Đời sống

Niềm tự hào về sự phát triển của thành phố mang tên Bác trong trái tim người dân

Trúc Nhã 30/04/2025 - 13:12

50 năm qua, từ một đô thị bị tàn phá bởi chiến tranh – Sài Gòn xưa, TP.HCM hôm nay đã không ngừng phát triển và từng bước phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tròn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đời sống của nhân dân thành phố mang tên Bác không chỉ ghi dấu về những chuyển biến mạnh mẽ về vật chất, mà còn là hành trình không ngừng của khát vọng vươn lên, của những nỗ lực bền bỉ vượt qua thách thức, để thành phố luôn đổi mới, sáng tạo và từng bước sánh vai với các đô thị hàng đầu trên thế giới.

Với gần 10 triệu dân sinh sống và làm việc, thành phố hôm nay không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước mà còn là nơi khắc sâu niềm tự hào trong lòng bao thế hệ người dân về một đô thị không ngừng vươn lên.

hinh-2a1.jpg
Sau 50 năm được giải phóng, TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, tái thiết, để đưa thành phố mang tên Bác trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, tạo những nền tảng quan trọng để thành phố bứt tốc ở giai đoạn tiếp theo.

Thành phố tôi yêu qua nửa thế kỷ vươn mình

Sinh ra trong một gia đình đã sáu đời gắn bó với mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Nhơn - Chánh hội trưởng Nam Thành Thánh thất quận 1 luôn mang trong mình niềm tự hào khi được là công dân của thành phố mang tên Bác, vùng đất đã mà ông đã lớn lên và trưởng thành với những bước đột phá mạnh mẽ và phát triển liên tục trong nửa thế kỷ qua.

Hồi tưởng về những ngày đầu sau giải phóng, ông Nguyễn Hữu Nhơn không giấu được sự xúc động. Ông kể: "Sau ngày giải phóng, người dân TP.HCM đối mặt với muôn vàn khó khăn, đời sống người dân khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặt. Nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, TP.HCM đã tập trung vào mục tiêu ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh và từng bước ổn định tình hình. Những nỗ lực này đã giúp thành phố vượt qua giai đoạn gian khó, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và tạo nền tảng để phát triển kinh tế”.

z6555878864015_4c16ea564a1942246cf27a298555c3dd.jpg
Ông Nguyễn Hữu Nhơn - Chánh Hội trưởng Nam Thành Thánh thất quận 1 luôn làm việc và cống hiến hết mình với niềm tự hào vì được sinh ra và trưởng thành từ Thành phố mang tên "Bác".

Và từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào cuối năm 1986, cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng đã không ngừng xây dựng và phát triển. Với tinh thần năng động, sáng tạo vốn có của mình, thành phố đã từng bước hồi phục và bứt phá, hàng loạt công trình, dự án tầm vóc dần mọc lên đã làm thay đổi diện mạo của thành phố.

“Cùng với niềm tự hào là một công dân của thành phố mang tên Bác, tôi đã chứng kiến từng bước chuyển mình của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những con đường cũ kỷ, nhỏ hẹp, nhiều con kênh nước đen kịt rồi các khu nhà ổ chuột, nhà sàn dọc trên các sông, rạch nhìn, giờ đây đã trở thành một đô thị sầm uất với những khu dân cư khang trang, những tòa nhà chọc trời, mà nổi bật là tòa Bitexco 68 tầng và Landmark 81 tầng.

Cùng với đó là những cây cầu hiện đại mới nối liền các quận, huyện như cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Ba Son,… Mỗi đổi thay đều mang theo kỳ vọng về một thành phố ngày càng đáng sống, văn minh, hiện đại năng động và ngày càng phát triển"- ông Nguyễn Hữu Nhơn với ánh mắt tự hào kể lại.

Trong tiến trình phát triển 50 năm qua, TP.HCM đã có nhiều công trình, dự án mang tính biểu tượng làm thay đổi diện mạo của Thành phố như: dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng; dự án Đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt); dự án Đại lộ Nguyễn Văn Linh; dự án đường hầm Thủ Thiêm; dự án cầu Sài Gòn 2; dự án cầu Phú Mỹ; dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên),…

Nhắc đến những công trình làm nên diện mạo mới cho TP.HCM, là người dân thành phố ông Nguyễn Hữu Nhơn đặc biệt xúc động khi nói về tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên. Với sự xuất hiện của Metro, mang đến hy vọng về một cuộc cách mạng giao thông công cộng giúp người dân chuyển từ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường.

“Với những người từng sống qua thời kỳ khó khăn, việc chứng kiến TP.HCM có một hệ thống giao thông công cộng hiện đại như vậy thật sự là một bước ngoặt lớn. Những cây cầu mới, những cung đường rộng mở, những tuyến metro hiện đại đang thành hình... không chỉ là sắt thép, bê tông, mà còn là minh chứng cho sức vươn lên mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh"- ông Nhơn bày tỏ.

z6556046289810_cd815bf1f8032256be0c9269b9f1a6ab.jpg
Tuyến Metro số 1 không chỉ là bước tiến lớn trong việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng mà còn là tiền đề quan trọng để TP.HCM thúc đẩy tiến độ cho hàng loạt tuyến metro khác trong thời gian tới.

Công trình bến Bạch Đằng cũng để lại dấu ấn sâu sắc với ông Nhơn trong sự phát triển 50 năm qua của TP.HCM. Từ những năm 2000, nơi đây chỉ là một bến sông đơn sơ, cũ kỹ, với vài tàu hàng, tàu khách neo đậu và những hàng quán nhỏ lẻ, không gian yên tĩnh, ít người qua lại. Thế nhưng, trong những năm gần đây bến Bạch Đằng đã khoác lên mình tấm áo mới với thiết kế hiện đại, khang trang, nhiều chuyến tàu phục vụ khách du lịch ngày đêm, đặc biệt kết nối liền mạch với phố đi bộ Nguyễn Huệ, tạo nên không gian văn hóa sôi động để người dân du khách đến đây vui chơi, giải trí

Sau ngày thống nhất đất nước, khu vực bờ Nam rạch Kênh Tẻ (quận 7 - Nhà Bè) khi đó vẫn là vùng đầm lầy, ruộng cỏ, nước hoang vu. Nhưng có ai ngờ rằng, hơn 30 năm sau, vùng đất ấy lại chuyển mình trở nên sầm uất với trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng khang trang, hiện đại, xứng tầm là một khu dân cư kiểu mới đi đầu của TP.HCM, có những công trình kiến trúc, không gian xanh... đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo đô thị TP.HCM sau 50 năm đổi mới.

z6555924393599_dd624b3a8f114a69e7eb77c087048ed0.jpg
Nhìn bến Bạch Đằng hôm nay trở nên khang trang, trở thành điểm nhấn góp phần làm thay đổi bộ mặt TP.HCM và là điểm đến yêu thích của người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, ông Nguyễn Hữu Nhơn vô cùng tự hào khi là người con của TP.HCM.

Phát triển nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc

Nếu kinh tế là động lực phát triển, thì văn hóa chính là “hồn cốt” của Sài Gòn - TP.HCM. Suốt 50 năm qua, thành phố vẫn là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy định cư và văn hóa - nơi người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc chọn làm chốn an cư và lập nghiệp. Sự đa dạng ấy tạo nên một bản sắc văn hóa rất đặc trưng, riêng biệt và thật phong phú: “cởi mở, hào sảng và nghĩa tình”.

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ để sánh vai cùng các đô thị lớn trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, bên cạnh sự phát triển thì thành phố vẫn giữ gìn được các giá trị văn hóa, những di sản, di tích lịch sử mang đậm dấu ấn truyền thống của dân tộc.

“Những công trình như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Tòa nhà Ủy ban nhân dân Thành phố, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập,… vẫn được giữ gìn nguyên nét kiến trúc cổ kính giữa lòng phố thị hiện đại, vừa là chứng nhân lịch sử, vừa như những nhịp cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Chính sự song hành giữa sự phát triển và bảo tồn ấy đã làm nên một TP.HCM vừa hiện đại, năng động, vừa thấm đẫm hồn cốt dân tộc” ông Nhơn bày tỏ.

z6555871181852_08c7b41fafaf473f9083e1d58ea218d7.jpg
Bến Nhà Rồng, hình ảnh quen thuộc đã đi vào tâm thức người Việt Nam.

Người dân TP.HCM từ lâu đã ghi dấu ấn bởi sự hào sảng, phóng khoáng, mộc mạc, gần gũi, thân thiện và tinh thần luôn cầu tiến. Trong nhịp sống không ngừng đổi mới, người dân nơi đây vẫn không ngừng rèn luyện, học tập mỗi ngày để trở thành những công dân hiện đại, văn minh, vừa năng động trong lao động sản xuất, vừa ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

Chính tinh thần ấy đã tạo nên một TP.HCM không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, hạ tầng, mà còn ngày càng trở nên hấp dẫn bởi chiều sâu văn hóa và chất nhân văn thấm đẫm trong từng nhịp sống thường ngày. Một thành phố mà mỗi người dân đều là một "đại sứ" cho sự hiếu khách, thân thiện và khát vọng vươn tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Trong hành trình 50 năm qua, từ một địa phương với với nhiều khó khăn, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước và được ví như “đầu tàu kinh tế cả nước”. Những nỗ lực, thành quả và bài học kinh nghiệm của thành phố không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung mà còn tạo động lực mạnh mẽ để cùng cả nước tiếp tục hướng tới với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một tấm lòng chung tay phát triển thành phố

Góp phần chung vào sự phát triển của Thành phố, suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông Nguyễn Hữu Nhơn với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước, con người và đất nước, ông đã tận tâm đóng góp không mệt mỏi cho công tác từ thiện xã hội, các hoạt động định hướng về văn hóa - giáo dục đến thế hệ trẻ, tạo nên những dấu ấn sâu sắc trên hành trình "Tốt đời đẹp đạo".

anh-2-41-.jpg
Bà Võ Thị Dung - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - trao bằng khen của UBND thành phố cho ông Nguyễn Hữu Nhơn vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác xã hội nhân đạo giai đoạn 2015 - 2017.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Hữu Nhơn tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp kiến thiết và đóng góp vào sự phát triển của TP. HCM. Ông lần lượt đảm nhận nhiều trọng trách tại các cơ quan chủ chốt như: phụ trách Ban Quản lý Cải tạo Công Thương nghiệp Tư bản Tư doanh tại một số quận trên địa bàn thành phố; phụ trách quản lý vật tư, vật phẩm của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM; sau đó chuyển qua Liên Hiệp các Xí nghiệp Điện ảnh & Băng từ TP.HCM. Từng là đại biểu Hội đồng Nhân dân quận 1 nhiệm kỳ 2004–2011, ông luôn giữ vững tinh thần “lấy dân làm gốc”, gắn bó với từng bước chuyển mình của thành phố.

Bên cạnh đó, ông còn là nhà hoạt động xã hội giàu tâm huyết, không ngừng tìm kiếm giải pháp với mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững cho cộng đồng. Trong đạo sự nhiệm kỳ 2019 - 2024 với vai trò Chánh Hội trưởng Nam Thành Thánh thất quận 1, ông đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đóng góp phụng sự an sinh xã hội hơn 11 tỷ đồng với các hoạt động như: khám, phát thuốc miễn phí, trao tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật, cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai, trao học bổng cho học sinh, sinh viên (du học Nhật Bản) và Thiếu niên, thiếu nhi nghèo vượt khó được cắp sách đến trường…

3-1745650063.jpg
Ông Nguyễn Hữu Nhơn luôn quan niệm "Sống là để thương yêu, trao tặng và sẻ chia thì mọi người đều được hạnh phúc, trong đó luôn có mình”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông tự hào vì đã lớn lên cùng thành phố, được chứng kiến và góp phần vào sự thay đổi không ngừng của Sài Gòn - TP. HCM. Với lòng nhiệt huyết cống hiến và phụng sự xã hội, nhưng ông Nguyễn Hữu Nhơn vẫn chứng minh rằng tuổi tác không phải là rào cản trong công việc phục vụ an sinh xã hội mà chính hất lượng công việc và lòng nhiệt huyết mới là yếu tố quyết định. Ở tuổi 75, hằng ngày, ông vẫn miệt mài làm việc và không ngừng cống hiến, phụng sự cho cộng đồng.

“Với tinh thần lạc quan, năng lượng tích cực, tôi không hề ngại khó khăn, vất vả và vẫn luôn kiên định giống như suốt hành trình từ 50 năm qua, tôi vẫn sẽ dâng hiến hết sức mình để phụng sự cho đồng bào, đồng đạo và Tổ quốc của mình trong đó có TP.HCM” - ông Nhơn bày tỏ.

Trúc Nhã