Y học

Tự hào sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan

Võ Liên (thực hiện) 29/04/2025 - 17:18

Trở về Việt Nam hồi tháng 9/2024, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 - tiếp tục sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan khi quyết định tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 7, dự kiến sẽ lên đường vào tháng 9/2025.

Những người lính không trực tiếp cầm súng nhưng họ vẫn có một cách riêng để gìn giữ hòa bình. Đó là các chiến sĩ “mũ nồi xanh” tham gia thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan với thương hiệu bệnh viện dã chiến.

chi-nguyen-thi-thanh-hang-dai-uy-quan-nhan-chuyen-nghiep.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5

Trò chuyện với Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự Y học nhân dịp chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp từng đảm nhận vị trí kỹ thuật viên phục hồi chức năng thuộc khoa Nội - Truyền nhiễm, Tổ trưởng Hội Phụ nữ của Bệnh viện dã chiến 2.5 - chia sẻ về niềm tự hào khi tiếp tục tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.

Góp phần tạo nên những “điểm nhấn” đặc biệt

Từng tham gia Bệnh viện dã chiến 2.5, điều gì khiến chị trăn trở và tiếp tục muốn quay lại với vùng đất này để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ?

- Tôi vẫn còn nhiều kế hoạch ấp ủ, chưa kịp hoàn thiện khi trở về từ Bệnh viện dã chiến 2.5 nên khi được tham gia đợt triển khai Bệnh viện dã chiến 2.7, tôi xem đây là cơ hội để tiếp tục thực hiện những điều còn dang dở.

Ở Bệnh viện dã chiến 2.5, tôi đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Hội Phụ nữ của Bệnh viện dã chiến. Trước khi lên đường, tôi chưa hình dung được cụ thể về môi trường và các hoạt động nên chưa thể chuẩn bị chu đáo cho các chương trình kéo dài trong hơn một năm công tác. Nhưng khi đã đặt chân đến Nam Sudan, tôi nhận ra còn rất nhiều hoạt động ý nghĩa có thể triển khai, đặc biệt là lan tỏa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

nam-sudan-1.jpg
Các nhân viên của Bệnh viện dã chiến 2.5 mặc trang phục truyền thống giao lưu với các phái đoàn nước bạn

Chẳng hạn, trong lần tham gia vào Bệnh viện dã chiến 2.5, tôi và đồng nghiệp đã giới thiệu trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba trong các sự kiện lớn như hội nghị, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc rất thích thú và trân trọng nét văn hóa này. Chúng tôi còn tự tay làm một số món ăn Việt như bánh da lợn, bánh tiêu, bánh cam để mời bạn bè quốc tế – tất cả đều do các thành viên trong tổ phụ nữ thực hiện. Những hoạt động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa gắn kết rất lớn.

Còn trong nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân, chắc hẳn lần tham gia bệnh viện dã chiến 2.5 trước cũng cho chị nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm khó quên?

- Trước đó, tại Bệnh viện Quân y 175, tôi đảm nhiệm vị trí điều dưỡng viên của khoa Hồi sức ngoại. Khi tham gia vào lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2, nhiệm vụ của tôi có phần khác so với chuyên môn là kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Tuy nhiên, Ban Giám đốc và lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện để tôi được đào tạo, bồi dưỡng thêm kiến thức ở nhiều chuyên khoa lâm sàng, đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý trị liệu cũng như được tiếp cận, sử dụng thành thạo các loại máy móc và kỹ thuật liên quan.

nam-sudan-2.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (bìa phải) đang trực tiếp tư vấn sức khỏe cho cán bộ nữ thuộc đơn vị cảnh sát Ghana (Ghana FPU) tại phái bộ UNMISS, phân khu Bentiu, Nam Sudan

Tham gia bệnh viện dã chiến, đây cũng là lần đầu tiên bản thân sử dụng tiếng Anh trong môi trường y tế quốc tế. Ban đầu, tôi khá lo lắng vì cách sử dụng tiếng Anh của các nước khác nhau, không giống như ở Việt Nam, đặc biệt là trong giao tiếp y khoa, tôi sợ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng sau 1-2 tuần làm quen, bản thân tôi dần tự tin hơn và thích nghi tốt hơn.

Tại đây, bệnh phổ biến ở các bệnh nhân thường là thoát vị đĩa đệm, đau thắt lưng, cổ vai gáy phần lớn do đặc thù công việc như cảnh sát tuần tra, lái xe đường dài hay nhân viên bếp phải khuân vác nhiều. Rất may, Bệnh viện dã chiến 2.5 được trang bị nhiều thiết bị, máy móc hiện đại như sóng ngắn, điện xung, điện châm... Bản thân chúng tôi đã tận dụng tối đa các máy móc, trang thiết bị ở phòng vật lý trị liệu để điều trị cho bệnh nhân.

Có thể nói, vật lý trị liệu đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của Bệnh viện dã chiến 2.5. Trong suốt nhiệm kỳ, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 563 ca vật lý trị liệu/2.374 ca bệnh mà bệnh viện đã thu dung khám và điều trị.

Phòng vật lý trị liệu tại đơn vị được đánh giá là một trong những “điểm nhấn” của bệnh viện, để lại ấn tượng tốt với các đoàn đến tham quan và kiểm tra. Không chỉ bởi máy móc mà còn nhờ không gian thư giãn đặc biệt, luôn có hương tinh dầu nhẹ nhàng, âm nhạc không lời như tiếng mưa, tiếng nước, tiếng sáo. Điều này giúp bệnh nhân vừa trị liệu vừa thư thái, dễ chịu.

Nhiều bạn bè quốc tế sau đó đã hỏi tôi về mùi hương, nhạc nền, thậm chí xin địa chỉ để tìm mua. Những điều nhỏ ấy khiến khoảng cách giữa nhân viên y tế và bệnh nhân trở nên gần gũi, ấm áp hơn như những người bạn thân thiết.

Ngoài ra, đơn vị đã điều trị thành công (phẫu thuật mở để thám sát, khâu nối mạch máu và thần kinh) để bảo toàn cánh tay cho một công binh người Pakistan bị thương nghiêm trọng ở vùng cẳng tay. Điều đó thể hiện trình độ chuyên môn, năng lực phẫu thuật và trang thiết bị hiện đại của đơn vị có thể xử lý các tình huống phức tạp.

Hết lòng trong những công tác thiện nguyện

Ngoài công tác khám chữa bệnh, các hoạt động thiện nguyện tại Nam Sudan đã được triển khai như thế nào, thưa chị?

- Chuyến thiện nguyện đầu tiên tôi tham gia là đến một khu vực gọi là “vườn xoài”, nằm gần thị trấn Bentiu. Ấn tượng không bao giờ quên là hình ảnh trẻ em không có quần áo để mặc, cơ thể gầy gò, ốm yếu vì thiếu ăn. Kinh tế của người dân ở đây rất khó khăn, phần lớn sống trong những túp lều tạm bợ, không có nhà cửa kiên cố, thức ăn cũng không đủ đầy.

Trong buổi thiện nguyện đó, tôi cùng các anh chị em trong đoàn đã chuẩn bị những phần trà sữa, trà hoa cúc để tặng cho các em nhỏ, tuy đơn giản nhưng mang đến sự ấm áp và niềm vui nho nhỏ giữa cuộc sống thiếu thốn. Đoàn còn tổ chức thêm một vài hoạt động vui chơi, có cả chú hề biểu diễn để tạo tiếng cười cho các em.

Một hoạt động khác khiến tôi rất nhớ là chương trình khám sức khỏe cho phụ nữ vào dịp đặc biệt. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Bệnh viện dã chiến 2.5 đã thực hiện chương trình khám bệnh thiện nguyện dành cho phụ nữ và trẻ em gái là người dân địa phương ở thị trấn Bentiu, bang Unity, Nam Sudan.

cac-dai-bieu-chup.jpg
Các đại biểu từ các bệnh viện tham dự Hội thảo về một số bệnh lý thường gặp với các bệnh viện tại Bentiu, Nam Sudan do Bệnh viện dã chiến 2.5 tổ chức

Chương trình đã triển khai gói thăm khám bao gồm khám sức khỏe tổng quát kèm khám phụ khoa cho khoảng 50 phụ nữ địa phương. Các y, bác sĩ đã siêu âm tổng quát, siêu âm sản khoa, tư vấn sức khỏe sinh sản, tư vấn cách phát hiện sớm những bất thường và bệnh lý phụ khoa thường gặp, đặc biệt là hướng dẫn cách chăm sóc và vệ sinh phụ khoa đúng cách cho chị em. Trong quá trình tầm soát, chúng tôi đã phát hiện nhiều bệnh lý mà chính người bệnh không biết, giúp người bệnh có nhiều thông tin về bệnh lý của mình, hướng và cách xử trí tiếp theo.

Luôn cảm thấy tự hào và vinh dự

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn lớn nhất đối với chị khi tham gia nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến là gì?

- Có lẽ điều đầu tiên là thời tiết khắc nghiệt. Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, tôi mất một khoảng thời gian mới có thể thích nghi. Thêm vào đó, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là thử thách lớn. Khi mang nước về đơn vị, chúng tôi phải lọc qua máy rồi đun sôi lại trước khi uống chứ không sử dụng nước thô trực tiếp.

Một khó khăn nữa là vấn đề thực phẩm. Hầu hết các loại thực phẩm đều ở dạng đông lạnh, rau củ tươi thì rất ít và khó bảo quản. Anh em trong đơn vị đã cùng nhau khai hoang, cải tạo đất để trồng rau. Chỉ sau khoảng 2-3 tháng, chúng tôi bắt đầu có thể tự thu hoạch rau củ như rau cải, mồng tơi… giúp cải thiện đáng kể chất lượng bữa ăn, đặc biệt là bổ sung rau xanh – một thứ quý hiếm ở nơi này.

Khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, chị mong muốn điều gì?

- Điều đầu tiên tôi mong muốn là có thể đem toàn bộ kiến thức, chuyên môn của bản thân để góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng y tế cho người dân tại nơi mình công tác. Dù trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng chỉ cần có cơ hội giúp đỡ, dù nhỏ thì bản thân luôn sẵn sàng cống hiến.

Thứ hai, tôi rất mong muốn được giao lưu văn hóa, giới thiệu về hình ảnh con người và truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tại Bệnh viện dã chiến cấp 2.5, vào những dịp lễ đặc biệt như Tết Trung thu, đoàn thanh niên và tổ phụ nữ đã cùng nhau tổ chức những chương trình giao lưu như “Đêm hội trăng rằm”, đốt lửa trại, cùng làm các món truyền thống như bánh trung thu, bánh da lợn, chè, nước ngọt… Tôi rất vui khi các bạn quốc tế không chỉ tham dự đông đủ mà còn rất hào hứng, thích thú với văn hóa Việt Nam.

Khoảnh khắc khiến tôi nhớ mãi, đó là lần ăn bánh trung thu ở Nam Sudan. Tôi không nghĩ rằng giữa một vùng đất khắc nghiệt như thế, lại có thể cảm nhận được không khí Trung thu đậm đà bản sắc quê hương. Dù nguyên liệu không đầy đủ, mọi thứ đều tận dụng từ những gì có sẵn, nhưng chiếc bánh đó đối với tôi là chiếc bánh trung thu ngon nhất từ trước đến nay. Bởi nó được làm bằng tấm lòng, sự đoàn kết và nỗi nhớ quê hương của cả tập thể.

Chị có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi tham gia Bệnh viện dã chiến?

Khi được tham gia Bệnh viện dã chiến 2.5, bản thân tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế với vai trò người lính, nữ quân nhân Việt Nam để hỗ trợ về y tế cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong phái bộ của Liên Hiệp Quốc dù phải xa Tổ quốc, xa gia đình.

Những hoạt động thiện nguyện tuy nhỏ bé nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là sự sẻ chia về vật chất mà còn là cầu nối truyền tải kiến thức và tình cảm đến với người dân nơi đây. Đối với tôi, đó là những ký ức đẹp, là động lực để tiếp tục quay trở lại và cống hiến nhiều hơn nữa.

Nguyễn Thị Thanh Hằng - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp, Bệnh viện dã chiến 2.5

Xin cảm ơn chị!

Nam Sudan là đất nước nằm ở Đông Phi, tách ra khỏi Sudan sau nhiều năm nội chiến, là một trong những quốc gia nghèo của thế giới, phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ các nước phát triển. Cuộc sống chủ yếu gắn liền với nông nghiệp và chăn nuôi. Hiện nay, quốc gia này có khoảng 12 triệu dân, với hơn 200 bộ tộc khác nhau.

Khí hậu Nam Sudan rất khô nóng, có mùa mưa kéo dài gây lụt lội, ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển, vận chuyển và cung ứng hậu cần. Các bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết cũng là mối nguy hiểm. Hệ thống giáo dục và y tế nơi đây cũng còn rất hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém cản trở sự phát triển kinh tế.

Bệnh viện đã thu dung, khám và điều trị được 2.374 ca bệnh

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Nam Sudan với hơn 800 lượt sĩ quan, chiến sĩ Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân, được Liên hiệp quốc, Chính phủ Nam Sudan và các cộng đồng dân cư địa phương đánh giá cao.

Trong đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2.5 có 63 cán bộ, nhân viên (bao gồm 26 sĩ quan và 27 quân nhân chuyên nghiệp) thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan từ ngày 6/7/2023 đến 10/10/2024.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, bệnh viện đã thu dung, khám và điều trị được 2.374 ca bệnh, với số người bệnh điều trị ngoại trú: 2295 ca; điều trị nội trú: 79 ca; tổ chức vận chuyển đường không lên tuyến trên 15 ca; phẫu thuật thành công 27 ca; vật lý trị liệu cho 563 ca.

Bệnh viện dã chiến 2.5 đã cấp cứu và xử trí thành công nhiều ca bệnh nội khoa nặng như: sốc phản vệ, sốt rét ác tính, các tổn thương vết thương do tai nạn phức tạp cho các quân nhân của các nước cử quân công tác tại Phái bộ.

Bên cạnh đó, các y bác sĩ của Việt Nam còn tổ chức huấn luyện y tế cho các đơn vị trên địa bàn trong chương trình huấn luyện của Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Bentiu; phối hợp tốt với các cơ quan của Phái bộ trong điều phối quân dân sự, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của Phái bộ, người dân và chính quyền sở tại.

Trong nhiệm kỳ một năm tại phái bộ, các cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến 2.5 đã tạo được dấu ấn tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế về hình ảnh một đất nước con người Việt Nam thân thiện, tươi đẹp.

Giữ vững 3 chữ quyết

Trong đợt chuẩn bị lần này, thời gian tập trung ngắn hơn so với các bệnh viện dã chiến trước đây. Cụ thể, từ tháng 2/2025, đơn vị bắt đầu tập trung, đến tháng 9 sẽ lên đường làm nhiệm vụ. Do thời gian gấp rút, nhiều nội dung huấn luyện cần được triển khai khẩn trương và hiệu quả từ công tác huấn luyện về chuyên môn y tế cho đến công tác hậu cần. Thời gian luyện tập kéo dài, bao gồm cả các ngày cuối tuần, đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ và tinh thần trách nhiệm rất cao từ toàn đơn vị.

bac-si-nguyen-duc-tai.jpg
Bác sĩ Trần Đức Tài - Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.7 (bìa trái) và chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - Đại úy quân nhân chuyên nghiệp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5.

Ngoài vai trò gìn giữ hòa bình, lực lượng tham gia còn là những sứ giả hình ảnh đất nước, góp phần quảng bá bản sắc, văn hóa và tinh thần dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Thời gian tới, tôi mong muốn các cán bộ, nhân viên giữ vững “3 chữ quyết”, bao gồm: Quyết tâm là phải nuôi dưỡng tinh thần quyết tâm cao độ, ý chí độc lập, rèn luyện ngoại ngữ tốt để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế với chất lượng cao nhất. Quyết kỷ là mỗi cá nhân cần tự giác chấp hành nội quy, nêu cao tinh thần kỷ luật trong mọi hoàn cảnh. Quyết bảo toàn là quyết đi đủ và về đủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn đơn vị cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, sự đoàn kết giữa cán bộ, nhân viên của bệnh viện sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp vượt mọi khó khăn.

Bác sĩ Trần Đức Tài - Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.7

Võ Liên (thực hiện)