Khoa học

Hội nghị khoa học quốc tế iCEBD 2025: Thúc đẩy phát triển bền vững trong thời đại số

Như Ý 19/04/2025 15:17

Với chủ đề “Phát triển và hội nhập trong kỷ nguyên số: Đổi mới vì sự bền vững”, hội nghị khoa học quốc tế “Kinh tế và kinh doanh trong thời đại số” lần thứ 2 - iCEBD 2025 đã mở ra cơ hội giao lưu học thuật cho các giảng viên, sinh viên, chuyên gia, trẻ, đồng thời cập nhật các xu hướng nghiên cứu hiện đại, xây dựng nền tảng hợp tác dài hạn với các tổ chức học thuật trong và ngoài nước.

Ngày 18/4/2025, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) phối hợp với Văn phòng phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Kinh tế và Kinh doanh trong thời đại số” lần thứ 2 - iCEBD 2025. Với chủ đề “Phát triển và Hội nhập trong kỷ nguyên số: Đổi mới vì sự bền vững”, hội nghị là diễn đàn học thuật uy tín, quy tụ đông đảo học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam... cùng đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

uef01401.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “Kinh tế và Kinh doanh trong thời đại số” lần thứ 2 - iCEBD 2025.

Diễn đàn học thuật liên ngành, kết nối nghiên cứu và thực tiễn

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng UEF khẳng định: “Hội nghị là nền tảng trao đổi học thuật được đánh giá cao, kết nối các học giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, giảng viên và nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế. Đây là cầu nối giữa kiến thức hàn lâm và thực tiễn, khuyến khích đối thoại liên ngành và hợp tác nghiên cứu chuyên sâu…”.

Phiên toàn thể thu hút sự chú ý với phần trình bày của hai diễn giả chính: GS. Eric Jose Olmedo Panal – Viện trưởng Viện Quốc tế UEF và TS. Alrence Santiago Halibas – Giảng viên cao cấp Đại học RMIT Việt Nam.

uef01547.jpg
GS. Eric Jose Olmedo Panal – Viện trưởng Viện Quốc tế UEF phát biểu.

GS. Eric Jose Olmedo Panal – Viện trưởng Viện Quốc tế UEF, trình bày tham luận “Trải nghiệm du lịch trong kỷ nguyên số”, phân tích tác động của công nghệ, AI, dữ liệu lớn và metaverse đến ngành du lịch, đồng thời đặt ra thách thức phát triển du lịch bền vững trong thời đại số.

TS. Alrence Santiago Halibas – Giảng viên cao cấp Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ nghiên cứu về “Ứng dụng phương pháp NCA và fsQCA trong môi trường kinh doanh số”, nhấn mạnh vai trò của công cụ phân tích định lượng - định tính trong nghiên cứu hành vi người dùng và ra quyết định kinh doanh.

Các tham luận đã mở ra nhiều góc nhìn liên ngành, thu hút sự trao đổi sôi nổi từ các đại biểu tham dự.

PGS. Rajeev Kumar – đại diện Đại học Doon (Ấn Độ) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với tinh thần học thuật và sự hiếu khách của UEF. Các tham luận mang tính thực tiễn và có chiều sâu, thể hiện tư duy đa chiều và tiếp cận hiện đại…”.

icebd-2025-1.jpg
Ban tổ chức tri ân các đơn vị đồng hành, làm nên sự thành công cho hội nghị iCEBD 2025.

Tư duy học thuật trẻ, phản ánh thách thức thời đại

Sau phiên toàn thể, hội nghị tiếp tục với 6 phân ban chuyên sâu: Kinh tế, Marketing, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Kế toán, Du lịch - Môi trường, Hội nhập quốc tế, cùng một phiên trực tuyến quốc tế.

  • Phân ban Kinh tế tập trung vào các vấn đề vĩ mô như thương mại tự do, năng suất quốc gia, ổn định tài khóa,... Trong đó, bài tham luận “Competitive trade openness improves sovereign solvency in low - and middle - income countries” được trao giải Best Presentation nhờ phương pháp nghiên cứu đa quốc gia và phân tích dữ liệu thuyết phục.
  • Phân ban Marketing phản ánh rõ xu hướng số hóa thông qua các đề tài về TikTok, AI và tiếp thị trải nghiệm. Bài nghiên cứu “Trust and flow experience in TikTok live streaming - new media and consumer decision-making among Gen Z” được đánh giá cao và giành giải Best Presentation.
  • Phân ban Quản trị Doanh nghiệp gây chú ý với các nghiên cứu về chuyển đổi số tại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiêu biểu là tham luận “Digital transformation in Vietnamese SMEs: A strategic approach for sustainability”.
  • Phân ban Tài chính - Ngân hàng khai thác các vấn đề như fintech, quản lý rủi ro và công nghệ tài chính. Bài nghiên cứu đoạt giải Best Presentation mang tên “Predicting trends in the use of new technologies in the financial sector: An empirical analysis” đưa ra các mô hình dự báo hành vi ứng dụng công nghệ mới trong tài chính.
  • Phân ban Du lịch - Môi trường đề cập công nghệ VR trong bảo tồn di sản và truyền thông du lịch xanh. Bài nổi bật: “The role of VR technology in innovation and sustainable development of Indochine heritage tourism in the interior of Hue Royal Palace”.
  • Phân ban Hội nhập quốc tế tập trung vào thương mại, đầu tư, và công trình xanh với tham luận đáng chú ý “The criteria of green buildings toward sustainability”.
  • Phiên trực tuyến quy tụ các học giả quốc tế trình bày về ngân hàng số, hành vi tiêu dùng số, và chuyển đổi tài chính tại Đông Nam Á, mang đến bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế số khu vực.

Hội nghị iCEBD 2025 nhận được hơn 160 bài viết, trong đó có hơn 100 bài được chọn đăng trong kỷ yếu. Với 7 phân ban tổ chức chuyên nghiệp và sự tham gia đông đảo học giả, hội nghị đã trở thành diễn đàn học thuật đa dạng, kết nối mạnh mẽ giữa nghiên cứu – thực tiễn – doanh nghiệp.

Đặc biệt, sự kiện mở ra cơ hội giao lưu học thuật cho các giảng viên, sinh viên, chuyên gia trẻ, đồng thời cập nhật các xu hướng nghiên cứu hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng hợp tác dài hạn với các tổ chức học thuật trong và ngoài nước.

Thông qua iCEBD 2025, các đơn vị tổ chức tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối tri thức, góp phần thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế trong cộng đồng học thuật Việt Nam.

Như Ý