Dòng chảy

Thành tựu về an sinh xã hội của TP.HCM trong 50 năm qua

Thành Minh28/04/2025 - 17:15

Những thành tựu sau 50 năm thống nhất đất nước, sự chăm lo về y tế, giáo dục, an sinh của Thành phố ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là điều được Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ.

nang-cao-nang-luc-tram-y-te.png
Các cơ sở y tế được triển khai đầy đủ

Trong 50 năm qua, TP.HCM đã không ngừng phát triển toàn diện, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội hàng đầu cả nước. Trong hành trình ấy, Ngành y tế và lĩnh vực bảo trợ xã hội đã có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng nên một Thành phố nghĩa tình, nhân văn và phát triển bền vững. Thành phố luôn tiên phong trong việc triển khai các cơ chế, chính sách giúp huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân; chú trọng thực hiện phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Đặc biệt là từng bước củng cố và phát triển toàn diện từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện; đồng thời, không ngừng mở rộng các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, bảo hiểm y tế cho người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn. Những chính sách này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc của Thành phố mà còn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, gắn kết cộng đồng và góp phần xây dựng một hệ thống y tế – xã hội nhân văn, vững mạnh phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài.

Trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, TP.HCM cũng là nơi thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết và nghĩa tình của cả nước. Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ từ khắp các tỉnh thành và bạn bè quốc tế. Bên cạnh nguồn lực tại chỗ, Thành phố còn đón nhận sự chi viện đặc biệt lớn từ 163 đoàn công tác trên cả nước, với tổng cộng 23.748 nhân viên y tế. Trong đó, có 18.092 nhân viên y tế, sinh viên, học sinh đến từ 37 bệnh viện, 28 trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành y thuộc các Bộ, ngành và 38 đoàn y tế từ các tỉnh, thành. Các lực lượng này đã trực tiếp tham gia công tác thu dung điều trị tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19, cơ sở cách ly tập trung F0, đồng thời hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Ngoài ra, 5.656 cán bộ quân y cũng đã chi viện khẩn cấp, tham gia vào công tác chăm sóc F0 tại nhà thông qua hệ thống trạm y tế lưu động, giúp mở rộng khả năng tiếp cận y tế đến tận cộng đồng, giảm tải cho các bệnh viện.

Chiến dịch huy động nhân lực y tế với quy mô chưa từng có này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ mạnh mẽ trong toàn Ngành mà còn góp phần quyết định trong kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân TP.HCM. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc chuẩn bị và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Từ thực tiễn hoạt động chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua, nhất là qua giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ chuyên môn trong lĩnh vực y tế với các tỉnh, thành lân cận, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện Thành phố. Không chỉ là hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM và các bệnh viện tuyến tỉnh mà còn xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở, ưu tiên các chuyên khoa sản, nhi, ngoại thần kinh và ngoại chấn thương, đột quỵ, tim mạch, ung bướu…; tăng cường kết nối và liên thông dữ liệu trong công tác phòng chống dịch, công tác quản lý ngành… Ngành y tế Thành phố cũng ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ toàn diện cho Ngành y tế các tỉnh, thành còn nhiều khó khăn như Trà Vinh, Cà Mau… đúng như phương châm với phương châm: " TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM ".

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cũng là 50 năm Ngành y tế đồng hành cùng sự phát triển chung của TP.HCM và cả nước. Ngành y tế đã không ngừng phát triển với những dấu ấn nổi bật không thể không nhắc đến như:

Thứ nhất, hệ thống y tế TP.HCM đã được củng cố, phát triển. Điều này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo Thành phố… với những nghị quyết, chính sách đặc thù giúp Ngành y tế phát triển, đặc biệt là Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

phat-huy-phat-trien-y-te-chuyen-sau-ky-thuat-cao.jpg
Đội ngũ bác sĩ ngày càng nâng cao chất lượng

Nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị, nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện… Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đi vào cuộc sống. Phát triển các kỹ thuật chuyên sâu thuộc các chuyên ngành khác nhau như nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa, tim mạch, ung thư… tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan ngang tầm các nước trong khu vực.

Trong đề án quy hoạch TP.HCM, Thành phố định hướng phát triển hệ thống y tế theo mô hình cụm y tế chuyên sâu. Hiện này, đã hình thành 3 cụm y tế gồm: Cụm y tế chuyên sâu khu vực trung tâm; Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và Cụm y tế chuyên sâu tại thành phố Thủ Đức. Gắn liền mỗi cụm chuyên sâu đều bao gồm ít nhất một trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; xây dựng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa chất lượng cao; xây dựng mô hình viện - trường. Đây là một trong những giải pháp giúp Ngành y tế phát triển y tế chuyên sâu, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Thứ hai, Ngành y tế từng bước củng cố và phát triển toàn diện từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Theo đó có các nhiệm vụ không thể tách rời: nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng, chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện.

Thứ ba, phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu tiếp cận được trình độ của các nước có hệ thống y tế phát triển trên thế giới.

Từ ca mổ tách rời cặp song sinh Việt - Đức dính liền nhau ở vùng bụng - chậu mang tính lịch sử ngày 4.10.1988 cho đến ca đại phẫu tách cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi ngày 15.7.2020 và mới đây là sự kiện ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công 5 trường hợp thông tim bào thai vào đầu năm 2024, tất cả đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về mọi mặt của ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành y tế TP.HCM nói riêng.

Thời gian qua, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại đã và đang được các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể là ghép tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi robot, can thiệp bào thai... Thậm chí đã có những kỹ thuật y tế chuyên sâu sánh ngang tầm các nước có nền y học phát triển, trở thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn cho nhiều y bác sĩ từ các nước trong khu vực và trên thế giới.

TP.HCM hướng tới mục tiêu sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực ASEAN, góp phần giữ chân người dân trong nước không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút đông đảo khách du lịch đến TP.HCM để được chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, Thành phố phấn đấu đưa Ngành y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao. Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng trong nước, với mục tiêu vươn tầm thế giới, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP.HCM đã nỗ lực đạt các chứng nhận quốc tế về chuyên môn và chất lượng bệnh viện của các tổ chức quốc tế uy tín.

Bên cạnh đó, TP.HCM luôn xác định công tác bảo trợ xã hội là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh. Hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực đã được triển khai đối với người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người có công và các hộ nghèo. Nhiều mô hình, sáng kiến được triển khai như Mô hình một cửa chăm sóc và hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (đã được triển khai tại bệnh viện Hùng Vương và bắt đầu triển khai ở bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi đồng Thành phố và bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố) với Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố....

bao-hiem-y-te.jpg
Bảo hiểm y tế được phủ rộng đến mọi người dân

Đặc biệt, ngay khi Thành phố chuyển giao chức năng nhiệm vụ bảo trợ xã hội về Sở Y tế, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 2842/KH-SYT ngày 24/3/2025 về triển khai Chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho các đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Y tế TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 và tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp giữa Bệnh viện và Trung tâm bảo trợ xã hội nhằm nâng cao năng lực hoạt động trợ giúp xã hội, tạo điều kiện cho các trung tâm bảo trợ xã hội được hỗ trợ toàn diện về y tế (khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật) từ các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa các bệnh viện và các trung tâm bảo trợ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, trong những năm qua, Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, nhiều cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển phát triển giáo dục, trong đó có Chương trình hành động số 46 của Thành ủy về đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học, hướng tới xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á. Có thể kể đến các thành tựu đáng kể đã đạt được trong thời gian qua như:

- Đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục: Thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục, từ mầm non đến đại học. Nhiều trường học mới được xây dựng, đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả trẻ sinh sống trên địa bàn Thành phố trong độ tuổi đi học. Hệ thống giáo dục ở các cấp học, bậc học được mở rộng và đa dạng hóa các loại hình, bên cạnh hệ thống các trường phổ thông công lập còn có hệ thống trường lớp ngoài công lập (tư thục) đáp ứng cơ bản tối thiểu nhu cầu học tập của con em nhân dân. Tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại; xây dựng phòng học thông minh, thư viện tiên tiến – hiện đại; hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, 100% cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống công nghệ thông tin và vận dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy.

- Nâng cao chất lượng giáo dục: Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn của Thành phố đều được nâng lên. Với việc được công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, Thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển để TP.HCM trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi; tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số. Ngành giáo dục đã triển khai các Chương trình, Đề án đột phá của Thành phố về Giáo dục (Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời, đề án xây dựng nguồn nhân lực quốc tế 8 ngành và đại học chia sẻ, đề án Nâng cao năng lực tin học chuẩn quốc tế, Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM,…) theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn; phát triển mô hình “Trường thực hiện chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế” nhằm góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế. Phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; phát triển mô hình trường học số, trường học thông minh.

- Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số: Ngành giáo dục đào tạo đã triển khai những giải pháp chuyển đổi số trong thực hiện chuyên môn và quản trị nhà trường; hoàn thành thu thập dữ liệu và xác thực định danh với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho các giải pháp chuyển đổi số khác; hệ thống thông tin địa lý giáo dục (GIS) đã được hoàn thiện, đến nay, 100% các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến, mang lại sự thuận tiện, công bằng và hiệu quả hơn cho người dân Tành phố có con em trong độ tuổi đi học.

- Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng: Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ. Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả của việc thí điểm mô hình nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.

Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân ban hành các Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM; Nghị quyết về xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ học phí, tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ; hỗ trợ tiền đò và tiền ăn trưa cho học sinh thường trú tại ấp Thiềng Liềng đang học tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) và các chính sách dành cho đối tượng là người dân tộc thiểu số, trẻ thuộc nhóm yếu thế, khuyết tật, hộ nghèo hoặc cận nghèo;…đáp ứng được yêu cầu cần thiết cho học sinh, là những chính sách đầy tính nhân văn của Thành phố, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Tất cả hướng đến mục tiêu đảm bảo quyền được học tập và phát triển của học sinh, không để bất kỳ trẻ nào bị bỏ lại phía sau.

Nhìn chung, sự chăm lo về giáo dục của TP.HCM đã có những bước tiến đáng kể, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố. Các chỉ số phát triển giáo dục của Thành phố luôn duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Thành phố đã trở thành một trung tâm giáo dục của cả nước và đang từng bước trở thành trung tâm giáo dục của khu vực. Những nỗ lực này không chỉ giúp học sinh và người dân Thành phố tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, mà còn góp phần xây dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Tất cả nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của TP.HCM nói riêng và cho đất nước nói chung.

Thành Minh