Giáo dục

Phát triển TP.HCM thành trung tâm giáo dục quốc tế: Chiến lược cần ưu tiên

Công Chương (thực hiện) 30/04/2025 - 13:13

"Để TP.HCM trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, không chỉ cần trường đẹp – nhân lực giỏi – chương trình tiên tiến, mà còn cần một xã hội học tập, một nền giáo dục mở hiện đại và một tầm nhìn vì con người. Khi giáo dục thành phố đầu tư đúng hướng, nội lực giáo dục đạt tầm quốc tế sẽ diễn ra đồng thời với việc thu hút người học quốc tế".

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông về chủ đề phát triển TP.HCM thành trung tâm giáo dục quốc tế.

huynh-van-son.jpg
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Những thuận lợi hiện hữu

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, TP.HCM từ lâu đã khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn nhất cả nước, với hệ thống trường đại học phong phú và đa dạng. Các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như sư phạm, kỹ thuật, y dược, kinh tế và nghệ thuật đã tạo nên nền tảng tri thức vững chắc, mở đường cho việc phát triển giáo dục chất lượng cao từ bậc phổ thông đến sau đại học.

Hệ sinh thái giáo dục tại TP.HCM hiện nay cũng rất năng động, đặc biệt trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều trường học đã tích cực ứng dụng công nghệ, phát triển mô hình lớp học thông minh, học liệu số, STEM, đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Không thể không nhắc đến nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi, dễ thích ứng của thành phố. Sinh viên và học sinh TP.HCM có tinh thần cầu thị, năng động và sáng tạo, là lực lượng nòng cốt trong việc thúc đẩy các mô hình học tập chủ động và học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, TP.HCM ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút nhiều tổ chức giáo dục và chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học uy tín trên thế giới. Các chính sách hỗ trợ giáo dục như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng trường tiên tiến, cũng như hỗ trợ sinh viên yếu thế, sinh viên quốc tế đã được thành phố triển khai mạnh mẽ, thể hiện cam kết đầu tư bài bản cho giáo dục.

gd-quoc-te-1.jpg
Một tiết học với giảng viên người nước ngoài tại Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Những thách thức cần nhận diện

Bên cạnh những thuận lợi, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng, hành trình xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề nổi bật là sự chênh lệch chất lượng giữa các cơ sở giáo dục. Không ít trường học, đặc biệt ở ngoại thành, vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu hụt giảng viên giỏi, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Song song đó, sự liên thông giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động chưa thật sự chặt chẽ. Chương trình đào tạo của nhiều cơ sở vẫn chưa gắn kết với thực tiễn, dẫn đến tình trạng "học không đúng, dạy chưa trúng, làm không chuẩn". Việc chưa thống nhất mã ngành, chuẩn chương trình với các quốc gia trong khu vực cũng đang là rào cản lớn trong việc quốc tế hóa giáo dục.

Rào cản ngôn ngữ cũng là thách thức đáng kể. Việc giảng dạy bằng tiếng Anh chưa phổ biến rộng khắp, số lượng giảng viên có khả năng đào tạo sinh viên quốc tế còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thu hút người học quốc tế.

Ngoài ra, TP.HCM đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan – những nước đã đầu tư bài bản để trở thành "hub" giáo dục quốc tế. Nếu không có chiến lược đặc thù, thành phố rất dễ tụt lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu này.

Những điều kiện cần thiết để vươn tầm

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, để TP.HCM vươn lên thành trung tâm quốc tế về giáo dục, trước tiên cần có tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán từ cấp chính quyền. Thành phố cần xây dựng một đề án phát triển giáo dục tầm quốc tế, với mục tiêu, lộ trình và giải pháp rõ ràng, lồng ghép chặt chẽ vào quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể.

Hệ thống trường học cần đa dạng và đạt chuẩn quốc tế, từ mầm non đến đại học. Việc phát triển các mô hình trường liên cấp quốc tế, trường song ngữ, trường giáo dục khai phóng... là hướng đi phù hợp, vừa hội nhập, vừa giữ được bản sắc Việt Nam. Đặc biệt, thành phố cần có những đại học lọt Top 500 thế giới, không chỉ về công bố quốc tế mà phải bằng chính chất lượng đào tạo và nội lực nghiên cứu.

Về đội ngũ giảng viên, việc nâng cao trình độ là hết sức cấp thiết. Tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bài bản ở nước ngoài, có năng lực giảng dạy và hướng dẫn sinh viên bằng tiếng Anh là yếu tố không thể thiếu.

Ngoài ra, thành phố cần kiến tạo một hệ sinh thái học tập mở, thông minh và sáng tạo, với các trường học số, thư viện số, trung tâm dữ liệu giáo dục mở, thúc đẩy học tập chủ động và sáng tạo, hướng tới mô hình công dân toàn cầu.

Môi trường sống, học tập và nghiên cứu cũng phải thân thiện với người nước ngoài, từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, an ninh, đến các chính sách visa linh hoạt. Các hoạt động văn hóa, giao lưu quốc tế cần được đẩy mạnh để TP.HCM thực sự trở thành "ngôi nhà chung" cho người học toàn cầu.

Những thay đổi chiến lược cần thực hiện

Để hiện thực hóa mục tiêu này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh đến việc cần thay đổi thể chế và chính sách giáo dục. Tư duy quản lý giáo dục cần chuyển từ hành chính sang khai phóng, trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục, nhất là đại học.

Quy trình thủ tục hành chính cần được cải tiến, rút gọn, đặc biệt trong việc cấp phép chương trình liên kết quốc tế, công nhận bằng cấp, cấp visa học thuật. TP.HCM cũng cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý đặc thù, như mô hình "Khu đô thị giáo dục – sáng tạo" để tạo điều kiện thuận lợi cho quốc tế hóa giáo dục.

Chất lượng đội ngũ giảng viên cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn về kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ số và giảng dạy đa văn hóa. Bên cạnh việc thu hút giảng viên nước ngoài, thành phố cần khai thác hiệu quả đội ngũ Việt kiều và học giả quốc tế, xây dựng một lực lượng giảng viên đẳng cấp quốc tế.

Chương trình đào tạo cũng cần cập nhật theo hướng liên ngành, số hóa, lồng ghép công nghệ, giáo dục cảm xúc – xã hội (SEL) và tư duy toàn cầu, tạo ra thế hệ sinh viên vừa giỏi chuyên môn, vừa có kỹ năng toàn diện.

“TP.HCM đang có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để bứt phá trở thành trung tâm giáo dục quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bài bản và những đổi mới mạnh mẽ, tin rằng thành phố sẽ khẳng định vị thế của mình, không chỉ trong khu vực mà còn trên bản đồ giáo dục toàn cầu” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.

Để TP.HCM vươn lên thành trung tâm quốc tế về giáo dục, trước tiên cần có tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán từ cấp chính quyền. Thành phố cần xây dựng một đề án phát triển giáo dục tầm quốc tế, với mục tiêu, lộ trình và giải pháp rõ ràng, lồng ghép chặt chẽ vào quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể..."

GS.TS Huỳnh Văn Sơn

Công Chương (thực hiện)