Điều trị thành công ca ngừng tim phức tạp do nhồi máu cơ tim cấp
Ngày 9/4, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có buổi chia sẻ thông tin về ca điều trị thành công cho NSND Thanh Tuấn, bệnh nhân 75 tuổi bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp với ba nhánh mạch vành bị tắc nghẽn kèm vôi hóa mạch máu nặng
Trước đó, bệnh nhân đã có tiền căn hẹp mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Vào ngày 24/3, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng ho, nặng ngực tăng dần, khó thở phải thở oxy mask và suy hô hấp nặng. Đến tối ngày 25/3, bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngừng tim.
BS.CKII Trầm Minh Toàn - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay khi tiếp nhận, Bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, thở máy... Sau 15 phút, tim bắt đầu có dấu hiệu đập trở lại, bệnh nhân được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu rạng sáng ngày 26/3.
Đến khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã hôn mê sâu, phù phổi cấp phải thở máy, cần duy trì thuốc nâng HA và tăng co bóp cơ tim. Sau khi tiến hành các cận lâm sàng và hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngưng tim và suy đa cơ quan, phải thực hiện lọc máu liên tục, điều trị hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp đa chuyên khoa gồm khoa Hồi sức cấp cứu, Tim mạch can thiệp, Nội tim mạch, Điều trị rối loạn nhịp, Nội hô hấp, Nội thần kinh và thống nhất đi đến quyết định thiết lập ECMO cấp cứu kết hợp với can thiệp mạch vành tại phòng thông tim ngay trong ngày.

Chia sẻ về thử thách khi tiến hành phương án điều trị này, BS.CKII Trần Thanh Linh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, việc thiết lập ECMO ngay tại phòng thông tim khá hy hữu và không phải là việc làm thường quy do tính rủi ro mà nó mang lại. Bởi, một khi đã can thiệp ECMO đồng nghĩa với việc mức độ nguy kịch của bệnh nhân tại thời điểm đó là rất cao.
Chính vì vậy, đội ngũ ekip vừa phải chạy đua với thời gian để tái thông mạch vành, vừa phải phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như thiếu oxi, suy thận… có thể gây ngừng tim. Song song đó, việc thiết lập ECMO tại phòng thông tim cũng sẽ trở ngại hơn so với bình thường bởi vấn đề huy động đội ngũ từ khoa Hồi sức cấp cứu, vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ vật tư… đến phòng thông tim. Đây cũng là kỹ thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cả ekip, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến kết quả không mong muốn.
Trong quá trình thực hiện, động mạch LAD 1 của bệnh nhân bị tắc từ lỗ xuất phát trên nền mạch máu bị vôi hóa rất nặng. BS.CKII Lý Ích Trung – Phó khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc tái thông mạch vành thông thường đã khó, can thiệp đối với trường hợp này lại càng khó khăn hơn. Bởi, mạch máu bị vôi hóa, san thương gần như không còn đủ diện tích để có thể đặt stent. Ekip buộc phải can thiệp khoan cắt, bào mòn xuyên qua mãng vôi hóa bằng Rotablator, nong bóng, thành công đặt 3 stent.
“Đặc biệt, kỹ thuật này cũng đòi hỏi bác sĩ phải cực kỳ cẩn trọng do đầu khoan mảnh, đi trong lòng mạch máu rất nhanh và cấu trúc mạch máu cũng rất hiểm trở. Tình huống này buộc ekip phải xử trí nhanh chóng, linh hoạt, khéo léo, hạn chế tối đa tổn thương gây toan chuyển hóa, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân ngay tại thời điểm đó” - BS.CKII Lý Ích Trung nói.
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được duy trì ECMO; thở máy; lọc máu liên tục; kiểm soát nhiệt độ bảo vệ não tại ICU (hồi sức tích cực). Ngày 28/3 bệnh nhân được cai máy thở. Ba ngày sau bệnh nhân được cai ECMO. Trước đó, các bác sĩ quyết định rút nội khí quản sớm trước khi cai ECMO để bảo vệ thanh quản của bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân hồi phục tốt, tình trạng ổn định, sức khỏe dần phục hồi.

Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - BS.CKII Phạm Thanh Việt nhận định, đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 90% và có thể gây di chứng nặng nề cho bệnh nhân nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
“Nhờ vào sự phối hợp khẩn trương, hiệu quả giữa các chuyên khoa từ Cấp cứu đến Hồi sức Cấp cứu, Nội thần kinh, Trung tâm tim mạch.. cùng với tinh thần "dám nghĩ, dám làm", đội ngũ y bác sĩ đã đem đến kết quả "ngoạn mục", giúp NSND Thanh Tuấn hồi phục gần như hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Đây cũng là trường hợp đầu tiên ở khu vực phía Nam điều trị thành công đối với ca bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, kèm mạch máu vôi hóa nặng nguy hiểm này” - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm.