Đời sống

Đoàn các cơ quan báo chí thăm chiến khu Rừng Sác

Hà Lam 27/04/2025 - 07:59

Ngày 26/4, đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP.HCM đã có chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM).

tham-quan-rung-sac-3.jpg
Đoàn nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tham quan Rừng Sác

Tham dự cùng đoàn còn có đại diện Sở Du lịch TP.HCM, Trung tâm Báo chí TP.HCM, phóng viên, biên tập viên và các sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn Thành phố.

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 56 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó, đoàn đã lắng nghe thuyết minh về những trang sử hào hùng trong quá trình chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác và nhân dân Cần Giờ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, đoàn còn tham quan Trạm quân y, khu vực hậu cần, cùng nhiều công trình tái hiện sinh hoạt chiến đấu của lực lượng đặc công năm xưa.

rung-can-gio-2.jpg
Nhiều phóng viên, sinh viên tự hào và xúc động khi đến thăm Rừng Sác

Chia sẻ sau chuyến hành trình về nguồn, bạn Nguyễn Thị Phương Như - sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II - cho biết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi đến thăm Rừng Sác, bạn cảm thấy vô cùng tự hào và xúc động.

"Được tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử tại đây, mình càng biết ơn sâu sắc hơn những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ năm xưa. Chuyến đi cũng nhắc nhở mình rằng, thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và nỗ lực tiếp nối tinh thần kiên cường ấy trong cuộc sống hiện đại", Phương Như chia sẻ.

Bạn Đỗ Thị Thanh Thủy - sinh viên năm 3, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) – chia sẻ: "Khi đến Rừng Sác và dâng hương tại tượng đài, mình cảm thấy rất xúc động và tự hào. Được nhìn thấy cảnh vật nơi đây, lắng nghe những câu chuyện về quá khứ, mình mới thật sự cảm nhận được sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ năm xưa. Chuyến đi giúp mình càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình hiện tại".

rung-can-gio.jpg
Rừng Sác được phủ một màu xanh bạt ngàn rừng cây

Trước đây, Rừng Sác là khu rừng chịu sự tàn phá nặng nề trong chiến tranh - đã được khôi phục nhanh chóng nhờ vào tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo TP.HCM.

Ngay sau khi tiếp nhận huyện Duyên Hải từ tỉnh Đồng Nai, TP.HCM đã nhanh chóng triển khai chủ trương phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ, với sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân dù đời sống còn nhiều khó khăn.

Ngày 25/8/1978, huyện đã tổ chức đợt ra quân trồng rừng quy mô lớn, huy động gần 20.000 ngày công lao động, trồng được hơn 3.000 ha rừng chỉ trong hơn một tháng, mở đầu cho công cuộc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn. Sau 22 năm kiên trì trồng và bảo vệ, ngày 22/1/2000, khu rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam.

Song song với nỗ lực phục hồi rừng, việc kết nối giao thông giữa Cần Giờ và trung tâm TP.HCM cũng ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 1983, huyện đã hoàn tất 12,9 km đường đất nối xã Bình Khánh và An Thới Đông bằng sức dân. Tiếp đó, với sự hỗ trợ của Thành phố và Trung ương, tuyến đường Nhà Bè – Duyên Hải (nay là đường Rừng Sác - Cần Giờ) dài hơn 36 km đã được hoàn thành, bao gồm 9 cầu và 2 bến phà, thông xe kỹ thuật ngày 30/4/1985 và chính thức khánh thành ngày 29/4/1986.

Tuyến đường này không chỉ góp phần quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, an ninh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng du lịch biển và sinh thái rừng, đưa Cần Giờ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh buổi về nguồn:

tham-qua-khu-rung-sac.jpg
Đoàn chụp hình lưu niệm
rung-can-gio-1.jpg
Đoàn cựu chiến binh dâng hương và chụp hình lưu niệm tại bia tưởng niệm đặc công Rừng Sác
nghe-thuyet-minh-tai-rung-sac.jpg
Đoàn nghe thuyết minh về các chiến sĩ đặc công Rừng Sác
mo-hinh-tran-xang.jpg
Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè tại Rừng Sác
doan-di-chuyen-vao-rung-sac.jpg
Các phóng viên, nhà báo đi cano vào chiến khu Rừng Sác
tham-quan-rung-sac.jpg
Cần Giờ có quần thể động thực vật đa dạng có giá trị lớn về bảo tồn đa dạng sinh học
rung-can-gio-3.jpg
Rừng Sác được phủ xanh, là môi trường sống cho nhiều loài động thực vật

Hà Lam