Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp – Đặt nền móng cho vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số
“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để thanh niên Việt Nam hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường.”
Sáng 20/4, tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII. Sự kiện không chỉ là sân chơi trí tuệ cho thế hệ trẻ mà còn là thông điệp chính trị - xã hội mạnh mẽ về yêu cầu đổi mới tư duy phát triển đất nước trong bối cảnh kỷ nguyên số đang chuyển động không ngừng.
Tiếp nối hào khí tháng Tư, kiến tạo không gian khởi nghiệp không giới hạn
Trong không khí thiêng liêng của tháng Tư lịch sử – thời khắc cả dân tộc tưởng nhớ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 – Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng” của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong công cuộc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hôm nay. Theo đó, thanh niên cần là lực lượng tiên phong kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đại, một hệ giá trị mới thúc đẩy liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – nhà đầu tư – chính sách.

Từ gần 2.239 dự án đã tham gia suốt 7 kỳ tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” trở thành minh chứng sống động cho sức sáng tạo bền bỉ, ý chí tự lực tự cường và khát vọng đóng góp của thế hệ trẻ. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm trước. Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng tăng, cho thấy xu hướng phát triển tích cực nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách hơn về chất lượng và tính bền vững của hệ sinh thái này.
Vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là tạo thêm không gian để khởi nghiệp, mà còn phải xây dựng được cơ chế vận hành đồng bộ, hỗ trợ toàn diện từ chính sách pháp lý, tài chính, đào tạo nhân lực đến liên kết thị trường. Khởi nghiệp không thể là “phong trào ngắn hạn”, càng không thể là “sân chơi thử nghiệm” thiếu chiến lược. Đây phải là một phần trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia, được thúc đẩy bằng cả hệ thống chính trị, và gắn liền với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Động lực chiến lược của nền kinh tế tri thức
Một trong những thông điệp trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại Ngày hội là: “Muốn thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai, chúng ta phải đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào trung tâm.” Đây không chỉ là tuyên bố chính trị mà còn là định hướng chiến lược có tính sống còn trong cuộc đua toàn cầu hóa hiện nay.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo và chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng chi phối sâu sắc các nền kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nghị quyết đã nêu rõ nhiệm vụ phải “có chính sách đủ mạnh” để khơi thông và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Năm 2024, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo đạt 529 triệu USD – một con số đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Hà Nội và TPHCM đã lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, nếu đặt trong so sánh khu vực và toàn cầu, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được vị thế trung tâm đổi mới sáng tạo như kỳ vọng của Chính phủ.
Trọng trách này không chỉ thuộc về một bộ, ngành hay tổ chức riêng lẻ, mà cần một chiến lược tổng thể, sự phối hợp liên ngành và sự đồng hành của toàn xã hội. Điều quan trọng hơn cả là làm sao để chuyển hóa được tinh thần khởi nghiệp thành lực đẩy thực chất của nền kinh tế tri thức – nơi mỗi ý tưởng, mỗi sản phẩm sáng tạo của thanh niên Việt Nam đều có thể trở thành tài sản quốc gia, là biểu tượng của trí tuệ và bản lĩnh dân tộc trong hội nhập toàn cầu.
Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững – Giao nhiệm vụ lịch sử cho thế hệ trẻ
Khởi nghiệp trong thời đại số không còn chỉ là vấn đề của ý tưởng và vốn đầu tư, mà là bài toán tổng thể của chiến lược quốc gia. Đó là lý do tại sao Thủ tướng đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của thanh niên – thế hệ chủ nhân tương lai – trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Từ Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu trong kháng chiến đến thế hệ trẻ dấn thân vì đổi mới, hội nhập, thanh niên Việt Nam luôn chứng tỏ là lực lượng tiên phong, “rường cột của nước nhà” như lời Bác Hồ căn dặn. Ngày nay, giữa dòng chảy của công nghệ và toàn cầu hóa, sứ mệnh của thanh niên không còn gói gọn trong các phong trào tình nguyện, mà là chủ động nắm bắt tri thức mới, dẫn đầu các xu thế mới, hình thành các mô hình kinh doanh đổi mới và bền vững.
Vì vậy, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ là kiến trúc chính sách, mà còn là một quá trình nuôi dưỡng tư duy, khơi dậy đam mê, lan tỏa trách nhiệm và niềm tin. Không gian khởi nghiệp không giới hạn chỉ thực sự hiện hữu khi được kết nối bởi niềm tin xã hội, bởi sự chung tay của nhà trường, doanh nghiệp, nhà nước và đặc biệt là bởi niềm tin vào trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi thế hệ trẻ “hãy hành động bằng tất cả tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin và tự hào dân tộc”, biến từng giấc mơ khởi nghiệp thành sự thật, đưa Việt Nam không chỉ bắt kịp mà vượt lên trên trong kỷ nguyên số. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.