Dòng chảy

TP.HCM được trao Danh hiệu Anh hùng Lao động

Thành Minh30/04/2025 10:28

Sáng 30/4, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm trao Danh hiệu Anh hùng Lao động đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.

tbt.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Danh hiệu Anh hùng Lao động đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM

Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Danh hiệu Anh hùng Lao động đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy TP.HCM đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đón nhận phần thưởng cao quý này.

Trong các năm 2020-2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Cụ thể, với phương châm "toàn dân, toàn diện, chống dịch như chống giặc", đặc biệt là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Thành ủy, UBND TP.HCM đã ban hành 353 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch có hiệu quả.

Thành phố đã huy động toàn ngành y tế và các lực lượng hữu quan với hơn 1.500 đội lấy mẫu, tổ chức hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình "tháp tầng" với trên 40.000 giường. Thành phố thiết lập 1.109 đội tiêm chủng, thực hiện tiêm 13.941.785 liều vaccine, nhờ đó đã giúp việc bao phủ đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỉ lệ cao. Thành phố chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID) để kết nối, xác thực, chia sẻ dữ liệu phòng, chống dịch COVID-19.

Sau đại dịch COVID-19, hệ thống chính trị và người dân TP.HCM đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, biện pháp nâng cao sức chống chịu của kinh tế Thành phố, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dương.

Sau đại dịch COVID-19, hệ thống chính trị và người dân TP.HCM đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, biện pháp nâng cao sức chống chịu kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dương.

Sau đại dịch COVID-19, tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36%; năm 2022 phục hồi và tăng 9,03%. Kinh tế TP.HCM tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Ước tính tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 5,3%/năm.

Tổng thu ngân sách trong 5 năm (2020-2024) đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt trên 441.000 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước chiếm khoảng 25,9% cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng bình quân 16,74% trong GRDP; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân 64,2% trong GRDP; ngành du lịch đã đón 145,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch chiếm khoảng 25% tổng thu của cả nước. Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của TP.HCM trung bình hàng năm khoảng 10%.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,9 tỷ USD. TP.HCM có khoảng trên 20.000 doanh nghiệp có hoạt động giao thương xuất nhập khẩu với 214 quốc gia và vùng lãnh thổ; cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh sang các nước/vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu (năm 2021 chiếm tỷ trọng 74,1% và năm 2024 chiếm tỷ trọng 78%).

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024, TP.HCM đã phân bổ chi tiết Kế hoạch vốn đầu tư công năm là 259.512 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 29.327 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11%) và vốn ngân sách địa phương là 230.184 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 89%).

Các dự án đầu tư công ngành y tế thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đưa vào sử dụng gồm 24 dự án bệnh viện tuyến thành phố với tổng mức đầu tư hơn 17.419 tỷ đồng và 10 dự án tuyến quận huyện với tổng mức đầu tư là hơn 2,7 triệu tỷ đồng.

Thành Minh