TP.HCM luôn quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa trong 50 năm xây dựng và phát triển
Sau 50 năm xây dựng và phát triển, TP.HCM đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách và người có công. Đây là điều được Phó chánh văn phòng TP Đinh Thị Thanh Thủy khẳng định.

Chính sách Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng. Đây là chính sách đặc thù gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đối với người có công
Thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đối với người có công, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người có công, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng; đặc biệt công tác đền ơn đáp nghĩa đã ngày càng trở thành hoạt động tri ân đầy nghĩa tình của mỗi người dân Thành phố.
Thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
(1) Rà soát, giải quyết 100% hồ sơ đúng thời gian quy định theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, không để hồ sơ đủ điều kiện tồn đọng;
(2) Đảm bảo 100% phường, xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc gia đình chính sách có công;
(3) Phấn đấu 100% hộ gia đình có thành viên chính sách có công đang hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống bình quân của khu dân cư nơi cư trú, cơ bản không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo người có công theo chuẩn của Thành phố.
Một số thành quả nổi bật mà Thành phố đã đạt được trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa”:
- Thành phố luôn giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho 100% người có công và thân nhân của họ, không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện, từ cấp Sở đến cấp cơ sở đều tập trung phối hợp triển khai, nỗ lực trong công tác vận động, thuyết phục, tiếp xúc, sưu tra, tìm kiếm thông tin có liên quan… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực người có công, đặc biệt tạo được ấn tượng tốt đối với gia đình người có công khi tiếp xúc và giải quyết hồ sơ. Kết quả đạt được cho đến thời điểm này rất có ý nghĩa trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

- Hằng năm vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán Thành phố luôn dành hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng thăm hỏi, làm quà tặng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công.
- Trong năm 2024, Thành phố đã vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền 24.635.645.555 đồng, góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách.
- Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), để đảm bảo không còn đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở, ở nhà tạm, nhà dột nát, Thành phố đã thực hiện xây mới, sửa chữa 335 căn nhà (xây mới 09 căn, sửa chữa 326 căn), với tổng số tiền là 18.032.000.000 đồng.
- Ngoài ra, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng, quá đó nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội:
+ Ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách là 39.832.579.500 đồng/năm từ nguồn ngân sách Thành phố (Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024).
+ Ban hành chính sách hỗ trợ chế độ điều dưỡng, hội nghị, tham quan về nguồn đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách là 7.057.040.000 đồng từ nguồn ngân sách Thành phố (Nghị quyết số 05/2025/NQ-HĐND ngày 20 tháng 02 năm 2025.)
+ Ban hành chính sách hỗ trợ chi quà tặng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách là 178.331.400.000 đồng từ nguồn ngân sách Thành phố (Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 20 tháng 02 năm 2025).
Thành phố tiếp tục có những chính sách, chương trình phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

Đối tượng người có công với cách mạng hiện tuổi cao, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động, mắc các bệnh mãn tính và bệnh hiểm nghèo do thương tật, bệnh tật trong chiến tranh nên rất cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. Theo thực tế giải quyết chính sách ưu đãi người có công, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng giảm do chết, tăng đều theo các năm. Trung bình mỗi năm giảm hàng nghìn người có công và thân nhân dạng hưởng trợ cấp hằng tháng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, giảm gần 2.000 người; năm 2023 giảm gần 1.500 người, năm 2024 giảm gần 1.200 người. Trong thực tế với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh, có thể nói giai đoạn 10 năm tiếp theo 2024-2034 là 10 năm vàng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Vì thế để TP.HCM tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt hơn nữa cho các gia đình chính sách, người có công, khẳng định vị thế là “thành phố nghĩa tình”, cần đẩy mạnh hơn, thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương của Đảng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết của Quốc hội trong thực hiện các chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân người có công, cụ thể:
- Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người có công với cách mạng cao hơn mức của Trung ương theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

- Chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng chế độ chính sách đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp nhân dân và đối tượng chính sách, kết hợp đồng bộ giữa các tổ chức, các cơ quan thông tấn báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt phong phú và hướng dẫn nhân dân, đối tượng chính sách ở từng cơ sở xã, phường.
- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước; bảo đảm các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao tận tay, đúng kỳ, đúng số cho các đối tượng. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất hợp lý trong công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân thực hiện tốt chính sách đối với người có công và thân nhân của họ bằng các chương trình cụ thể; người người, nhà nhà đều thực hiện tốt việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực, là sức mạnh để đạt mục tiêu đề ra và cũng là nguồn bổ sung phong phú cùng Thành phố chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công./.