Dòng chảy

TP.HCM kiến nghị về giải pháp nâng mức sinh, nâng cao chất lượng và thích ứng già hóa dân số

Thành Minh02/04/2025 - 09:16

Ngày 1/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội do ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dân số giai đoạn 2018-2024.

Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy, đại diện lãnh đạo các sở ngành Thành phố, UBND một số quận.

TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra

Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về dân số trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018-2024, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong giai đoạn 2018-2024, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện chính sách, pháp luật về dân số. Các văn bản chính sách, pháp luật về dân số của Thành phố luôn được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, đồng thời là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề còn tồn tại của công tác dân số, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động cụ thể đối với công tác dân số trong tình hình mới.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dân số: trong quá trình triển khai, Thành phố ghi nhận nhiều cách làm hay, chủ động sáng tạo của các đơn vị phối hợp trong hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số.

Quy mô dân số Thành phố tính đến cuối năm 2024 là 9.521.886 người; tỷ suất sinh thô năm 2024 là 12,22‰, tăng so với năm 2023 (12,15‰). Hiện nay, tổng tỷ suất sinh tại TP.HCM năm 2024 là 1,39 con, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,91 con của cả nước. Thống kê số liệu từ năm 2000 đến nay cho thấy, tổng tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm (năm 2000 là 1,76 so với năm 2023 là 1,32), xuống rất thấp vào năm 2016 là 1,24, xu hướng khôi phục theo hướng tăng xảy ra rất ít ở thời điểm năm 2013 là 1,68.

Nhờ đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng, trong giai đoạn 2018-2024, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đạt trên 70%, trong đó sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại duy trì đều ở mức trên 60%. Thành phố kéo giảm tỷ số nạo phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn.

HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi; Hỗ trợ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo được thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh với tổng số tiền là 2 triệu đồng/người.

Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân Thành phố và một số giải pháp chủ yếu góp phần làm tăng tổng tỷ suất sinh giai đoạn 2025-2030. Đề án là tổng thể các giài pháp để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, vấn đề già hóa dân số và vấn đề nâng cao chất lượng dân số của Thành phố. Trong Đề án, có nội dung chính của khung chính sách tổng thể giải quyết các vấn đề dân số của Thành phố, từ khung cơ bản này các Sở ngành của Thành phố sẽ có trách nhiệm tham mưu chính sách theo phân công cụ thể để xây dựng và trình chính sách.

Kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 74,2%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 18,2% và 7,5%, tỷ số phụ thuộc chung là 34,7% và chỉ số già hóa là 65,2%. Các số liệu này cho thấy Thành phố hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, đây là thời kỳ mang lại nhiều cơ hội và thách thức, giúp phát triển kinh tế, gia tăng sự đóng góp của lao động trong quá trình phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao.

Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức hợp lý từ 106 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong giai đoạn 2018-2024, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Bên cạnh đó, ngành Dân số Thành phố đã mạnh dạn áp dụng, triển khai các mô hình truyền thông mới trong thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hiện nay, số người cao tuổi tại Thành phố đứng thứ hai cả nước, khiến Thành phố phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh “Già hóa Dân số”. Tính đến năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi tại Thành phố đã tăng lên 11,87%. Trong vòng 7 năm (2017-2024), số lượng người cao tuổi tăng thêm 243.500 người, bình quân mỗi năm tăng gần 35.000 người. Sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tốc độ già hóa tại TP.HCM đang vượt qua các dự báo trước đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng đông.

Về phân bố dân số, Thành phố có sự phân bố dân số không đồng đều, tập trung tại các quận trung tâm với mật độ dân số rất cao, có 04 quận có mật độ dân số rất cao là Quận 4 (42.225 người/km2), Quận 10 (40.043 người/km2), Quận 11 (41.181 người/km2), Quận 3 (38.604 người/km2). Trong khi đó, huyện Củ Chi, Cần Giờ có mật độ dân số khá thấp; thành phố Thủ Đức có số dân đông nhất với 1.233.101 người, có 03 quận, huyện có dân số trên 700 ngàn dân (quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh), có 01 quận, huyện có dân số trên 600 ngàn dân (Quận Gò Vấp), 02 quận, huyện trên 500 ngàn dân (huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi), các quận, huyện còn lại dưới 500 ngàn dân. Trên 90% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong giai đoạn 2018-2024, Thành phố đã triển khai thực hiện tốt các hoạt động chương trình nâng cao chất lượng dân số, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu, cụ thể như: Phát triển, lồng ghép các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh;...

Kiến nghị đưa vào Dự thảo Luật Dân số 3 nhóm chính sách lớn

Tại buổi làm việc, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tổng thể trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa đô thị và nông thôn (chính sách phát triển các vùng nông thôn mới), giữa các vùng địa phương (chính sách phát triển liên vùng) để tạo điều kiện cho việc phân bố dân cư hợp lý. Các chính sách về đào tạo nguồn lao động, phải đảm bảo sự hài hòa giữa lực lượng lao động phổ thông và lực lượng lao động có trình độ cao, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại các đô thị lớn nhằm tận dụng nguồn nhân lực dồi dào tại chỗ và tránh sự quá tải về dân cư tại các đô thị lớn. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035 nhằm bảo đảm đầu tư đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa dân số, nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Dân số 3 nhóm chính sách lớn, đó là duy trì mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số và thích ứng già hóa dân số, cụ thể:

Giải pháp về nâng mức sinh: Đưa nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con” hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ 3 tại các vùng có mức sinh thấp. Trung ương cần có chính sách kiểm soát mức sinh linh hoạt cho các các tỉnh, thành phố trên cơ sở khung mức sinh của Quốc gia; điều chỉnh mức sinh đồng bộ giữa các tỉnh có mức sinh thấp. Có sự đồng bộ chính sách, của một hệ thống các chính sách được liên kết với nhau cụ thể như về an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống, nhà cửa, thuế thu nhập cá nhân,… trong giải quyết vấn đề để các cặp vợ chồng trẻ có thể thật sự yên tâm sinh con và sinh đủ hai con.

Giải pháp về nâng cao chất lượng dân số: Cần ban hành chính sách đặc thù về nâng cao chất lượng dân số. Xây dựng và hướng dẫn triển khai các quy trình tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia tư vấn và cung cấp các dịch vụ về khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng bước đưa các xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm và can thiệp, điều trị kịp thời một số loại dị tật, bệnh, các rối loạn chuyển hóa thường gặp theo thứ tự ưu tiên vào danh mục do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả nhằm tập trung nâng cao chất lượng dân số ngay trong giai đoạn đầu đời đạt hiệu quả cao.

Giải pháp về thích ứng già hóa dân số: Trung ương cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách dành cho người cao tuổi đặt trong mối tương quan phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người cao tuổi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tuổi già tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác…

Về tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục có những chủ trương, giải pháp nhằm củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở các cấp, cũng như công tác phối hợp liên ngành trong công tác dân số; Chỉ đạo hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đầu tư các sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân, tăng cường xã hội hóa và có chính sách thu hút, hỗ trợ cho các đơn vị tư nhân tăng cường đầu tư các sản phẩm truyền thông có chất lượng liên quan đến vấn đề dân số.

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, cơ bản TP.HCM thực hiện tốt chính sách dân số với các công tác tuyên truyền rất đa dạng. Chính vì vậy mà mặc dù tỷ suất sinh của Thành phố thấp nhưng dân số thành phố vẫn trong cơ cấu dân số vàng. Thành phố nên tận dụng hiệu quả thời cơ dân số vàng để phát triển tốt hơn vì thời điểm dân số vàng của thành phố không còn nhiều. Bên cạnh đó, các thành viên đoàn giám sát cũng nêu những vấn đề như: tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng giảm, phân bố dân cư không đồng đều, công tác chăm sóc người cao tuổi, nâng cao sức khỏe dân số, đào tạo đội ngũ y tế,… Những vấn đề nêu trên đã được đại diện lãnh đạo các sở ngành Thành phố thông tin, làm rõ nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

pct.jpeg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết công tác dân số đối với TP.HCM rất quan trọng, thường xuyên được lãnh đạo Thành phố quan tâm, cái gì làm được là làm ngay, không e ngại. Gần đây, HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết khuyến sinh.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Thị Diệu Thúy cho biết Thành phố sẽ nghiên cứu triển khai tại Thành phố và mong rằng sau hoạt động giám sát, đoàn sẽ có ý kiến với Chính phủ trong xây dựng luật và các chính sách có liên quan về dân số.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, TP.HCM về cơ bản thực hiện tốt các chính sách về dân số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của Thành phố trong triển khai thực hiện công tác dân số do những yếu tố đặc thù và khác biệt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị TP.HCM nên tận dụng hiệu quả thời cơ dân số vàng để phát triển tốt hơn vì thời điểm dân số vàng của thành phố không còn nhiều.

Liên quan đến tỷ suất sinh thấp, đây là xu hướng chung của cả nước, TP.HCM cũng không khác hơn được. Tuy nhiên, Thành phố có thể xem xét rõ hơn tỷ suất sinh này trong mốc thời gian vài năm vì lao động nhập cư đến thành phố sinh sống và làm việc nhiều, sau vài năm làm việc ở thành phố rồi về quê lập gia đình, sinh con. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân mà kết quả thống kê bị ảnh hưởng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cũng đề nghị TP.HCM quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; bố trí ngân sách nhiều hơn cho công tác dân số.

Ông cũng đề nghị TP.HCM tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo gửi đoàn giám sát tổng hợp để có báo cáo chính thức trình Quốc hội.

Thành Minh