn 1975 - 2025). Một trong những nhân vật tiêu biểu ấy có GS.TS Đặng Lương Mô.

Họ được vinh danh là những người có phẩm chất đạo đức trong sáng, liêm chính, có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và có nhiều đóng góp nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội Thành phố và để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố từ năm 1975 đến nay.

gs-dang-luong-mo.-anh-minh-hoa.jpg
GS.TS Đặng Lương Mô

Nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực vi mạch

GS.TS. Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng. Sau khi hoàn thành bậc trung học phổ thông tại miền Bắc, năm 1953, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, ông đậu thủ khoa vào Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ (tiền thân của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TpHCM).

Năm 1957, ở tuổi 21, ông được tuyển chọn và nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản sang học ngành điện tử. Tốt nghiệp Đại học Tokyo vào năm 1962, hai năm sau, ông lấy bằng Thạc sĩ và năm 1968 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học tại đây. GS.TS Đặng Lương Mô là một nhà khoa học có nhiều uy tín trong lĩnh vực vi mạch. Phần lớn cuộc đời ông sống và làm việc tại Nhật Bản.

GS.TS Đặng Lương Mô được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York từ năm 1992, Hội viên thượng cấp Hội Kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ. Ông được trao tặng “Giải thưởng Vinh danh nước Việt” năm 2004 và có tên trong Danh sách những Người nổi tiếng Thế giới (Marquis Who’s Who In The World).

Giữa thập kỷ 1970, Nhật Bản triển khai chương trình quốc gia 5 năm với mục tiêu là thiết kế và chế tạo đại trà những chip có quy mô tích hợp hàng triệu transistor mang tên VL Project. Sự thành công của dự án này đã đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ vi mạch. GS.TS. Đặng Lương Mô là một trong những nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng trong chương trình này. Hàng trăm bài báo của ông được đăng tải trên những tạp chí khoa học nổi tiếng ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu đã đưa tên tuổi của Ryo Dang (tên tiếng Nhật của ông) trở thành quen thuộc với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực vi mạch - bán dẫn.

Đặc biệt, nói đến thiết kế vi mạch, giới chuyên môn không thể không nhắc đến “Công thức tính dòng điện transistor MOSFET”. Mô hình này của ông được xem như một trong những mô hình cơ bản với tên gọi “Dang Model” (Mô hình của họ Đặng). Mô hình này của GS.TS. Đặng Lương Mô được ứng dụng rộng rãi trong các thập niên 1980 -1990 và được thế giới công nhận ông là người đầu tiên đưa ra mô hình SPICE ổn định nhất trong việc mô phỏng linh kiện bán dẫn.

Công trình khoa học mang tên ông được đăng trên tạp chí của Hội IEEE (Hội kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ) năm 1979; đồng thời đã được đưa vào giáo trình giảng dạy của hầu hết các trường đại học công nghệ ở Mỹ, trong đó có cuốn sách giáo khoa về khoa học kỹ thuật “Transistors: Fundamentals for the Integrated - Circuit Engineer” (Transistor - Cơ sở cho Kỹ sư Vi mạch) của tác giả R.M.Warner, Jr. và B.L. Grung, xuất bản năm 1983.

GS.TS. Đặng Lương Mô chia sẻ: “Cuốn sách xuất bản năm 1983 như vừa mới được nêu tên đã thu thập 4 công thức cơ bản mà sách gọi là Basic Model (Mô hình Cơ bản): Đó là Mô hình Pao-Sah, Mô hình Charge Sheet (lớp mỏng điện tích), Mô hình họ Đặng (Dang Model) và Mô hình Ihantola-Moll. Trong 4 mô hình, chỉ có Dang Model và Ihantola – Moll Model là công thức hiển thị (explicit formula), nghĩa là công thức trực tiếp tính ra được kết quả cụ thể với các thông số và biến số đều biết. Mô hình Ihantola-Moll này có thể được suy ra từ Mô hình họ Đặng. Còn 2 công thức Pao-Sah và Charge-Sheet đều có hàm chứa một tích phân, nghĩa là không thể trực tiếp tính ra được mà phải tính bằng phương pháp toán số (numerical calculation), hoàn toàn không thích hợp cho việc lồng chúng vào một bộ mô phỏng mạch điện từ, như SPICE, chẳng hạn. Mô phỏng mạch điện tử là yếu tố then chốt để thành công trong thiết kế linh kiện bán dẫn. Máy mô phỏng mạch SPICE có thể được sử dụng để tăng tốc độ phân tích thiết kế”.

GS.TS Đặng Lương Mô: Tiên phong trong phát triển công nghệ vi mạch tại Việt Nam

Trong những năm tháng ở nước ngoài, GS.TS Đặng Lương Mô vẫn luôn hướng về đất nước. Ngay từ năm 1989, ông đã vận động các trường đại học, các quỹ ở Nhật Bản tài trợ, giúp các giảng viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM sang Nhật Bản tu nghiệp.

Năm 2002, ông trở về Việt Nam và định cư tại TP.HCM. Ngay sau khi về nước, ông đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn Sau đại học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đảm nhiệm vai trò Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều…

gs-dang-luong-mo(2).jpg
GS.TS Đặng Lương Mô trong một lần gặp gỡ Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Ông được coi là nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam trong những năm qua. Ông từng là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2005, Phòng Thí nghiệm Mô phỏng và Thiết kế Vi mạch (gọi tắt là Phòng Thí nghiệm FPGA) tại Khoa Điện - Điện tử tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chương trình đào tạo Sau đại học hướng vi điện tử trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Còn chương trình sau đại học về Thiết kế Vi mạch tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM là chương trình sau đại học chính quy của một đại học Việt Nam đầu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của đông đảo giáo sư Việt kiều và người nước ngoài. Chương trình đã đào tạo ra hàng trăm Thạc sĩ về Thiết kế vi mạch.

GS.TS Mô làm việc với tính chất thiện nguyện. Cho đến khi sau này, khi ông làm cố vấn cho khu công nghệ cao, Thành phố có chính sách dành cho những chuyên gia trí thức nước ngoài về, mỗi người được nhận 150 triệu đồng/tháng. Đợt đó, ông được đề xuất nhận 6 tháng với tổng lương lên tới 900 triệu đồng, nhưng ông đã không nhận.

Nhà khoa học có tâm hồn nghệ sĩ

GS.TS Đặng Lương Mô cũng đã có những đóng góp thầm lặng cho nền văn hóa văn học Việt Nam thông qua việc dịch thuật giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam đến với nền văn hóa Nhật Bản - Bích câu kỳ ngộ. Điều đó có vẻ mâu thuẫn giữa một người làm khoa học trong một chuyên ngành khô khan với một nhà dịch thuật văn hóa với những câu chữ lãng mạn.

“Tôi ở Nhật Bản đã lâu, 40 năm. Một trong những tâm nguyện của tôi là muốn giới thiệu văn hóa của đất nước Việt Nam tôi cho người Nhật, cũng như giới thiệu nước Nhật cho Việt Nam.

vo-chong-gs-dang-luong-mo.jpg
Vợ chồng GS Đặng Lương Mô

Cơ may tôi đưa quyển Bích câu kỳ ngộ kể ra hơi dài dòng. Sau khi đất nước ta Giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước, bước vào thời kỳ đổi mới với quyết định của Bộ Chính trị được ban hành vào năm 1986. Vào năm 1993, lần đầu tiên Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Nhật Bản với tư cách quốc khách. Vì là quốc khách, nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhà vua Nhật Bản mới đãi yến tiệc. Trong buổi tiệc ấy, Thủ tướng Nhật Bản đứng lên phát biểu chào mừng, trong câu phát biểu có 1 câu là Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ giao lưu văn hóa, nhất là về nhã nhạc từ lâu đời. Sau khi về nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tìm hiểu, và dần khôi phục lại bộ môn nhã nhạc - âm nhạc cung đình, tìm lại các truyền nhân nhã nhạc. Từ đó, mới có bộ môn nhã nhạc với dàn nhạc 18 thập bát ban, 18 loại nhạc cụ. Nhã nhạc được xem là âm nhạc cổ điển của Việt Nam”, GS.TS Đặng Lương Mô nhớ lại.

Ông cho biết thêm: “Một số bạn của tôi ở Nhật thành lập nhóm nhạc cổ điển phương Tây. Sau khi nghe Thủ tướng Nhật bản nói như thế trong buổi tiếp đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt, họ mới nảy ra ý định trao đổi âm nhạc với Việt Nam. Họ là những nhạc sĩ chuyên chơi nhạc cổ điển phương Tây và muốn tạo ra một vở nhạc kịch (Opera) có yếu tố văn hóa Việt Nam trong đó để trình diễn. Người ta mời tôi giới thiệu tác phẩm để có thể phổ nhạc làm thành 1 bài opera, tôi mới giới thiệu Bích câu kỳ ngộ.

Đây là truyện thần tiên nên có thể biến tấu ra vũ điệu, âm nhạc một cách dễ dàng. Sau đó, họ còn nhờ tôi khi tôi dịch quyển Bích câu kỳ ngộ từ tiếng Việt sang tiếng Nhật. Vở nhạc kịch Bích câu kỳ ngộ (Tiếng nhật là Kigu - nghĩa là Kỳ Ngộ), có ca vũ, hát và múa và diễn thử ở Tokyo. Sau đó năm 1989, vở nhạc kịch này được hoàn thành và từng được công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1998”.

Bích Câu Kỳ Ngộ là một truyện thơ Nôm thể lục bát được sáng tác giữa thế kỉ 19, nói về mối tình của chàng thư sinh Tú Uyên với nàng tiên Giáng Kiều ở đất Bích Câu. Hiện nay, ở phố Cát Linh gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) có một tòa nhà Bích Câu đạo quán, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Tú Uyên thuở xưa. Câu chuyện bích câu kỳ ngộ đã được GS.TS Đặng Lương Mô dịch ra tiếng Nhật, rồi đưa người ta in ở Nhật Bản, bán lại cho những người thưởng thức vở nhạc kịch ấy khi muốn biết về nguồn gốc nhạc kịch xuất phát từ bài thơ này.

Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Lương Mô còn dịch 1 vài cuốn sách có giá trị về văn hóa, văn học và lịch sử từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Những cuốn sách như "Mười hai người lập ra nước Nhật" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2004), "Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858-1881), một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử" (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành năm 2022)… của GS.TS Đặng Lương Mô đã được lãnh đạo Đảng, TP.HCM đặt hàng.

“Tôi thường chọn dịch những quyển sách giới thiệu về nước Nhật, 1 trong những quyển sách tôi bán rất chạy là “12 người lập ra nước Nhật”, tức là nói về 12 người không ông nào là vua chúa, không ông nào là tướng dẹp ngoại xâm, toàn là nhà văn, tướng, nhà văn hóa. Quyển sách này được xuất bản vào khoảng năm 2003 - 2004.

Sau đó 1 thời gian, quyển sách này của tôi được đặt hàng cho in lại 2.000 bản ghi sách do Nhà nước ban hành. Quyển Minh trị Duy Tân được tôi dịch vào năm 2022 quyển, quyển này sau khi tôi tặng ông Nguyễn Văn Nên - Bí Thư Thành ủy TP.HCM cũng đã được Bí thư Thành ủy đặt hàng in thêm 2000 bản để phát cho cán bộ”, GS.TS Đặng Lương Mô cho biết.

Trong bản thảo Bích câu kỳ ngộ do GS.TS Đặng Lương Mô dịch sang Nhật ngữ, có câu rằng: “Vả chàng dự bậc thanh tao - Mà xem trong sổ Tiên tào có tên - Học sao cho hết chân truyền - Tu sao cho hết tinh huyền thì tu…". GS.TS Đặng Lương Mô đã sống một cuộc đời của một nhà khoa học làm rạng danh người Việt Nam trên lĩnh vực khoa học công nghệ của thế giới. Trong sự nghiệp của mình, GS.TS Đặng Lương Mô đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế được công nhận tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực sản xuất vi mạch - bán dẫn.

“Cho đến nay, thâm tâm tôi vẫn đau đáu nguyện vọng những người tiếp nối sự nghiệp vi mạch - bán dẫn sẽ tiếp tục dấn thân vào nghiên cứu chế tạo vi mạch. Tôi mong nguyện vọng mình được thực hiện được tại các trường đại học Việt Nam vì các trường đại học ở Nhật Bản đã thành lập ra được một khoa như vậy”, GS.TS Đặng Lương Mô bày tỏ.

Ngày 23/4, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức Lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025). 60 gương mặt tiêu biểu (trong đó có 31 người đã mất) là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trên các ngành, lĩnh vực trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM. Trong 5 kiều bào được thành phố vinh danh có GS.TS Đặng Lương Mô.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong đóng góp của nhiều thế hệ tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM có công lao rất quan trọng của 60 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương trong Lễ tôn vinh.

"Tuy xuất thân khác nhau, có người từ cuộc kháng chiến tiếp tục tham gia công tác chính quyền, quản lý; có người là nhà nghiên cứu khoa học, xã hội, y tế, giáo dục, các cá nhân hoạt động nghệ thuật xuất sắc. Nhưng tất cả đều hội tụ ở lòng yêu quê hương đất nước tha thiết với quyết tâm cao và khát vọng cháy bỏng, sẵn sàng cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP.HCM, ‘vì cả nước, cùng cả nước’, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", ông Nguyễn Văn Được khẳng định.

An Quý