Đời sống

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: “Phát triển đừng quên nguồn cội”

Đức Bình - Trúc Nhã 30/04/2025 05:36

Sau 50 năm thống nhất đất nước, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa mong muốn những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã vun đắp cần được các thế hệ sau nối tiếp, phát huy, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong không khí hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông có dịp gặp gỡ nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa – Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”. Trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ nhắn, dung dị nhưng là chứng nhân sống động của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng trải qua 11 năm bị giam cầm nơi ngục tù – một thời hoa lửa, gian truân nhưng rực sáng lý tưởng.

anh-1.jpg
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đọc Tạp chí Khoa học phổ thông.

“Ngày chiến thắng, không biết mình còn hay không”

Bà Trương Mỹ Hoa sinh năm 1945 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Cha bà hoạt động bí mật và tập kết ra Bắc năm 1954. Mẹ bà – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tư (má Sáu Hòa) – một mình nuôi dạy sáu người con, các con bà đều là những chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Ở tuổi 15, bà Mỹ Hoa đã tham gia phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. “Cuộc đời tôi đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên, được hun đúc từ truyền thống gia đình, từng bước hình thành nhận thức, rồi khi gặp điều kiện thì dấn thân”, bà Mỹ Hoa kể.

Tháng 4/1964, trong đợt tuyên truyền đột xuất chống lệnh tổng động viên đưa thanh niên miền Nam vào lính của chính quyền Nguyễn Khánh, bà bị bắt và giam giữ suốt 11 năm. Trong đó, gần bốn năm bị đày ra Côn Đảo, giam tại “chuồng cọp” khét tiếng. Dù kẻ thù dùng đủ cách tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần, bà và các đồng chí vẫn một lòng kiên định lý tưởng.

“Kẻ thù có thể thả tôi bất cứ lúc nào nếu tôi chịu chào cờ ngụy, đả đảo cộng sản hay lãnh tụ. Nhưng chúng tôi tuyệt đối tin vào cách mạng, vào Đảng, vào Bác Hồ, vào nhân dân – lòng tin đó là thứ giúp chúng tôi giữ vững khí tiết”, bà kể lại.

Xác định “ngày chiến thắng chưa chắc mình còn sống để thấy”, bà sẵn sàng hy sinh mọi thứ – kể cả mạng sống, chứ không để bị mua chuộc bởi những lợi ích vật chất phù phiếm.

“Thời gian trong tù là dấu ấn sâu đậm nhất đời tôi. Cả thanh xuân nằm sau song sắt, nhưng tôi không hối tiếc. Đó là nơi tôi trui rèn trong gian khổ, là nơi tôi chiến đấu để giữ gìn lý tưởng cách mạng, bảo vệ lập trường người cộng sản”, bà chia sẻ.

anh-2.jpg
Bà Trương Mỹ Hoa trong chuyến tham quan Bảo tàng Côn Đảo vào tháng 9/2024.

Yêu thương - lẽ sống trong ngục tù

Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần bà Trương Mỹ Hoa rưng rưng nước mắt khi nhắc về đồng đội – những người đã cùng nhau chia sẻ khó khăn, thậm chí giành phần gian khổ về mình. Những người trẻ xông lên hứng đòn roi để che chắn cho người già, người bệnh.

Chính sách “tù trị tù” tại Côn Đảo – một chiêu bài man rợ của địch – càng khiến bà và đồng đội phải gồng mình đối mặt. Khi Hiệp định Paris được ký năm 1973, địch chỉ công nhận hơn 5.000 tù nhân chính trị. Những người còn lại bị ép lăn tay, chụp ảnh để “hô biến” thành tù hình sự.

Để đối phó, các tù nhân như bà Hoa ngâm tay trong nước, mài xuống nền xi măng cho mòn vân tay, hoặc nhắm mắt, há miệng khi bị chụp hình để tránh bị lập hồ sơ giả. Cuộc đấu tranh “chống lăn tay, chụp hình” giành được thắng lợi, dù nhiều người bị tra tấn dã man.

Ngày 7/3/1975, bà Trương Mỹ Hoa được trả tự do vô điều kiện. Vài tuần sau, chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.

“Đó cũng là ngày gia đình tôi đoàn tụ sau 21 năm xa cách. Trong 6 chị em, có 4 người cùng ba má từng vào tù ra khám. Được sống nguyên vẹn trong ngày hòa bình là điều quá đỗi kỳ diệu, quá may mắn và hạnh phúc so với nhiều gia đình mất mát hi sinh thậm chí đến nay chưa tìm được hài cốt”, bà nghẹn ngào.

Từ nhà tù đến trường đời

Nói về những năm tháng tù đày, bà Mỹ Hoa khẳng định đó chính là “trường đại học” giúp mình trưởng thành. Tình đồng đội trong tù trở thành tình thân, nơi con người sẻ chia nhau từng giọt nước, viên thuốc, miếng ăn, từng nỗi đau, từng trận đòn roi,... Những người trẻ giành phần khó khăn về mình để bảo vệ người già, người bệnh. Sự hy sinh thầm lặng ấy trở thành chất keo kết nối niềm tin, lý tưởng và lòng nhân ái.

“Dù xuất thân từ những miền quê khác nhau, chúng tôi đã yêu thương nhau như ruột thịt. Tinh thần ấy giúp tôi giữ vững lập trường, bảo vệ khí tiết của người cộng sản, bất chấp gian khổ” - bà Mỹ Hoa xúc động kể.

Những gì trải qua nơi lao tù đã hun đúc một Trương Mỹ Hoa kiên cường, bản lĩnh – một phẩm chất được thể hiện rõ suốt chặng đường bà đảm trách nhiều cương vị quan trọng sau ngày đất nước thống nhất: từ lãnh đạo phường, lãnh đạo Quận tại TP.HCM, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ, rồi giữ cương vị Phó Chủ tịch nước giai đoạn 2002 – 2007.

z6536409067408_5a75643eebf56ea18a323f074a0d1f56.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ trao bảng vinh danh cho bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó chủ tịch nước tại buổi tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM

Chọn cống hiến, không chọn nghỉ ngơi

Năm 2007, nghỉ hưu ở tuổi 62, bà Trương Mỹ Hoa không chọn dừng lại. Bà dành toàn bộ tâm huyết để chăm lo cho trẻ em nghèo, đặc biệt là con em vùng cao, hải đảo thông qua Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ (CLB) “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”.

Với vai trò Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính và Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, bà rong ruổi khắp miền biên giới, hải đảo để hỗ trợ học sinh nghèo, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

“Không ai phân công, nhưng tôi tự nguyện. Tôi chọn ‘cõng chữ lên non’, ‘chở chữ ra biển’ để tiếp tục hành trình góp phần vun bồi nhân lực cho đất nước. Đó là sự nghiệp tôi theo đuổi bằng tất cả tâm huyết” - bà Trương Mỹ Hoa tâm tình.

Sau 26 năm hoạt động, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã trao hơn 150.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, con cán bộ chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng và ngư dân. Hằng năm, Quỹ cấp khoảng 8.000 suất học bổng, đồng thời triển khai các dự án chiều sâu điển hình như “Ươm mầm tương lai”, đã đưa hơn 700 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về TP.HCM học tập từ lớp 6 đến lớp 12 và dự án hỗ trợ sinh viên cho các em tiếp tục học. Tổng cộng dự án đầu tư chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho vùng “phên dậu” của Tổ quốc đến nay là hơn 1.700 em.

anh-5.jpg
Qua 26 năm hoạt động, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã có hơn 150.000 suất học bổng được trao đến các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, con của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp.

Tôi rất xúc động khi nhiều em học sinh giỏi, sau này quay về phục vụ nơi bản làng, biển đảo quê hương. Đó là món quà lớn nhất đối với tôi – lời cảm ơn không lời từ các em nhỏ”

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” cũng là một tâm huyết lớn của bà. Năm 2010, khi ra thăm đảo Trường Sa lớn, bà xót xa trước hoàn cảnh học sinh thiếu thốn đủ bề.

“Tôi thấy các cháu học trong phòng tạm, thiếu đủ thứ. Về đất liền, tôi bắt tay kêu gọi xây trường học. Chưa đầy 3 năm, trường tiểu học Trường Sa Lớn và trường trên đảo Sinh Tồn đã được xây xong, mang lại không gian học tập tử tế cho các cháu giữa trùng khơi” - bà nhớ lại chuyến đi Trường Sa đầu tiên vào năm 2010.

Sau đó, nhờ nỗ lực vận động, Trường Tiểu học Trường Sa lớn được xây dựng vào năm 2013, rồi đến trường ở đảo Sinh Tồn vào năm 2014. Đến tháng 8/2014, CLB “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” chính thức ra đời với sứ mệnh kết nối đất liền với biển đảo. Hiện CLB có gần 180 tổ chức và hơn 5.000 hội viên cá nhân tham gia.

anh-7.jpg
Bà Trương Mỹ Hoa trong ngày khánh thành Trường Tiểu học trên đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa vào năm 2014.

Phát triển không quên nguồn cội

Ở tuổi 80, bà Trương Mỹ Hoa vẫn không ngừng làm việc. Điều khiến bà hạnh phúc nhất không phải là danh hiệu hay chức vụ, mà là những lá thư viết tay, những câu chuyện từ học sinh cũ quay về đảo, về bản làng, trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ – góp phần dựng xây quê hương.

“Các cháu nói, con đi học là để trở về. Với tôi, đó là món quà lớn nhất thay cho mọi lời cảm ơn” - bà nói, ánh mắt ngời lên niềm tin.

Gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay, bà Trương Mỹ Hoa nhấn mạnh: “Thanh niên phải biết ơn và hiểu về nguồn cội, trân trọng những gì các thế hệ đi trước đã đổ máu, đổ mồ hôi gây dựng. Từ đó nuôi dưỡng khát vọng, lý tưởng, sống có trách nhiệm, có hoài bão để vươn ra thế giới, đưa đất nước sánh vai với cường quốc năm châu”…!

Đức Bình - Trúc Nhã