Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM: "Báo chí TP.HCM - 50 năm đồng hành cùng thành phố, phát triển đất nước"
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, báo chí TP.HCM đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình đồng hành cùng thành phố và cả nước phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày 30/4/1975 - 30/4/2025, Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua của báo chí thành phố.

Thưa ông, năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm thống nhất đất nước. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí TP.HCM trong suốt chặng đường lịch sử ấy?
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: Kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, báo chí TP.HCM đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phản ánh hiện thực xã hội, ghi dấu lịch sử và đồng hành cùng quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước, báo chí TP.HCM không chỉ là người đưa tin, mà còn là "ngọn lửa" thắp sáng tinh thần yêu nước, cổ vũ những giá trị tiến bộ và thúc đẩy công cuộc đổi mới qua từng thời kỳ.
Giai đoạn 1975-1985: Tuyên truyền và tái thiết đất nước
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, báo chí TP.HCM đã nhanh chóng trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả, truyền tải thông điệp về hòa bình, đoàn kết dân tộc và tái thiết sau chiến tranh. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều khó khăn, báo chí vừa cung cấp thông tin, vừa là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần định hướng tư tưởng, động viên tinh thần và cổ vũ người dân tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, báo chí đã phản ánh chân thực đời sống người dân, ghi lại những nỗ lực, hy sinh của cả hệ thống chính trị trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, khơi dậy niềm tin vào tương lai đất nước.
Giai đoạn 1986-2000: Báo chí đồng hành cùng công cuộc đổi mới
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, báo chí TP.HCM thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong phản ánh những chuyển biến về kinh tế - xã hội. Nhiều tờ báo mới ra đời, không chỉ cung cấp thông tin, mà còn mạnh dạn thể hiện tiếng nói phản biện mang tính xây dựng.
Báo chí thành phố trở thành diễn đàn thảo luận cởi mở về các vấn đề nóng như cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị... góp phần nâng cao nhận thức xã hội, phản ánh những bất cập trong quản lý nhà nước và thúc đẩy quá trình cải cách mạnh mẽ hơn. Đây là giai đoạn báo chí dần vượt ra khỏi khuôn khổ tuyên truyền, tiến tới khẳng định vai trò giám sát, phản biện và đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước.
Từ năm 2000 đến nay: Kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi số
Bước sang thế kỷ 21, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí TP.HCM nhanh chóng thích ứng với xu thế chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí đã phát triển mạnh mẽ trên nền tảng điện tử, mạng xã hội, mang đến thông tin nhanh, đa chiều, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Không chỉ phản ánh nhịp sống sôi động của thành phố, báo chí TP.HCM còn góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các bài viết về kinh tế số, chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch... Đồng thời, báo chí thành phố cũng đóng vai trò định hướng dư luận trước các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chủ quyền quốc gia.
Theo ông, những thành tựu nổi bật nào của báo chí TP.HCM trong 50 năm qua là đáng ghi nhận nhất?
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: Có thể nói, trong 50 năm qua, báo chí TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, báo chí là kênh thông tin chủ lực, cung cấp nhanh chóng, chính xác các diễn biến chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận xã hội và gắn kết chính quyền với nhân dân.
Thứ hai, báo chí TP.HCM là nơi phản ánh đa dạng đời sống xã hội, từ thành tựu phát triển đến những bất cập, bức xúc trong dân sinh. Báo chí trở thành diễn đàn để người dân bày tỏ ý kiến, tham gia giám sát và đóng góp xây dựng chính quyền.
Thứ ba, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, phản ánh qua báo chí, góp phần củng cố kỷ cương xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, báo chí cũng là cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu các tiềm năng đầu tư, văn hoá, du lịch, góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, báo chí TP.HCM đang đối mặt với những thách thức nào và cần làm gì để vượt qua?
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng cũng mang theo nhiều thách thức lớn. Áp lực cạnh tranh thông tin, tốc độ truyền tải, mô hình kinh doanh báo chí thay đổi… đang đặt các cơ quan báo chí trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện.
Hiện nay, nhiều tờ báo lớn tại TP.HCM đã chủ động chuyển đổi sang nền tảng số, tích cực tận dụng công nghệ, mạng xã hội để lan tỏa thông tin nhanh, hiệu quả. Hội Nhà báo TP.HCM cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải giữ được chất lượng nội dung và đạo đức nghề nghiệp. Trong thời đại số, thông tin rất nhiều nhưng cái thiếu vẫn là thông tin tin cậy. Báo chí không chỉ cần nhanh, mà còn phải chính xác, chuẩn mực và nhân văn.
Ngoài ra, duy trì nguồn lực tài chính trong giai đoạn hiện nay cũng là bài toán không dễ. Nhưng tôi tin rằng với truyền thống năng động, sáng tạo, báo chí TP.HCM sẽ tiếp tục vượt qua và phát triển.
Để tiếp tục phát triển, báo chí TP.HCM cần làm gì để đóng góp vào sự nghiệp chung của thành phố và đất nước?
Nhà báo Nguyễn Tấn Phong: TP.HCM là địa phương có đời sống báo chí phong phú, sôi động bậc nhất cả nước. Qua nhiều giai đoạn, báo chí thành phố luôn phát huy vai trò vừa là kênh thông tin, tuyên truyền, vừa là diễn đàn phản biện, đóng góp xây dựng chính quyền và xã hội.
Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tôi tin rằng báo chí TP.HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, lan tỏa những giá trị tích cực, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, hiện đại, nhân văn.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!