Đời sống

Báo Sài Gòn Giải Phóng ra mắt công trình báo chí dữ liệu: “TP.HCM 50 năm – Những dấu ấn tự hào”

An Bình23/04/2025 - 20:39

Chiều 23/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 50 năm ngày Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phát hành số đầu tiên (5/5/1975 – 5/5/2025), Báo SGGP đã chính thức ra mắt công trình báo chí dữ liệu đặc biệt: “Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm: Những dấu ấn tự hào qua trang Báo Sài Gòn Giải Phóng”.

sggp.jpeg
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường nhận xét công trình tập hợp nhiều tư liệu quý giá. Ảnh: LÊ MINH

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM.

Khắc họa 50 năm phát triển của TP.HCM qua dòng chảy thời sự

Công trình đã hệ thống hóa thông tin từ các ấn phẩm đầu tiên của Báo SGGP – phát hành ngày 5-5-1975 – khắc họa những dấu ấn tự hào của TP.HCM trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển suốt 50 năm qua, với tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, khẳng định vai trò tiên phong của thành phố vì cả nước, cùng cả nước.

Ra đời ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với ưu thế là tờ nhật báo duy nhất phát hành tại TP.HCM trong thời điểm đó và suốt hàng chục năm sau, Báo SGGP – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM – đã trở thành "người thư ký của thời đại", phản ánh sinh động muôn mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM suốt nửa thế kỷ qua.

Với công trình dữ liệu này, bạn đọc có thể hình dung rõ nét niềm vui náo nức của người dân Sài Gòn những ngày đầu giải phóng; những khó khăn, thách thức và nỗ lực tuyệt vời của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định trong việc giữ gìn an ninh trật tự, hồi sinh cuộc sống của một đô thị ngổn ngang sau chiến tranh, vừa là cơ quan đầu não của chính quyền cũ, để lại nhiều hệ lụy và tàn tích nặng nề.

Cũng qua công trình dữ liệu công phu này, bạn đọc có thể ôn lại diễn biến và những dấu ấn tự hào của 11 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM với các quyết sách lớn, hoạt động quyết liệt và những công trình trọng điểm đã góp phần thay đổi bộ mặt thành phố.

Được thể hiện bằng hình thức đa phương tiện như long-form, infographic, video, công trình không chỉ trực quan, sinh động mà còn giúp bạn đọc dễ dàng theo dõi, trải nghiệm, tra cứu thông tin. Qua đó, Báo SGGP mong muốn đem đến cho bạn đọc những ký ức lịch sử tự hào không thể nào quên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác suốt nửa thế kỷ qua.

Công trình được khởi đăng trên Báo SGGP Online từ ngày 23/4/2025. Báo SGGP sẽ tiếp tục khai thác kho dữ liệu quý giá của 50 năm làm báo để mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về hành trình đổi mới và phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Công trình tập hợp nhiều tư liệu quý giá

Tại buổi ra mắt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn cho biết, Cơ quan Báo SGGP có một kho tàng vô cùng quý giá, đó là nội dung của khoảng 17.000 số báo in SGGP xuất bản trong suốt 50 năm qua, tái hiện hành trình tái thiết, xây dựng và phát triển của TP.HCM sau ngày giải phóng.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường nhận định, công trình báo chí dữ liệu “Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm: Những dấu ấn tự hào qua trang Báo Sài Gòn Giải Phóng” đã tập hợp được nhiều tư liệu quý giá được Báo SGGP lưu trữ từ những số báo đầu tiên cho đến nay, tạo nên một ấn phẩm có giá trị không chỉ với bạn đọc rộng rãi mà còn phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, tổng hợp của các cơ quan tham mưu.

Phát biểu tại buổi ra mắt, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, nhận xét, công trình đã tập hợp nhiều tư liệu quý giá được Báo SGGP tích lũy, lưu trữ từ những số báo đầu tiên cho đến nay, tạo nên một ấn phẩm không chỉ phục vụ bạn đọc mà còn là nguồn tư liệu và dữ liệu có giá trị, phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, tổng hợp.

Công trình càng thêm ý nghĩa khi được hoàn thành và ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Báo SGGP phát hành số báo đầu tiên (5/5/1975 – 5/5/2025).

Đồng chí cũng nhận xét, công trình thể hiện sự phân tích, đánh giá có chiều sâu và thực tiễn, góp phần làm phong phú thêm nhận định, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Đây là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ tổng kết lý luận và chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian tới.

Các nguồn tư liệu từ công trình này đáp ứng tốt yêu cầu tổng kết và đúc kết về mặt lý luận phục vụ cho nhiệm vụ chính trị chung của Thành phố. Qua đó, hỗ trợ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TP.HCM thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đồng chí kỳ vọng, từ kết quả cụ thể và đầy ý nghĩa của công trình, Báo SGGP tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong lộ trình chuyển đổi số báo chí. Qua kho tư liệu đồ sộ và phương pháp tiếp cận khoa học, Báo cũng cần tiếp tục rà soát, tổng hợp để khai thác thêm nhiều chất liệu phong phú, phục vụ tốt hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định, sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để Báo SGGP tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng mà Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đặt ra.

An Bình