Đời sống

Binh vận - mặt trận không tiếng súng làm tan rã kẻ thù từ bên trong

ĐỨC BÌNH - TRÚC NHÃ 30/04/2025 06:35

Một phần của thế trận “ba mũi giáp công”, binh vận là nghệ thuật cảm hóa và đấu tranh trong lòng địch, góp phần quan trọng đưa đến đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác binh vận được xác định là một trong ba mũi giáp công chiến lược, cùng với chính trị và quân sự, tạo thành thế trận vững chắc làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng từ trung ương đến cơ sở, lực lượng binh vận đã âm thầm, bền bỉ len lỏi vào lòng địch, đánh vào tư tưởng, phá vỡ thế trận tâm lý và tổ chức của kẻ thù, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện từ những người từng làm công tác binh vận – những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng.

anh-1(1).jpg
Các đại biểu thuộc Câu lạc bộ truyền thống Kháng chiến Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam tham quan phòng truyền thống ngành binh vận tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam tỉnh Tây Ninh.

Đánh vào lòng người, gieo mầm chính nghĩa

“Binh vận là đánh vào lòng người”, ông Bùi Đức Tráng, nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, nay đã 75 tuổi, mở đầu câu chuyện như thế. “Nhiệm vụ của chúng tôi là vận động quần chúng, thuyết phục các gia đình có con em trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền quay về với cách mạng, cao hơn nữa là tổ chức binh biến, nổi dậy, tiêu diệt ác ôn, đem vũ khí trở về với nhân dân”.

Công tác binh vận thời kỳ ấy không chỉ dừng ở vận động tuyên truyền, mà còn là những chiến lược thâm nhập, cài cắm, tổ chức mạng lưới nội tuyến len lỏi vào tận cơ quan đầu não của địch. “Đội ngũ nội tuyến hoạt động đơn tuyến, tuyệt đối bí mật, chỉ liên lạc qua cán bộ mật giao với quy ước riêng biệt. Có thể nói, họ là những ‘quả bom nổ chậm’ trong lòng địch, khiến kẻ thù lo âu, mất phương hướng và không thể kiểm soát tình hình”, ông Tráng nhớ lại.

z6552605915741_a262443cce44dbf604c9e7165df044f2.jpg
Ông Bùi Đức Tráng - nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam.

Lặng lẽ lay chuyển lòng người

Những năm 1961–1965, khi Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” cùng quốc sách ấp chiến lược, công tác binh vận đạt cao trào trong ba mũi giáp công. Ở vùng nông thôn, binh vận kết hợp với đấu tranh chính trị và vũ trang, phá tan các cuộc bình định; ở đô thị, phối hợp với phong trào học sinh, sinh viên, trí thức phản đối chiến tranh. Mỗi chiến thắng trên mặt trận binh vận là một bước đẩy lùi âm mưu chia cắt lâu dài của đế quốc Mỹ.

Ông Nguyễn Trung Tiến, nguyên cán bộ binh vận tỉnh Bạc Liêu, xúc động kể lại: “Có những lần tiếp cận binh lính ngụy, tôi phải kiên trì trò chuyện trong nhiều tháng, thậm chí là năm. Có người ban đầu nghi ngờ, thù địch, nhưng dần dà họ nhận ra lý tưởng cách mạng, rồi bí mật quay súng, trở thành tai mắt quý giá cho ta”.

Ông Tiến kể thêm, trong những năm 1970–1971, khi địch xiết chặt kiểm soát, ông đã cảm hóa được 10 lính phòng vệ, xây dựng được 5 cơ sở mật cung cấp tin tức, tiếp tế đạn dược về căn cứ. “Mỗi lá thư chuyển đến tay người lính có tư tưởng tiến bộ là một lần chúng tôi đánh cược với sinh mạng của mình. Nhưng niềm tin vào chiến thắng luôn mạnh mẽ hơn mọi nỗi sợ”, ông chia sẻ.

Năm 1972, dưới sự chỉ đạo của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, các lực lượng binh vận phối hợp phá vỡ nhiều phòng tuyến địch, làm tan rã hơn 150.000 quân ngụy, gỡ 1.400 đồn bót, tiêu diệt hơn 2.000 tên ác ôn. 60.000 phòng vệ dân sự đào ngũ, trở về với nhân dân. Đây là giai đoạn công tác binh vận phối hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao sau Hiệp định Paris, góp phần buộc Mỹ rút quân, để lại chính quyền Sài Gòn ngày càng rệu rã, mất chỗ dựa.

anh-3.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào năm 1973.

Hợp lực trong mùa Xuân toàn thắng

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, binh vận giữ vai trò đặc biệt trong hiệp đồng tác chiến. Ban Binh vận Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo các cơ sở nội tuyến đánh vào mục tiêu trọng yếu, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương.

Một trong những chiến công gây chấn động là vụ Đại úy Nguyễn Thành Trung – cán bộ nội tuyến do Ban Binh vận cài vào – lái máy bay F5E ném bom Dinh Độc Lập, sau đó bắn phá kho xăng Nhà Bè ngày 8/4/1975, gây rúng động cả bộ máy chính quyền Sài Gòn.

Khắp nơi, các đội binh vận phát động quần chúng nổi dậy, binh lính ngụy buông súng, hàng loạt sĩ quan cao cấp bỏ ngũ. Khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975, không ít người trong căn cứ Ban Binh vận đã lặng người, bật khóc trong hạnh phúc.

“Tiếng ông Minh tuyên bố đầu hàng vang lên trên sóng phát thanh, chìm giữa tiếng reo hò rộn rã. Trong rừng căn cứ, đồng đội tôi ôm nhau mừng rỡ, súng nổ râm ran như pháo mừng. Với chúng tôi, binh vận – mặt trận âm thầm – đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình”, ông Bùi Đức Tráng bồi hồi.

anh-2(1).jpg
Ông Bùi Đức Tráng - nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam đọc hồi ký của mình về thời gian tham gia cách mạng.

Một di sản thầm lặng nhưng vĩ đại

Chỉ riêng Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, trong suốt 21 năm chiến đấu (1954–1975), đã có 145 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh; 376 người bị thương; hơn 200 cán bộ từng là tù chính trị; gần 1.000 gia đình cơ sở nội tuyến. Họ đã dấn thân vào lòng địch, sống giữa ranh giới mong manh của sự sống – cái chết, chỉ để truyền một niềm tin, lay động một con người, rồi góp phần xoay chuyển cả cục diện chiến tranh.

Sau giải phóng, Ban Binh vận hoàn thành sứ mệnh lịch sử, những người lính thầm lặng trở về đời thường. Nhưng ký ức binh vận – mặt trận không tiếng súng – vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, như một chương sử đầy bản lĩnh, trí tuệ và giàu tính nhân văn trong cuộc trường chinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

ĐỨC BÌNH - TRÚC NHÃ