Y học

Bộ Y tế đưa ra 10 khuyến cáo phòng ngừa sởi

An Hương 20/03/2025 - 14:13

Sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.

Bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm và dễ gây thành dịch. Bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.

info-ve-soi.jpg
Nguồn: Bộ Y tế

Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo:

  1. Khi trẻ mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
  2. Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng.
  3. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh Sởi.
  4. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6-9 tháng, 1-10 tuổi nhằm mục đích phòng tránh bệnh sởi và các biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng của bệnh.
  5. Đối với trẻ bị chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi trong tiêm chủng thường xuyên, nhất là ở các vùng dân cư tạm trú, di biến động, vùng sâu, vùng xa... cần được tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi.
  6. Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong chiến dịch tại các điểm tiêm chủng của y tế địa phương.
  7. Vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả; sau khi tiêm có thể có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
  8. Đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
  9. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
  10. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  11. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt cao > 39 độ C, ho, chảy nước mũi, phát ban) hoặc tình trạng khác thường (quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở hay bú kém, bỏ bú sau khi tiêm chủng) cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

An Hương