Lan tỏa niềm tự hào dân tộc và tri ân trong sinh viên
Hòa trong không khí thiêng liêng của cả nước, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhiều trường đại học tại TP.HCM đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa, lan tỏa niềm tự hào dân tộc và tinh thần tri ân sâu sắc đến thế hệ cha anh.
Sinh viên IUH tự hào góp mặt trong ngày hội lớn của dân tộc
Tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM (IUH), hơn 600 sinh viên đã sôi nổi tham gia chuỗi sự kiện kỷ niệm, phối hợp cùng các sở, ban, ngành thành phố. Đặc biệt, 120 sinh viên IUH sẽ trình diễn các tiết mục nghệ thuật trong chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - Thành ủy TP.HCM tổ chức, diễn ra tối 27/4 tại Công viên bờ sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Bên cạnh đó, gần 500 sinh viên khác của IUH sẽ tham gia màn đồng diễn tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ trong đêm 30/4 – sự kiện văn hóa quy mô quốc gia, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Không chỉ tham gia các sự kiện lớn, sinh viên IUH còn lan tỏa tinh thần yêu nước ngay trong khuôn viên trường với những hoạt động sáng tạo. Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng được treo dọc từ sảnh nhà H đến khu nhà E; tại ký túc xá, mỗi ô cửa đều rực rỡ sắc đỏ của Tổ quốc, do sinh viên và nhân viên nhà trường cùng nhau thực hiện.
Ngoài ra, chương trình âm nhạc "IUH Sing & Share" với chủ đề "Hòa bình đẹp lắm, đúng không?" tổ chức tối 25/4 tại khuôn viên trường đã mang đến những giai điệu cách mạng hào hùng, kết nối cảm xúc giữa các thế hệ.

Sinh viên Lê Nguyễn Xuân An, năm 2 Khoa Ngoại ngữ, xúc động chia sẻ khi được khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, tham gia phục vụ công tác hậu cần và an ninh cho sự kiện trọng đại: "Đây là hoạt động em chủ động đăng ký qua đường link của Thành đoàn TP.HCM, bằng tất cả sự háo hức và lòng yêu nước chân thành. Mặc dù em không được xếp chung nhóm với các bạn cùng trường, nhưng chưa bao giờ em cảm thấy cô đơn. Bởi xung quanh em là hàng trăm, hàng ngàn tình nguyện viên khác – những người bạn mới, cùng nhau sát cánh trong tinh thần cống hiến, với một trái tim rực cháy vì Tổ quốc. Dẫu chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa đại dương lịch sử, nhưng nếu được góp phần vào bức tranh hào hùng của dân tộc, thì thanh xuân này – em đã sống một cách trọn vẹn và ý nghĩa nhất…".
Ngoài ra, không khí lễ hội không chỉ diễn ra trong các hoạt động quy mô lớn mà còn lan tỏa đầy sáng tạo tại khuôn viên IUH. Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng được trang trí rực rỡ từ sảnh nhà H đến khu nhà E. Đặc biệt, tại Ký túc xá sinh viên, mỗi ô cửa trở thành một điểm nhấn khi được khoác lên màu cờ tổ quốc, tạo nên một bức tranh rực rỡ, đầy tự hào.
Ý tưởng độc đáo này đến từ anh Hà Hữu Tài – Nhân viên Trung tâm Thông tin Truyền thông IUH, người đã cùng sinh viên triển khai và lan tỏa tinh thần yêu nước qua từng chi tiết nhỏ. Anh Tài chia sẻ: “50 năm là một dấu mốc lịch sử vô cùng ý nghĩa – không phải ai cũng có cơ hội được chứng kiến trong đời. Tôi đã cùng các bạn sinh viên tại Ký túc xá lên ý tưởng, cùng nhau thực hiện với tất cả sự nhiệt huyết và tinh thần tự hào dân tộc. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là hình ảnh ấy đã được lan tỏa, chạm đến trái tim nhiều người”.
Trường ĐH Luật TP.HCM: Lễ chào cờ trang trọng và gặp gỡ nhân chứng lịch sử
Ngày 28/4/2025, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Lễ Chào cờ đặc biệt tại cả hai cơ sở Nguyễn Tất Thành (Quận 4) và Bình Triệu (TP. Thủ Đức), với sự tham dự của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các cán bộ, giảng viên và hơn 300 sinh viên.

Đây là hoạt động thường kỳ của nhà trường, nhưng lần này mang ý nghĩa đặc biệt, nhằm chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, hân hoan, thấm đẫm lòng tự hào dân tộc.
Theo TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng nhà trường, lễ chào cờ là một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, bên cạnh các chương trình như: dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, liên hoan ca khúc cách mạng, trang trí đường cờ Tổ quốc trong khuôn viên trường.
Sinh viên Hứa Vĩ Dạ Thảo (năm 3, ngành Luật Thương mại quốc tế) bày tỏ: "Buổi lễ không chỉ là một nghi thức mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm tiếp nối, xây dựng đất nước ngày càng phát triển…".
Trước đó, ngày 18/4/2025, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Câu lạc bộ Giữ lửa truyền thống 22/12/1944 và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Chương trình thu hút đông đảo nhân chứng lịch sử và sinh viên tham dự.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhân chứng lịch sử đã mang đến những câu chuyện xúc động. Trong đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, từng chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên ác liệt, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh trên cương vị Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, chia sẻ về những tháng ngày chiến đấu gian khổ, và niềm tự hào khôn nguôi khi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông cũng từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, bảo vệ biên cương Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Kế Lâm, nguyên Hiệu trưởng Học viện Hải quân, người lính hải quân quả cảm, kể về vai trò quan trọng của Hải quân Việt Nam trong những chiến dịch cuối cùng giải phóng miền Nam, đặc biệt trong hành trình giải phóng các đảo.
Phi công Trần Văn On, thành viên Phi đội Quyết Thắng, người thực hiện trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, chia sẻ về cơ duyên trở thành phi công cách mạng và những cảm xúc khó quên trong khoảnh khắc góp phần vào sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Đại úy Hồ Duy Hùng, chiến sĩ quân báo Sài Gòn – Gia Định, cũng là phi công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, kể lại câu chuyện tham gia chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa sau giải phóng, cùng những kỷ niệm về "Vụ án tản thất quân dụng" 1973 khi bị chính quyền Sài Gòn truy tố. Ông nhắn gửi sinh viên tinh thần sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc.
Không chỉ lắng nghe các nhân chứng, đông đảo sinh viên đã chia sẻ cảm nhận sâu sắc về giá trị lịch sử. Bạn Nguyễn Thị Anh Thư, sinh viên năm 3 khoa Luật Thương mại bày tỏ: "Những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, về tinh thần đoàn kết của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến đã truyền cho em nguồn cảm hứng lớn. Em nhận thấy trách nhiệm của mình không chỉ là học tốt chuyên môn mà còn phải hiểu rõ lịch sử, trân trọng những giá trị hiện tại và nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước."
Song song với tọa đàm, trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng Tư lịch sử, sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tiêu biểu là Liên hoan Ca khúc Cách mạng 2025 với chủ đề “Miền Lửa Đỏ”.
“Thông qua các hoạt động đó, sinh viên không chỉ tri ân quá khứ mà còn tìm thấy động lực mạnh mẽ để học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng phồn vinh và hùng cường,” – Phó Hiệu trưởng Trần Việt Dũng chia sẻ thêm.
HCMUTE - "50 năm mùa xuân độc lập"
Ngày 28/4/2025, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã long trọng tổ chức chương trình Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chủ đề "50 năm mùa xuân độc lập". Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Nhà trường, các nhân chứng lịch sử và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên. Các hoạt động trong chương trình bao gồm biểu diễn văn nghệ chào mừng, chiếu phim tư liệu lịch sử, giao lưu và tọa đàm với các nhân chứng lịch sử, và phát động Hội thi tìm hiểu kiến thức "Hồ Chí Minh- Người là niềm tin tất thắng".

Phát biểu tại sự kiện, TS. Trương Thị Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường HCMUTE nhấn mạnh: "Chiến thắng 30/4 không chỉ là sự kiện trọng đại của dân tộc ta, mà còn là một mốc son chói lọi trong lịch sử nhân loại, khẳng định sức mạnh của chính nghĩa, của ý chí quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập". Bà Hiền cũng kêu gọi thế hệ trẻ tiếp tục lấy những giá trị bất diệt của ngày 30/4 làm kim chỉ nam, nỗ lực góp sức xây dựng đất nước.
Trong không khí tự hào của tháng 4, từ ngày 18 đến 20/4/2025, HCMUTE đã vinh dự đăng cai tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII - SV.STARTUP 2025, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, Ngành Trung ương. Ngày hội không chỉ tổng kết hành trình 7 năm thực hiện Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp mà còn ghi dấu sự bứt phá của phong trào khởi nghiệp trẻ. Đặc biệt, Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm HCMUTE đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp.
Trong chuỗi sự kiện tự hào, sáng ngày 19/4/2025, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, hai đảng viên trẻ tiêu biểu của HCMUTE là đồng chí Phan Công Đức và đồng chí Nguyễn Thế Bảo đã được tuyên dương tại chương trình "Tuyên dương 76 đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2025" do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Song song đó, HCMUTE còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi để nối tiếp chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 24/4/2025, Hội diễn văn nghệ cán bộ viên chức đã diễn ra với chủ đề "Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", mang đến nhiều tiết mục đặc sắc tái hiện không khí hào hùng của dân tộc và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước. Tiếp nối trong chuỗi hoạt động văn nghệ này, vào ngày 26/4, Hội thao cán bộ viên chức năm 2025 đã góp phần tạo sân chơi gắn kết đội ngũ giảng viên, viên chức và người lao động trong Nhà trường.
Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động dành cho sinh viên cũng thu hút sự tham gia nhiệt tình. Từ ngày 10/4, Hội thao truyền thống sinh viên năm 2025 đã khởi động với sự tham gia của hơn 500 vận động viên tranh tài ở 8 bộ môn thể thao. Ngoài ra, Đoàn trường còn phát động cuộc thi "Thiết kế Video TikTok" với chủ đề "Ngày đẹp ngày xa - Hành trình trong ta" và chương trình check-in "Tự hào với Quốc kỳ Việt Nam", nhằm lan tỏa tinh thần yêu nước trong sinh viên.
"Bài ca thống nhất" vang vọng tại Trường Đại học Văn Lang
Tối 25/4, tại Hội trường Trịnh Công Sơn, Trường Đại học Văn Lang (VLU) phối hợp cùng Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức chương trình nghệ thuật "Bài ca thống nhất", kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải.

Chương trình mang đến những khúc tráng ca bất hủ cùng các thi phẩm sâu lắng, tái hiện khí thế hào hùng của mùa xuân 1975, đồng thời lan tỏa thông điệp tri ân, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong mỗi sinh viên.

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống dân tộc. "Ngày 30/4 không chỉ là dấu mốc lịch sử mà còn nhắc nhớ về hành trình gian khó của dân tộc Việt Nam để giành lại hòa bình. Chính nhờ nền hòa bình đó, Trường Đại học Văn Lang mới được thành lập, để lan tỏa tri thức và nuôi dưỡng lòng yêu nước cho các thế hệ sinh viên…" - PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu nhấn mạnh.
Chương trình bắt đầu với các tiết mục âm nhạc đầy tự hào về đất nước, cùng với liên khúc mở màn “Ngâm Thơ: Tre Việt Nam” đã gây ấn tượng mạnh mẽ với sự thể hiện của NSƯT Hải Phượng và Nghệ sĩ Phan Thanh Vân. Các tiết mục âm nhạc, thơ ca nối tiếp nhau đã thổi bùng lên những cảm xúc về những năm tháng chiến tranh gian khổ và sự thống nhất của dân tộc.
Các tiết mục ngâm thơ đặc sắc như “Nhớ Bắc” của Nhà thơ Trần Mai Hường và Nhà thơ Phạm Trung Tín, cùng những tác phẩm nổi tiếng như “Quê hương” của Giang Nam, giao lưu cùng nhà thơ Hoài Vũ tác giả bài thơ Vàm Cỏ Đông… mang lại một không gian thấm đẫm tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Chương trình khép lại trong không khí trang trọng và xúc động, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả về những tháng năm hào hùng của đất nước và những giá trị văn hóa tinh thần vô giá mà thế hệ trẻ cần tiếp nối và phát huy.