Xây dựng một thị trường âm nhạc minh bạch
Bảo vệ bản quyền không chỉ là biện pháp bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, mà còn là nền tảng để xây dựng một thị trường âm nhạc minh bạch, công bằng, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo phát triển bền vững trong thời đại số.

Năm 2025, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là "Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ" (IP and music: Feel the beat of IP).
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 là cơ hội để chúng ta tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người đã mở rộng giới hạn của sự sáng tạo và đổi mới để tạo ra các tác phẩm âm nhạc kết nối công chúng, khơi dậy cảm xúc, định hướng cho sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo hơn.
Bảo vệ bản quyền - nền tảng để phát triển công nghiệp âm nhạc
Tình trạng xâm phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong môi trường số. Việc sử dụng trái phép tác phẩm qua livestream, cover, quảng cáo, biểu diễn tại các quán cà phê, sự kiện… diễn ra khá phổ biến. Dù pháp luật và công tác tuyên truyền đã được tăng cường, nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là trên môi trường xuyên biên giới vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân một phần do ý thức tôn trọng bản quyền của người sử dụng và doanh nghiệp chưa cao. Điều này đặt ra yêu cầu không chỉ hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi, mà còn cần nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng văn hóa sử dụng nội dung có bản quyền.

Âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp sáng tạo, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và quảng bá văn hóa. Trong kỷ nguyên số, âm nhạc lan tỏa mạnh mẽ qua các nền tảng trực tuyến, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về bản quyền. Bảo vệ bản quyền âm nhạc giúp bảo vệ lợi ích chính đáng của người sáng tạo, thúc đẩy động lực sáng tác và xây dựng thị trường âm nhạc minh bạch, công bằng. Đây là điều kiện nền tảng để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tác giả nên chủ động đăng ký quyền tác giả để có bằng chứng pháp lý. Ngoài ra, nên sử dụng các công cụ kỹ thuật bảo vệ như watermark, mã hóa, blockchain và nền tảng nhận diện bản quyền. Tham gia tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, ký hợp đồng rõ ràng khi cấp phép khai thác, và nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi. Đồng thời, nên liên kết cộng đồng sáng tạo có trách nhiệm để chia sẻ kinh nghiệm và cùng thúc đẩy môi trường sáng tạo lành mạnh.
Trong công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc tại Việt Nam hiện nay, các khó khăn bao gồm: vi phạm phổ biến trên nền tảng số khó kiểm soát; cơ chế thu và phân phối tiền bản quyền chưa minh bạch; pháp luật chưa bắt kịp công nghệ mới; nhận thức xã hội về bản quyền còn thấp.
Để cải thiện tình hình trên, Cục Bản quyền tác giả đang tiếp tục tham mưu thiện khung pháp lý và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2022; ứng dụng công nghệ số trong đăng ký, giám sát và xử lý vi phạm; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về bản quyền; phối hợp với nền tảng số và cơ quan chức năng xử lý hành vi xâm phạm; hỗ trợ tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nâng cao minh bạch, công bằng trong thu - chi trả tiền bản quyền.
Để thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng sáng tạo nhằm xây dựng môi trường âm nhạc bền vững trong thời đại số.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tạo động lực sáng tạo cho tác giả
Việc đăng ký bản quyền tác giả không chỉ để bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn là cách để khẳng định giá trị lao động, tạo động lực sáng tạo sáng tạo, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của người sáng tác với đứa con tinh thần của mình. Trong thời đại mà tác phẩm có thể bị sao chép, phát tán chỉ trong vài giây nhờ công nghệ, việc chủ động bảo vệ quyền tác giả là điều không thể thiếu. Đó cũng là cách góp phần tạo nên một môi trường sáng tạo lành mạnh, nơi mà tác giả được tôn trọng và được hưởng thành quả xứng đáng.
Theo tôi, Luật Sở hữu trí tuệ cần được sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ hiệu quả hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả. Cụ thể, nên bổ sung điều khoản quy định, cá nhân hoặc tổ chức có hành vi xâm phạm trên 90% nội dung tác phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là mức độ xâm phạm nghiêm trọng, thể hiện sự chiếm đoạt thành quả lao động sáng tạo của người khác, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.
Bên cạnh đó, tôi kiến nghị cần thành lập hoặc phân định rõ ràng một hệ thống tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Việc này sẽ giúp nâng cao tính chuyên môn trong xét xử, đảm bảo các vụ việc tranh chấp về quyền tác giả được xử lý nhanh chóng, công bằng, hạn chế tình trạng kéo dài thời gian tố tụng, gây thiệt hại cho tác giả – những người vốn luôn thiệt thòi trong các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Một ví dụ điển hình là vụ việc liên quan đến bài thơ "Gánh mẹ". Dù các bằng chứng rõ ràng nhưng quá trình giải quyết lại kéo dài tới gần 5 năm mới đi đến hồi kết.
Như vậy, có thể thấy, chỉ khi hệ thống pháp luật thật sự nghiêm minh và hiệu quả thì môi trường sáng tạo mới có thể phát triển lành mạnh, văn minh và bền vững.
Nhạc sĩ Trương Minh Nhật
Những sửa đổi quan trọng của pháp luật hiện hành
Trong những năm qua, Luật Sở hữu trí tuệ đã có những sửa đổi quan trọng nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Luật Sở hữu trí tuệ được (SHTT) ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ.

Điểm nổi bật nhất là Luật SHTT sửa đổi năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, đã tiệm cận hơn với các điều ước quốc tế như Công ước Berne, Hiệp định TRIPS và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cụ thể, quy định đã mở rộng phạm vi bảo hộ quyền tác giả, tăng cường quyền nhân thân và quyền tài sản, đồng thời quy định rõ ràng hơn về quyền cấp phép, quyền ngăn cấm sao chép, phân phối, trình diễn công khai... Luật SHTT sửa đổi năm 2022 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc.
Một điểm đột phá là việc luật hóa các quy định về quyền tác giả trên môi trường số, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý vi phạm trực tuyến - nơi phần lớn các hành vi xâm phạm bản quyền đang diễn ra. Các chế tài hành chính và dân sự cũng được điều chỉnh để răn đe hiệu quả hơn, nâng mức phạt và tăng quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tác giả.
Ngoài ra, một điểm nổi bật khác là việc bổ sung các quy định về quyền của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, như VCPMC – trong việc cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút. Luật SHTT sửa đổi năm 2022 cũng trao thêm công cụ pháp lý cho các tổ chức này khi xử lý vi phạm, đồng thời yêu cầu minh bạch, công khai thông tin về thu – chi quyền tác giả, từ đó bảo vệ lợi ích của người sáng tạo.
Những sửa đổi này là bước tiến đáng kể, không chỉ khẳng định vai trò của người sáng tạo trong xã hội mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Luật sư Hồ Thanh Thảo - Luật sư điều hành tại HT Partners Law & IP