Dòng chảy

TP.HCM mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho khu vực phía Nam

Thành Minh 21/04/2025 - 15:51

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 21/4, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại khu vực miền Nam.

tbt.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các đại biểu dự họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự và chủ trì buổi họp mặt có Tổng Bí thư Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tham dự chương trình có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo Trung ương qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trung ương và TPHCM qua các thời kỳ; đại diện các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong và các gia đình chính sách tiêu biểu tại 22 tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Tham dự về phía lãnh đạo TP.HCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.

Trong không khí cả nước phấn khởi, tự hào, hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như những sự kiện trọng đại của năm 2025, tại cuộc gặp mặt, các cán bộ lão thành, người có công với cách mạng chia sẻ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, nhân dân ta và cho địa phương nơi các đồng chí đang cư trú, sinh sống.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, các đồng chí, những người lính cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, nguy hiểm để viết nên những trang sử vàng về cuộc trường kỳ kháng chiến, tạo nên “dáng đứng Việt Nam” trong dòng chảy của thời đại. Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, các đồng chí, bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, đã vượt lên mọi mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam, từ núi cao đến biển rộng, từ núi Tây Nguyên tới đồng bằng ven biển. Bước chân các đồng chí đi trên khắp mọi nẻo đường thân yêu của Tổ quốc, người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Có các đồng chí trở về với vết thương, bệnh tật trên thân thể, với ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí. Có những người tiếp tục lặng thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình, từ công tác xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ.

Trong buổi họp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ những vấn đề nhân dân đang rất quan tâm, nhất là những chủ trương liên quan đến quốc kế dân sinh.

Về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này. Nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ và coi đây thực sự là một cuộc cách mạng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Nam Bộ (Từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 tỉnh, thành phố xuống còn 9 tỉnh, thành phố. Điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt đã tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng-đồng bằng-biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương; tạo động lực mới để một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Tổng Bí thư chỉ rõ, việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai công hai lớn hơn bốn”. Cần Thơ - Hậu Giang-Sóc Trăng; Bến Tre-Trà Vinh-Vĩnh Long trở thành tỉnh mới có thế “Kiềng ba chân” vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn nhân lên nhiều lần. Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang mới sẽ trở thành người dân có biển, có núi rừng. Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển lớn. “Người vùng cao” Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và “Người đồng bằng” Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Long trở thành “Người dân có biển”.

Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, Tổng Bí thư nêu rõ, thành phố đã được giải phóng tròn 50 năm và đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị, để “TP.HCM rực rỡ tên vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Thành phố cần có sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa; quyết tâm chính trị mạnh hơn nữa; năng động và sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng phát triển Thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước.

Trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết, đồng hành cùng tiến bước. TP.HCM mở rộng sẽ không chỉ bao gồm TP.HCM hiện nay cùng Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng", nhằm phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn tổng các phần.

TP.HCM mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng – trong đó, các tỉnh phía Nam không chỉ "đồng hành", mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. TP.HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và vùng sẽ thăng hoa khi có TP.HCM dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ, cùng nhau tiến về phía trước.

TP.HCM mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Sự phát triển của thành phố gắn liền, tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh, thành trong vùng; không chỉ "dẫn dắt", mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế - văn hóa liên vùng, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trong quá trình sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, Tổng Bí thư lưu ý 5 yêu cầu, thứ nhất là, phải phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao. Tất cả các địa phương liên quan đến việc bố trí cán bộ phải được chọn những người có năng lực tốt, bảo đảm cân đối, hài hòa và đoàn kết, khai thác tối đa tiềm năng, kinh nghiệm quản lý từ nhiều địa phương, là cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.

Thứ hai là, phải đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông hiện đại và thích hợp, kể cả hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, không chỉ trong phạm vi một đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả giữa các tỉnh trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ của cả vùng.

Thứ ba là, phải thống nhất về hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính, phải xây dựng bộ quy chuẩn chung cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở hài hòa, kế thừa và nâng cấp từ thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời cần kiểm soát toàn bộ các quy định hiện hành, đảm bảo cho sự minh bạch, thuận tiện, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong và ngoài cả đơn vị hành chính.

Thứ tư là, phải quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, đặc biệt là lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, tránh được thất thoát, lãng phí và lợi ích nhóm.

Thứ năm là, phải lắng nghe, giải thích, đối thoại và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng; làm cho người dân hiểu đúng, tin tưởng, tự hào và tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu các đơn vị hành chính mới là nhiệm vụ chung, cơ hội chung của tất cả mọi người, mọi cơ quan, mọi tổ chức, đơn vị.

Thành Minh