TP.HCM có nhiều chính sách đãi ngộ phát triển khoa học công nghệ cho thanh niên
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Võ Minh Thành cho biết, TP.HCM có nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hỗ trợ tài chính,... cho thanh niên, nhà khoa học.

Sáng 28/3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với thanh niên năm 2025.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM; bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Ngô Minh Hải - Bí thư Thành đoàn TP.HCM cùng hơn 1.000 thanh niên tham dự trực tiếp và trực tuyến.
TP.HCM sẵn sàng chung sức, hỗ trợ thanh niên
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM - nhận định TP.HCM là nơi có nguồn tài nguyên đặc biệt, là cửa ngõ giao thương quốc tế và khu vực. Đây cũng là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, TP.HCM là nơi khởi nguồn, thí điểm nhiều cơ chế chính sách, đặc biệt là về kinh tế thị trường.

TP.HCM cũng là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, phong phú, chất lượng cao. Bên cạnh Hà Nội, TP.HCM có đội ngũ chuyên gia, trí thức và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu đang sinh sống và làm việc.
Từ những điều trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định vấn đề đặt ra là khai thác nguồn tài nguyên đặc biệt này như thế nào để TP.HCM phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí đó.
Để phát triển Thành phố trước mắt và lâu dài, TP.HCM sẽ tập trung vào đầu tư công, đầu tư mạnh mẽ cho giao thông tạo ra dư địa mạnh mẽ để phát triển Thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM tập trung chiến lược phát triển xanh và số. Từ đó, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu với trung tâm đổi mới sáng tạo, start-up; trung tâm khởi trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm về trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm về chip bán dẫn...
Trước những định hướng của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, ước mơ, hoài bão của thanh niên để ứng xử với nguồn tài nguyên đặc biệt của thành phố. Từ đó, giúp lãnh đạo thành phố nắm bắt, hỗ trợ thanh niên thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, lãnh đạo TP.HCM sẵn sàng chung sức, hỗ trợ thanh niên thực hiện những ước mơ, hoài bão góp phần phát triển thành phố.
"Những vấn đề giải quyết ngay sẽ được trả lời trực tiếp tại hội nghị, còn những vấn đề cần thời gian nghiên cứu, thành phố sẽ giải quyết và trả lời sau hội nghị", ông Nguyễn Văn Được chia sẻ.
Cần có thêm đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất, hiến kế liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển giao thông công cộng, y tế,... được các thanh niên gửi đến lãnh đạo TP.HCM.
Bạn Nguyễn Minh Kha - Phó Bí thư Huyện Đoàn Cần Giờ - quan tâm đến việc triển khai các dự án, chương trình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Cần Giờ gắn với phát triển du lịch sinh thái biển, chủ trương phát triển Cần Giờ xanh. Cụ thể, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối Cần Giờ với khu vực trung tâm (Cầu Cần Giờ, tuyến Metro từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ, phát triển giao thông đường thủy).
.jpg)
PGS.TS. Lê Thanh Long - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM - đề xuất giải pháp trong việc đào tạo và thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
"Thành phố cần tạo cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn, đồng thời tạo thêm cơ hội việc làm cho các nhà khoa học trẻ. Việc hợp tác này có thể được thực hiện thông qua các chương trình thực tập, dự án nghiên cứu chung, cũng như hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ", PGS.TS. Lê Thanh Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Lê Thanh Long cho rằng cần xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân tài. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ tài chính, Thành phố cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn, bao gồm: lương thưởng cạnh tranh, hỗ trợ nhà ở, điều kiện làm việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các giảng viên, nhà khoa học và chuyên gia công nghệ cao. Điều này sẽ giúp thu hút nhân tài trong nước cũng như các chuyên gia Việt kiều về cống hiến cho Thành phố.

Tại hội nghị, ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết TP.HCM đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, về vấn đề nhân lực, TP đã ban hành nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chẳng hạn như đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành); chính sách tuyển dụng công chức, viên chức từ sinh viên; chính sách thu hút chuyên gia nằm trong Nghị quyết 98 của Quốc hội, chính sách về tiền lương tiền công,... đã được triển khai.
Về mặt hỗ trợ tài chính, Thành phố đã hỗ trợ cho sinh viên, giảng viên, nhóm nghiên cứu tham gia vào dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như chính sách hỗ trợ không hoàn lại,...
Với Nghị quyết 57, TP.HCM cố gắng tăng mức tổng chi cho hoạt động về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3% trên tổng chi ngân sách.
Theo ông Võ Minh Thành, về phát triển hạ tầng, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (123 Trương Định, quận 3) sẽ đưa vào hoạt động trong quý 2/2025. Dựa theo định hướng, TP.HCM sẽ phát triển khu công nghệ cao đa mục tiêu tại Thành phố Thủ Đức. Hiện nay, TP.HCM tiếp tục mở rộng khu công nghệ cao Thành phố thành khu công viên khoa học công nghệ tại Thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, TP.HCM đã hình thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó giúp kết nối với các chuyên gia trong nước và quốc tế để hình thành mạng lưới phát triển khoa học công nghệ.