TP.HCM giảm hơn 1.800 trường hợp ô tô vi phạm dừng đỗ sau Nghị định 168
Trong quý I/2025, lực lượng CSGT, Công an TP.HCM đã xử lý 12.290 trường hợp xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định, giảm 1.807 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2024.
Ngày 27/3, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP.HCM - đã thông tin về tình trạng phương tiện ô tô dừng đỗ không đúng quy định.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình thời gian qua, lực lượng CSGT, Công an TP.HCM đã tăng cường thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố, trong đó có các trường hợp phương tiện ô tô dừng, đỗ không đúng quy định.
Qua đó, Công an TP.HCM ghi nhận tình trạng phương tiện dừng đỗ không đúng quy định xảy ra chủ yếu ở các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm Thành phố, các tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh bến xe khách, sân bay Tân Sơn Nhất…
Theo thống kê, trong quý I/2025, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 12.290 trường hợp xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định, giảm 1.807 trường hợp (tương ứng 14,7%), so cùng kỳ năm 2024
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, từ khi Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực cùng sự ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT Công an TP.HCM và Công an địa phương, tình trạng vi phạm liên quan việc dừng đỗ trên địa bàn Thành phố đã có một số chuyển biến tích cực.
Công an TP.HCM khẳng định sẽ xử lý nghiêm vi phạm liên quan tới dừng đỗ vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc trên địa bàn TP.HCM. Lực lượng CSGT cũng sẽ tăng giám sát qua hệ thống camera giám sát để xử phạt nguội với hành vi vi phạm về dừng đỗ không đúng quy định.
Theo quy định tại Điều 18, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biệt.
Do đó, nếu thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, quy định tại Điều 11, Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt; tuy nhiên cần lưu ý người điều khiển phương tiện phải thực hiện đúng quy định như nêu trên.
"Lực lượng CSGT sẽ thực hiện các biện pháp xác minh cần thiết để xác định các tình huống cấp thiết, người điều khiển phương tiện cần cung cấp các nội dung cần thiết để làm căn cứ không xử phạt vi phạm hành chính", Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết.