Y học

Không lạm dụng xét nghiệm, kiểm soát nguy cơ: Phòng ngừa đột quỵ, giảm gánh nặng chi phí

An Quý 20/04/2025 20:45

Tầm soát đột quỵ cần tập trung khám sàng lọc các yếu tố nguy cơ trước khi ra các chỉ định xét nghiệm để giảm bớt những cận lâm sàng không cần thiết, giảm chi phí cho người bệnh.

Trong khi đó, đến 80% ca đột quỵ có thể phòng ngừa được khi kiểm soát tốt nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ; hút thuốc, rượu bia, béo phì, ít vận động.

thu-truong-nguyen-tri-thuc.jpg
TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng: "Điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động - từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ do không hiểu gì về đột quỵ".

Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do Báo Tiền phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức vào ngày 20/4. Liên quan đến thực trạng nhiều cơ sở y tế thương mại hóa các gói tầm soát đột quỵ, TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh và đưa ra cảnh báo về xu hướng lạm dụng kỹ thuật cận lâm sàng trong tầm soát.

Gói tầm soát đột quỵ, liệu người dân bình thường có cần không?

Hiện nay không ít bệnh viện, phòng khám đang đưa ra nhiều gói tầm soát đột quỵ với chi phí từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Vì lo sợ căn bệnh này, người dân sẵn sàng chi tiền cho các gói dịch vụ mà không hiểu rõ liệu mình có thực sự cần hay không.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các kỹ thuật như CTscan, MRI não hay mạch máu não có thể hỗ trợ chẩn đoán đột quỵ nhưng việc áp dụng đại trà cho người khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ rõ ràng là không phù hợp, chi phí lại cao.

“Các cơ sở y tế cần chú trọng khám sàng lọc đúng nghĩa - tức là tập trung phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc, ít vận động... Đây mới là nền tảng của phòng ngừa đột quỵ hiệu quả, thay vì lệ thuộc vào hình ảnh học”, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị.

TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức cũng kêu gọi, cộng đồng không nên "sợ đột quỵ" đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ hay cứ thấy tăng huyết áp là nghĩ mình sắp bị đột quỵ đến nơi rồi…

z6523964390170_8fb809d81761248b5d685b441301ac78.jpg
Người dân cần được giáo dục đầy đủ để biết cách tự nhận diện nguy cơ đột quỵ, duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và tiếp cận đúng tuyến chuyên khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ

Theo TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức, điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ những yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động - từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ do không hiểu gì về đột quỵ. Ngoài ra, cộng đồng cần biết, tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.

“Thay vì hoảng sợ và tìm đến những gói tầm soát tốn kém, người dân cần được giáo dục đầy đủ để biết cách tự nhận diện nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và tiếp cận đúng tuyến chuyên khoa khi có dấu hiệu nghi ngờ như yếu liệt nửa người, méo miệng, nói đớ...

Chúng ta không phủ nhận vai trò của các kỹ thuật hiện đại nhưng việc lạm dụng và thương mại hóa tầm soát khiến người bệnh thiệt thòi và mất lòng tin vào ngành y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức phát biểu.

Trong 4 người, 1 người trưởng thành trên 25 tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm (NCD), đột quỵ vẫn là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong cùng với tàn tật. Trong 4 người sẽ có 1 người trưởng thành trên 25 tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh đột quỵ cao trên thế giới.

ts-khoa.jpg
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm (NCD), đột quỵ vẫn là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong

Tại hội thảo các chuyên gia cho biết, mỗi ngày, TP.HCM ghi nhận có không dưới 300 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 10% số giường tại các bệnh viện và luôn trong trạng thái quá tải.

“Ước tính, trung bình mỗi năm, thế giới có khoảng 12,2 triệu người bị đột quỵ; nghĩa là cứ 3 giây có 1 ca mắc đột quỵ. Đột quỵ không còn là bệnh của người già. Theo thống kê trong năm 2019, 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi, và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi. Điều đáng chú ý, đến 89% số ca tử vong do đột quỵ và tàn tật trên toàn cầu cộng lại xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình”, TS.BS Khoa cho biết.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa cũng liệt kê những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ gồm: từ các yếu tố kinh tế - xã hội như dân số già, nhịp sống căng thẳng của đô thị hóa, toàn cầu hóa, ô nhiễm không khí đến các yếu tố hành vi như dinh dưỡng không hợp lý, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, đời sống thiếu vận động; các yếu tố chuyển hóa như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (mỡ máu), thừa cân/béo phì, rối loạn chức năng thận và các bệnh mạn tính như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

Đột quỵ trẻ hóa, vì sao?

Riêng tại Bệnh viện Nhân dân 115, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu Não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, theo thống kê, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 10% con số ước tính toàn quốc là 200.000 ca. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi ngày đều ghi nhận bệnh nhân dưới 30 tuổi phải nhập viện điều trị đột quỵ.

ts.bs-nguyen-huy-thang.jpg
TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu Não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, theo thống kê, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ

“Tình trạng đột quỵ trẻ hóa đang dần trở thành xu hướng chung. Mặc dù không có các yếu tố nguy cơ thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ cáo tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhưng lối sống, hành vi không lành mạnh đang đẩy nhanh nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Sử dụng chất gây nghiện như thuốc lá - yếu tố nguy cơ đột quỵ đã được y văn ghi nhận. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều đường, mỡ, muối, lạm dụng rượu, bia, chất kích thích, lười vận động, thức khuya kéo dài… là những con đường ngắn nhất dẫn đến đột quỵ”, TS.BS Huy Thắng cảnh báo.

Hiện nay, hình ảnh hút thuốc lá ở học sinh tiểu học, hoặc người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đã không còn hiếm gặp. Hơn thế nữa, TS.BS Huy Thắng khuyến cáo, không ít người trẻ dù đã được chẩn đoán mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch nhưng tự động ngưng thuốc, bỏ điều trị giữa chừng, không tái khám. Hậu quả đột quỵ ập đến.

z6523964383311_6adadeb2e6f55f2a74b8354be121c986.jpg
Đột quỵ không còn là bệnh của người già mà hiện có xu hướng trẻ hóa. 16% các ca đột quỵ xảy ra với những người dưới 50 tuổi.

Đột quỵ không còn là bệnh của người già mà hiện có xu hướng trẻ hóa. 16% các ca đột quỵ xảy ra với những người dưới 50 tuổi. Cứ 2 người đột quỵ thì mất đi một lao động. Một người bị đột quỵ trong gia đình, nhiều người phải dành thời gian công sức, tiền bạc để chăm lo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, để giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động…, chúng ta cần đẩy mạnh can thiệp cộng đồng, song song đó nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch - yếu tố quyết định sự sống còn, giảm tỷ lệ tàn tật, nâng cao chất lượng sống và sống không phụ thuộc cho người bệnh.

Chi phí toàn cầu ước tính của đột quỵ là hơn 890 tỷ USD (0,66% tổng GDP toàn cầu). Sự gia tăng liên tục gánh nặng của đột quỵ là một thách thức lớn đối với các hệ thống y tế trên thế giới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%. Cứ 2 người bị đột quỵ thì mất đi 1 lao động, cho dù điều trị tại trung tâm chất lượng cao.

Dự báo các nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật trên thế giới vào năm 2050 vẫn tập trung vào 4 căn bệnh không lây nhiễm hàng đầu: bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, đái tháo đường, COPD. Đột quỵ đứng hàng thứ 2.

An Quý