Thúc đẩy sự sáng tạo của tác giả từ việc bảo vệ bản quyền
Trong kỷ nguyên số, tình trạng xâm phạm bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các tác giả không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bền vững của các chủ thể quyền.

Trò chuyện với Tạp chí Khoa học phổ thông nhân dịp ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Luật sư Phan Vũ Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law VietNam, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM - đã chia sẻ về vấn nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc và các giải pháp bảo vệ bảo vệ quyền tác giả trong bối cảnh công nghệ số hiện nay.
Tình trạng xâm phạm bản quyền âm nhạc vẫn "nóng"
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam hiện nay?
Luật sư Phan Vũ Tuấn: Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (gọi chung là “Luật SHTT hiện hành”) và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể quyền đối với tác phẩm âm nhạc, tuy nhiên hiện nay tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc vẫn đang là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà các nền tảng trực tuyến, công nghệ số ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Khi công nghệ ngày càng phát triển dẫn đến các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số ngày càng nhiều hơn.
Theo đó, người dùng có thể dễ dàng thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sao chép, tải về, đăng tải tác phẩm trên các nền tảng trực tuyến… để thu lợi nhuận mà không cần phải xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm. Điều này đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho các chủ thể quyền và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay.
Trong quá trình giải quyết các vụ án về xâm phạm bản quyền, ông có thể chia sẻ những thách thức lớn nhất mà các tác giả, nghệ sĩ hiện nay đang đối mặt trong việc bảo vệ quyền của mình trên không gian số?
- Trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án, đặc biệt là xử lý các hành vi xâm phạm tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, chủ thể quyền thường gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh có hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi, khó có thể bị phát hiện. Hơn nữa, do hành vi xâm phạm xảy ra trên môi trường số nên các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm rất dễ dàng tiến hành các thao tác để xóa bỏ mọi dấu vết và bằng chứng về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Điều này sẽ khiến cho các chủ thể quyền gặp rất nhiều khó khăn khi cung cấp các chứng cứ chứng minh về hành vi xâm phạm để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, chủ thể quyền cũng thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 198 Luật SHTT hiện hành, chủ thể quyền có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì chủ thể quyền phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật SHTT hiện hành.
Thực tế cho thấy, việc xác định mức thiệt hại và thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên môi trường số luôn là vấn đề khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức để thu thập.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2022 đã có những tác động tích cực trong việc bảo vệ quyền tác giả, thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các chủ thể quyền đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế.
Luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.
Nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền tác giả
Trong bối cảnh kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, ông đánh giá như thế nào về vai trò của quyền tác giả đối với việc bảo vệ các sản phẩm âm nhạc?
- Các quy định về quyền tác giả trong Luật SHTT hiện hành đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền tác giả của chủ thể quyền đối với tác phẩm âm nhạc nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Với các quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hiện hành đã góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của các chủ thể quyền, trao cho các chủ thể quyền các công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Từ đó, nâng cao hiệu quả của công tác xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm âm nhạc trên môi trường số.

Như vậy, việc đẩy mạnh bảo hộ bản quyền là điều bắt buộc phải làm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Trước tiên, chủ thể quyền bao gồm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ quyền tác giả, áp dụng hiệu quả và triệt để các biện pháp pháp lý được pháp luật quy định để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm sáng tạo của mình. Các chủ thể quyền có thể ủy quyền cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả để làm việc với các bên liên quan đến việc sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với các tác phẩm sáng tạo theo quy định của pháp luật.
Hai là, tích cực sử dụng các ứng dụng công nghệ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường số. Các hệ thống nhận diện nội dung, lưu trữ thông tin về tác phẩm, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm cần được phát triển và ứng dụng rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến và phương tiện thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI, công nghệ blockchain trong việc bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng cần được nghiên cứu để áp dụng trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh đẩy lùi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra tràn lan như hiện nay.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các chủ thể quyền và cơ quan quản lý Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc thực thi quyền, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cuối cùng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dùng trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề cốt lõi cần thực hiện thường xuyên để hạn chế các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang có khả năng tạo ra tác phẩm âm nhạc và nghệ thuật - điều này đặt ra vấn đề gì cho quyền tác giả trong tương lai, thưa ông?
- Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật SHTT hiện hành, “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra và sở hữu”. Như vậy, Luật SHTT hiện hành đề cập đến hai chủ thể được bảo hộ quyền tác giả bao gồm tác giả (người trực tiếp tạo ra tác phẩm) và chủ sở hữu quyền tác giả. Hay nói cách khác, đối tượng được bảo hộ quyền tác giả đã được Luật SHTT hiện hành quy định rõ chỉ bao gồm tổ chức và cá nhân.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo ra các tác phẩm âm nhạc đặt ra một vấn đề pháp lý: “Liệu rằng tác phẩm âm nhạc được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) có được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT hiện hành giống như các tác phẩm do tác giả sáng tạo trực tiếp hay không?”. Từ các quy định của Luật SHTT hiện hành, có thể thấy pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa có quy định về việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc do AI sáng tạo ra.
Liên quan đến vấn đề này, ở một số nước trên thế giới hiện nay cũng đang có những quan điểm khác nhau. Cụ thể, ở Mỹ hiện chưa đưa ra quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm âm nhạc do AI tạo ra. Tuy nhiên theo quan điểm của Văn phòng bản quyền Hoa Kỳ, các tác phẩm không phải do con người sáng tạo ra sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ. Không giống như Mỹ, quan điểm của Anh có phần mở rộng hơn khi trao quyền tác giả đối với tác phẩm do AI sáng tạo ra cho lập trình viên hoặc kỹ sư công nghệ tạo nên AI trong một số trường hợp.
Ở Việt Nam hiện nay, việc AI có thể tạo ra tác phẩm âm nhạc đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc điều chỉnh pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phù hợp với những thay đổi thực tiễn nhằm đảm bảo sự cân bằng về quyền và lợi ích cho các tác giả trực tiếp sáng tạo tác phẩm thuần túy và các tác phẩm âm nhạc được tạo nên bởi AI.
Xin cảm ơn ông!
Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hằng năm là "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới" (IP Day).

Năm 2025, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ (IP and music: Feel the beat of IP). Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 là cơ hội để chúng ta tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người đã mở rộng giới hạn của sự sáng tạo và đổi mới để tạo ra các tác phẩm âm nhạc kết nối công chúng, khơi dậy cảm xúc, định hướng cho sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo hơn.