Y học

Phụ nữ phải đánh đổi sự an toàn của bản thân để giữ tròn thiên chức!

BS.CKII LÊ NGỌC DIỆP 25/02/2025 18:39

Tâm sự này được viết từ một bác sĩ sản khoa, từng xót xa chứng kiến những tai biến của cuộc sinh mà mọi nỗ lực tối đa không níu lại được sự sống của sản phụ. Tâm sự này cũng muốn gửi gắm một điều rằng: Món nợ sinh thành không bao giờ trả hết!

Vòng đời của phụ nữ, đa số sẽ trải qua quá trình mang thai và sinh nở, nó thông thường đến mức nếu ai đó không sinh được con trở thành “có bất thường”. Có bầu thì nghén, bụng to lên thì rạn da, sinh xong thì “bể phọt”, nuôi con thì không có thời gian ngủ đủ giấc. Những diễn biến này ai cũng biết và xem nó thông thường đến mức, những đứa con được sinh ra có vài đứa còn buông lời bất hiếu với mẹ mình mà cố tình quên mất rằng: Gai nhau của mình đã len lỏi vào mô thịt của mẹ, lấy đi dinh dưỡng một cách tối đa bất kể sức khỏe của mẹ, để lại vô vàn nguy cơ sức khỏe cho thai phụ, thậm chí đe dọa lên cả sự sống.

moi-em-be-chao-doi-khoe-manh-khong-chi-la-niem-vui-cua-san-phu-ma-con-cua-ca-nhung-bac-si.jpg
Mỗi em bé chào đời khỏe mạnh không chỉ là niềm vui của sản phụ mà còn của cả những bác sĩ

Từ một cái noãn nhỏ đến mức chỉ nhìn thấy nó dưới kính hiển vi, thai nhi lớn dần lên trong cơ thể mẹ, tùy nghi sử dụng tất cả những gì thuộc về mẹ một cách tự nhiên như thuộc về mình. Dinh dưỡng từ mẹ đưa đến con qua từng chiếc gai nhau, chúng mạnh mẽ xuyên vào nội mạc tử cung của mẹ, bám chặt hơn mỗi ngày để lấy dưỡng chất. Gai nhau âm thầm xâm lấn vào lớp cơ tử cung, có khi xuyên thủng cả tử cung, ăn vào bàng quang trong trường hợp nhau cài răng lược.

Mổ lấy thai cho các mẹ bầu bị nhau cài răng lược thực sự là một trận chiến của các bác sĩ, từ kíp phẫu thuật cho tới gây mê. Việc phải truyền 4 hay 6 hay 7 lít máu là việc có thể diễn ra. Một người đàn ông trưởng thành nặng 80 ký có 6-7 lít máu, hãy hình dung xem, sức chịu đựng của phụ nữ kiên cường ra sao khi cuộc mổ khó có thể đã thay toàn bộ máu của họ.

Khi có thai, tủy xương của mẹ phải tăng sản xuất hồng cầu để chia sẻ cho một cơ thể mới. Tuy vậy, tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra khiến phụ nữ hay mệt mỏi, khó tập trung. Nội tiết thai kỳ còn khiến nhiều mẹ bầu ói vật vã. Tôi từng chứng kiến một thai phụ sụt tới 8 ký chỉ trong 8 tuần mang thai vì ói quá nhiều. Điều khiến tôi cảm động là các mẹ bầu, dù than thở về việc ốm nghén nhưng nhất định “em chịu được” để tránh uống thuốc chống ói, “sợ ảnh hưởng đến con”. Dù có trấn an họ bằng cơ sở khoa học về sự an toàn của thuốc đối với thai nhi nhưng mẹ bầu thường cười giả lả: “bao giờ hết chịu nổi thì em quay lại xin kê thuốc nhe bác”. Dường như tất cả mục tiêu của cuộc sống bấy giờ chỉ xoay quanh 4 chữ: An toàn cho con.

bac-si-san-khoa-nhung-nguoi-dong-hanh-cung-su-hy-sinh-cua-tung-ba-me.jpg
Bác sĩ sản khoa, những người đồng hành cùng sự hy sinh của từng bà mẹ

Một điển hình rất sinh động cho việc hy sinh tất cả cho con của phụ nữ là câu chuyện cung cấp canxi cho thai nhi. Cho dù mẹ có thiếu canxi, các cơ chế đặc biệt vẫn huy động canxi của mẹ để trao cho thai. Ngay cả khi cho con bú, chế độ ăn của mẹ có thiếu canxi đi nữa thì canxi vẫn được huy động từ các nguồn trong cơ thể để qua sữa mẹ cho con. Không tiếc thứ gì.

Khi mang thai, mẹ bầu có nguy cơ bị ứ nước thận nhiễm trùng vì thai dần lớn lên chèn ép niệu quản, khiến nước tiểu bị ứ đọng. Tôi vẫn nhớ những lần qua Bệnh viện Bình Dân để hội chẩn cho các bệnh nhân mang thai cần đặt ống thoát lưu nước tiểu từ thận ứ nước nhiễm trùng, mẹ bầu dù đang đau đớn, dù đang sốt, vẫn chỉ quan tâm “bác nhớ cho em thuốc để giữ thai thật tốt nhe bác”.

Những thay đổi của cơ thể do việc mang thai đem đến rất nhiều bất lợi cho sức khỏe phụ nữ, không chỉ về thể chất mà còn xáo trộn tinh thần. Có người sau sinh rơi vào loạn thần, nhiều mẹ bỉm sữa khác thì rối loạn trầm cảm. Tôi cũng đã không ngừng truyền tải thông điệp về vấn đề này để hạn chế những lời vô tình như “làm như có mỗi mình đẻ mà bày đặt trầm cảm”. Phụ nữ không muốn vậy đâu, chính nội tiết thai kỳ đã cùng với vài yếu tố môi trường khác khiến họ hoảng hốt khi nghe tiếng con khóc, lo lắng bất an tận trong giấc ngủ hoặc ngẩn ngơ quên mất mình đã từng xinh đẹp và năng động ra sao.

hanh-phuc-ngoi-tren-anh-mat-nguoi-thay-thuoc.jpg
Hạnh phúc ngời trên ánh mắt người thầy thuốc trước một ca mẹ tròn con vuông

Là bệnh viện tuyến cuối, chúng tôi tiếp nhận khá nhiều ca biến chứng thai kỳ nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Bánh nhau, yếu tố đóng góp rất nhiều cho việc nuôi đứa trẻ lớn lên trong tử cung lại là nguồn cơn của bao nhiêu rắc rối, như gây tăng huyết áp đến mức sản giật, gây đái tháo đường thai kỳ khiến có mẹ bầu rớt vào hôn mê khi không được kiểm soát tốt. Thai kỳ cũng làm mẹ bầu dễ gặp nguy hiểm khi những cục máu đông được tạo ra nhiều hơn, di chuyển rồi có thể gây thuyên tắc ở những vị trí cực kỳ nguy hiểm, bất kỳ thai phụ nào cũng được xem là người có nguy cơ thuyên tắc mạch do các khối máu đông này. Nên có những câu chuyện buồn đã xảy ra dù y học đã có rất nhiều phương án để hạn chế tử vong cho thai phụ. Y khoa đã cứu nhiều nhất có thể các mẹ bầu, song vẫn đành ngậm ngùi buông tay nếu xảy ra những tình huống bất ngờ của “thuyên tắc mạch, thuyên tắc ối”.

Nữ chửa, cửa mả. Mang thai, phụ nữ đã tự đưa mình vào những hoàn cảnh hiểm nguy, nhưng họ chưa từng ngừng hạnh phúc mong chờ con yêu kể từ phút giây “hai vạch rồi”. Sẽ chẳng có ai thành công khi đưa ra các nguy cơ: nghén ói tới mật xanh mật vàng đó nhe, loãng xương khi về già cho mà xem, bụng nhão rạn như chi chít con sâu nè, đau đến gãy cái lưng đó, bị sản giật, bị thuyên tắc mạch máu… và trăm thứ ghê gớm khác ra hù dọa khiến phụ nữ ngừng mang thai. Nên mục đích của người viết bài này, trong tâm trạng đã làm mẹ, đã trải qua sinh nở, đã có cơn trầm cảm sau sanh đến hoảng hốt và cũng đã bao nhiêu ngàn lần đồng hành cùng các mẹ bầu có vui có lúc buồn đến ngẩn ngơ, không phải để hù dọa mà là để người nào được tạo ra từ một con người, không phải là người máy, hiểu rằng: Sự hiện diện của mình trên cõi đời này luôn luôn là sự đánh đổi sự an toàn của một người khác - đó chính là MẸ CỦA MÌNH.

Đón một sinh linh chào đời, dù đó là cuộc sinh trơn tru hay là một cuộc chạy đua với thời gian tính bằng giây phút, tôi hay bất giác bắt gặp mình tẩn mẩn đứng nhìn các con (nhất là lúc vừa mới đọc báo thấy tin tức về những đứa bất hiếu với cha mẹ). Trông đôi môi hồng hào chúm chím của mấy đứa nhỏ mà ước ao rằng: Tụi con lớn lên, có thành ông nọ bà kia hay không chẳng quan trọng, cấm mấy đứa thành mấy tên hung hãn cầm dao rượt mẹ, bỏ thuốc độc, đốt nhà mẹ hoặc đăng đàn lên mạng xã hội xuyên vào tim mẹ mình bằng những lời bất hiếu. Biết là chẳng cấm được nên cặm cụi viết ra những dòng này sau một đêm nuôi mẹ bệnh với tâm tư tự đáy lòng: Ơn sinh thành - trả ngàn đời chưa hết.

BS.CKII LÊ NGỌC DIỆP