Lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép gan cho bệnh nhi từ người hiến chết não
Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã thành công, đem lại hy vọng sống cho một bé gái 21 tháng tuổi. Câu chuyện đầy cảm động này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử ghép tạng tại bệnh viện.
Chiều 18/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có buổi thông tin về ca ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên từ người hiến chết não vừa được bệnh viện thực hiện thành công tại bệnh viện.

Vượt xe máy gần 290km để cứu con
Thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Khoa Gan Mật Tuỵ và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vào chiều ngày 6/4, bệnh viện nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, liên quan đến một trường hợp hiến tạng đặc biệt.
Người hiến là nam bệnh nhân 50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, được chẩn đoán xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, đã được xác định chết não tại Bệnh viện Quân y 175. Theo nguyện vọng của gia đình, bệnh nhân được đăng ký hiến tạng cứu người. Trong số các bộ phận được hiến, một phần gan trái đã được điều phối về Bệnh viện Nhi đồng 2 để thực hiện ghép cho bệnh nhi.

Ngay lập tức Hội đồng chuyên môn Ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành hội chẩn và tìm được người nhận gan phù hợp. Bệnh nhi được chọn để ghép là bé gái N.T.N., sinh năm 2023, ngụ tại tỉnh Đắk Nông. Trước đó, bé mắc bệnh lý xơ gan, PFIC (ứ mật trong gan tiến triển) suy giáp, vàng da tiến triển, chỉ số ghép gan là 26 và cần được ghép gan càng sớm càng tốt.
“Khi bé 7 tháng tuổi, bác sĩ có thông báo bệnh của con không có thuốc chữa và chỉ có hy vọng duy nhất là ghép tạng. Đó là điều mà vợ chồng tôi chưa từng nghĩ đến, chưa từng chuẩn bị tâm lý. Ban đầu vợ chồng tôi chưa đồng ý, sau nhiều ngày trăn trở, nhìn con ngày ngày chống chọi với bệnh tật, vợ chồng suy nghĩ hay là mình cứ làm đi, làm được đến đâu thì làm miễn là cứu được con. Gia đình đã đi xét nghiệm, nhưng hy vọng lại tan vỡ vì kết quả không phù hợp để hiến tạng cho con” - chị Lê Thị Tâm, 36t mẹ bệnh nhi được ghép tạng nói.

Tưởng như mọi cánh cửa đã khép, khi đang ở nhà, bệnh viện thông báo có bệnh nhân chết não, phù hợp hiến tạng cho bé. Gia đình mừng rơi nước mắt. Nhưng niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì khó khăn lại ập tới khi bác sĩ bảo nhập viện gấp thì chuyến xe khách cuối cùng từ Đăk Nông xuống TP.HCM đã rời bến. Hai vợ chồng đành vội vã chở con bằng xe máy, vượt gần 290 cây số trong đêm, chỉ với một ước vọng duy nhất giành lấy sự sống cho con.
“3 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi cho con làm các xét nghiệm, chúng tôi nghe bác sĩ tư vấn về việc ghép tạng cho con. Cảm xúc lúc ấy vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Mừng vì đã có người hiến tạng cho con mình, lo vì con quá yếu chỉ hơn 6kg, nên có hồi phục được không, có để lại di chứng không. Và rồi, vì sự sống của con nên gia đình của tôi đã đồng ý ghép tạng” - chị Tâm bộc bạch.
Sau khi người hiến được đánh giá chết não lần thứ ba, đến 15 giờ ngày 7/4, ekip lấy gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 175, phối hợp cùng các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành hội chẩn toàn ekip và thực hiện quy trình lấy gan.
Trong suốt quá trình này, ekip lấy gan liên tục cập nhật tình hình về cho đội ngũ phẫu thuật đang chuẩn bị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngay sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người hiến, phần gan trái nặng 240 gram đã được bàn giao cho Bệnh viện Nhi đồng 2 trong điều kiện đảm bảo nghiêm ngặt về thời gian và bảo quản tạng.

Với sự hỗ trợ khẩn trương của lực lượng Cảnh sát giao thông, đến 20 giờ ngày 7/4, phần gan trái đã được vận chuyển an toàn về Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiến hành ghép cho bệnh nhi.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi đã được tiến hành khẩn trương. Đến 18 giờ cùng ngày, ca mổ chính thức bắt đầu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đánh dấu bước đầu cho hành trình hồi sinh sự sống cho bé gái nhỏ tuổi mắc bệnh gan hiếm gặp. Ca phẫu thuật kéo dài suốt đêm và kết thúc vào gần 2 giờ sáng ngày 8/4. Sau đó, bé được chuyển đến khoa Hồi sức để theo dõi chặt chẽ.

Vỡ òa giây phút gặp lại con
Chỉ sau 7 giờ phẫu thuật, bệnh nhi đã được cai máy thở thành công. Sau 3 ngày hậu phẫu, bé tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, không sốt và được chuyển về khoa Gan Mật Tuỵ và Ghép gan để tiếp tục theo dõi và chăm sóc. Đến ngày 17/4, bệnh nhi đã có thể ăn cháo trở lại, chức năng gan cải thiện tích cực. Dự kiến, bé sẽ được cai máy thở hỗ trợ hoàn toàn vào ngày hôm sau, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phục hồi sau ghép.
“Ngày gia đình tôi được gặp con, giây phút con nhận ra ba mẹ òa lên khóc nức nở, cảm xúc tôi vỡ òa sau bao ngày lo lắng, không có điều gì có thể diễn tả được hết được cảm xúc lúc đấy. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn người hiến tạng, đội ngũ y bác sĩ đã cho con tôi cơ hội được sống và khỏe mạnh” - chị Lê Thị Tâm xúc động nói.
Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện là đơn vị chuyên khoa Nhi tuyến cuối duy nhất tại khu vực phía Nam tiên phong thực hiện ghép tạng cho trẻ em, bao gồm ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc. Trong đó, ghép gan được xem là phương pháp điều trị triệt để duy nhất cho bệnh nhi mắc bệnh gan mạn tính giai đoạn cuối.

Theo TS.BS Trần Thanh Trí – Trưởng khoa Gan-Mật-Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, việc lấy tạng từ người hiến chết não ghép cho bệnh nhi đã được các bác sĩ ấp ủ nhiều năm nay, nhưng việc thực hiện không dễ dàng do liên quan đến pháp lý và tính nhân văn.
“Tôi đã chứng kiến nhiều trẻ không có người nhà phù hợp hiến tạng. Nguồn tạng cho bệnh nhi từ người cho chết não rất hiếm và khó khăn. Trong năm 2023, cả nước chỉ có 13 trường hợp hiến tạng từ người chết não, rất may mắn từ cuối năm 2024 đến nay, hầu hết tháng nào cũng có cuộc gọi thông báo người hiến tạng do chết não. Đó là tín hiệu vui”, bác sĩ Thanh Trí chia sẻ thêm.
Các bác sĩ cũng cho biết, việc thực hiện ca ghép gan từ người cho chết não đòi hỏi sự chuẩn bị và tốc độ hành động nhanh hơn nhiều so với ghép từ người hiến sống. Với nguồn tạng từ người hiến chết não, "thời gian vàng" chỉ vỏn vẹn 7 giờ để thực hiện ca ghép, trong khi ghép từ người hiến sống có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị.
Với tỷ lệ thành công ngày càng cao, chỉ định ghép gan cho trẻ em đã được mở rộng, đồng thời kéo theo nhu cầu gan hiến ngày càng tăng. Bắt nhịp với xu hướng phát triển ghép tạng của thế giới, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang đẩy mạnh các ca ghép gan từ người cho chết não, nhằm mở rộng cơ hội sống cho các bệnh nhi có bệnh lý gan nặng, giai đoạn cuối. Trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã nhận được chuyển giao kỹ thuật chia gan từ người hiến chết não của Viện Saint Luc (Vương quốc Bỉ) và các Trung tâm ghép tạng khác trong nước.

Nhìn lại chặng đường đã qua và hướng tới tương lai, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 bày tỏ: Đây là ca ghép gan từ người hiến chết não đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện, đồng thời cũng là ca ghép gan thứ 50, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong hành trình 20 năm triển khai kỹ thuật ghép gan tại đây.
Thành quả này không chỉ thể hiện sự trưởng thành về chuyên môn và sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong hệ thống y tế, mà còn là lời tri ân đặc biệt của tập thể bệnh viện hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực cho chúng tôi tăng tốc thực hiện nhiều ca ghép gan và ghép các tạng khác trong thời gian sắp tới.
Hiện, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa cho phép trẻ em hiến tạng. Do đó từ trước đến nay, trẻ em mắc bệnh gan mật thường chỉ được ghép tạng thông qua nguồn tạng duy nhất đó là do người thân còn sống trong gia đình hiến tặng. Vì thế, với việc tách đôi lá gan từ người hiến tạng là người lớn chết não để chia một phần gan nhỏ ghép cho trẻ được xem là cơ hội cho bệnh nhi tiếp cận thêm một nguồn tạng hiến ý nghĩa.
Bệnh viện Nhi đồng 2, ekip ghép gan, thân nhân bệnh nhi chân thành cảm ơn Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức việc lấy tạng người hiến chết não. Bệnh viện dành sự tri ân sâu sắc đến người hiến và gia đình người hiến, bởi nghĩa cử thật cao đẹp, giàu nhân văn, đã tiếp nối cho nhiều cuộc đời được sống!