Kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025): Trò chuyện với người thầy thuốc thích xây bệnh viện
Thiếu tướng PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn – nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng, phát triển Bệnh viện Quân y 175 nói riêng và ngành y nói chung. Ông cũng là một người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ và có nhiều duyên nợ trong việc thiết kế, xây dựng, quản lý bệnh viện…
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Tạp chí Khoa học phổ thông đã có cuộc phỏng vấn với nhà khoa học, người thầy, người bác sĩ, người nghệ sĩ đặc biệt của ngành y phía Nam - PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn.
Tự hào khi được dâng hiến cho nghề y
Thưa Thiếu tướng, PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn, là người đã có 46 năm gắn bó với ngành y, ông có thể chia sẻ đôi điều về cảm xúc của ông lúc này nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025)?
Thiếu tướng, PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn: Vâng, có thể nói rất vui, phấn khởi, tự hào và xúc động. Người ngành y được cả xã hội tôn vinh và được gọi là Thầy thuốc, sánh ngang với Thầy giáo của ngành giáo dục. Cùng với niềm vinh dự và tự hào đó thì người ngành y cũng phải ý thức về trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện không mệt mỏi để thực hiện lời dạy của Bác: “Người Thầy thuốc giỏi đồng thời phải như là người mẹ hiền”, đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong tình hình hiện nay. “ Sáng về Y đức, Sâu về Y lý, Giỏi về Y thuật, Vững về Y nghiệp” vẫn là triết lý hành động của Ngành Y và Nghề Y.

Có lẽ sự phấn khởi, tự hào đó đã thôi thúc bác sĩ viết nên những vần thơ, những ca khúc có giá trị, chứa đựng nhiều cảm xúc?
46 năm gắn bó với ngành y, trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, thành công và thất bại, nước mắt và nụ cười, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc lẫn tự hào khi được làm nghề và cống hiến cho nghề Y. Tất cả tình cảm với ngành Y, nghề Y tôi gửi gắm vào ca khúc “Vẫn mãi màu áo trắng”.
“Vẫn mãi màu áo trắng” cũng là lời tri ân của tôi với gia đình, thầy cô, đồng nghiệp và đặc biệt là những thương bệnh binh, bệnh nhân của tôi… Họ mãi là những người thầy vĩ đại không chỉ cho kiến thức mà còn cho tôi học cách làm người, làm nghề để tôi có được ngày hôm nay.
Duyên nghiệp với thiết kế, xây dựng, quản lý bệnh viện
Được biết, ông là người có nhiều ý tưởng quy hoạch kiến trúc bệnh viện, trực tiếp xây nhiều bệnh viện… Ông có thể kể về những kỷ niệm đáng nhớ của mình trong công việc này?
Nhiều khi tôi vẫn nghĩ đó là sự may mắn mà cuộc đời đã dành cho tôi. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, mỗi lần được đi công tác nước ngoài, tôi say sưa ngắm nhìn những công trình y tế nước bạn. Khát khao, ước mơ từ cái bơm tiêm điện, máy điện tim, máy thở… cho tới xe Ambulance, labo xét nghiệm, phòng mổ và trực thăng cấp cứu... Khi nào y tế Việt Nam sẽ có những “đồ chơi” như vậy!? Và cũng không hiểu sao tôi thích sưu tầm và nghiên cứu những cuốn sách về thiết kế bệnh viện.
Và cơ duyên làm bệnh viện đã tự nhiên đến cuối những năm 1990 của thế kỷ trước, sự bùng nổ y tế ngoài công lập ở TP.HCM đã tạo ra một diện mạo rất mới của thị trường y tế thành phố.
Sự cạnh tranh giữa y tế tư nhân và công lập, y tế tư nhân với y tế tư nhân, y tế công lập với y tế công lập đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, thay đổi cả lượng và chất trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Từ những trải nghiệm thực tiễn và kiến thức của những cuốn sách này, tôi ra ý tưởng đề bài cho các kiến trúc sư, chúng tôi ngồi với nhau để tìm ra những gì tốt nhất, hoàn thiện nhất. Đặt người bệnh là đối tượng được thụ hưởng giá trị tốt nhất của quy hoạch kiến trúc mà quy mô, mục đích, quy trình công năng của một công trình y tế được đầu tư. Vấn đề không phải là bao nhiêu giường bệnh mà là giá trị đầu tư bao nhiêu trên một giường bệnh, đây là điều được các kiến trúc sư hết sức đồng thuận.
Và kết quả là…?
Bệnh viện Hồng Đức (1998, 25 giường là 1 trong 3 bệnh viện tư đầu tiên của TP.HCM); Bệnh viện An Sinh (2003, 150 giường); Trung tâm Y tế Trường Sa (2014); Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quân Y 175 (2014, 500 giường); Bệnh viện đa khoa – Bệnh viện Quân y 175 (2017, 1000 giường)… là những điểm nhấn được đánh giá cao về kiến trúc bệnh viện. Và câu tôi thường nói: “Để kiến trúc bệnh viện cũng trở thành liều thuốc quý” và “Làm sao để người bệnh đến bệnh viện phải có cảm nhận được điều trị chứ không phải bị điều trị” được nhiều người ủng hộ, yêu thích.
Năm 2025 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống Bệnh viện Quân Y 175. Là người từng quản lý bệnh viện qua 2 nhiệm kỳ, ông có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật của bệnh viện trong thời gian qua?
50 năm qua, ngay sau khi tiếp quản Tổng Y viện Cộng hòa của chế độ cũ, bệnh viện đã phải lao vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp người bạn Campuchia trong tình hình phải đối mặt với những khó khăn của bao vây cấm vận và kinh tế thị trường. Năm 2003, bước vào hành trình xây dựng một bệnh viện chính quy, chiến lược, tuyến cuối, trung tâm y học quân sự phía Nam.
50 năm qua là một chặng đường phấn đấu quyết liệt, bền bỉ của các thế hệ cán bộ, nhân viên toàn bệnh viện. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã giao, đặc biệt là nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó là một số những thành tựu nổi bật:
- Hoàn thiện quy hoạch tổng thể và triển khai hàng loạt các dự án, đưa Bệnh viện Quân Y 175 trở thành một quần thể y tế với trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật, nhân lực ngang tầm khu vực, quốc tế với 5 Viện và 9 Trung tâm, năng lực thu dung 4.000 - 4.500 bệnh nhân ngoại trú, 2.300 - 2.500 bệnh nhân nội trú. Đến nay, Bệnh viện Quân Y 175 đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người bệnh của TP.HCM và khu vực.
- Hoàn thiện trung tâm Y tế Trường Sa, Quy trình cấp cứu Y tế biển đảo, Cầu hàng không trực tiếp với Bệnh viện Quân Y 175. Là đơn vị đưa bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan và đã đưa 3/6 Bệnh viện dã chiến hoạt động tại Nam Sudan, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong cuộc chiến sinh tử Covid-19 Bệnh viện Quân Y 175 đã trở thành “Thành trì vững chắc” cứu sống hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, đóng góp vai trò quan trọng trong công tác hậu sự cho bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt ngày 16/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phát triển hệ thống cơ sở Y tế Việt Nam, trong đó Bệnh viện Quân Y 175 trở thành 1 trong 6 bệnh viện của toàn quốc được Chính phủ quy hoạch đầu tư ngang tầm quốc tế.
Trong 10 năm qua, Bệnh viện Quân Y 175 đã đón nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) lần thứ 2, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, chuẩn bị đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Khoa Hồi sức tích cực đón nhận Anh Hùng LLVTND lần thứ 2.
Dạy sinh viên cách “LÀM NGHỀ” và “LÀM NGƯỜI”
Là một thầy thuốc và người quản lý bệnh viện lâu năm, ông nghĩ thế nào về y đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo, vốn đang có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội hiện nay?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế chúng ta rất nhiều công việc. Nhưng điều tôi chắc chắn là trí tuệ nhân tạo không thể thay thế trí tuệ, cảm xúc và vì thế, không thể thay thế được chúng ta và đặc biệt không thể thay thế được Y đức. Xã hội nào cũng vậy, nghề nào cũng vậy, cũng phải có đạo đức nghề nghiệp mà đối với ngành y, điều này lại rất quan trọng và khắt khe hơn rất nhiều.
Cùng với chuyên môn, y đức cũng là một quá trình bền bỉ, rèn luyện phấn đấu mà phẩm chất của những người thầy đi trước luôn là tấm gương ảnh hưởng sâu sắc cho các thế hệ theo sau. Cùng với y đức là tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật nghề nghiệp, hệ thống quy trình, quy chế, phác đồ, tiêu chuẩn… Không chỉ dạy nghề mà phải dạy cách LÀM NGƯỜI và LÀM NGHỀ.

46 năm, từ một chàng sinh viên tới một Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, chắc chắn ông đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Với vai trò vừa là Thầy thuốc vừa là Thầy giáo, ông có điều gì nhắn gửi cho các thế hệ thầy thuốc trẻ nhân ngày 27/2?
20 tháng 11 vừa rồi, các học trò hát tặng tôi bài “Bụi phấn”, tôi vô cùng xúc động, thực sự thấy nghẹn lòng và cay mắt. Có lẽ đời người thầy giáo chẳng có món quà nào, phần thưởng nào có giá trị hơn thế. Thực sự, tôi luôn cảm ơn họ, những thế hệ học trò ấy đã cho tôi những tinh thần, động lực, nguồn cảm hứng… Chính vì vậy phải xác định trách nhiệm của mình với các thế hệ trẻ. Những khó khăn, gian khổ khi tôi đã trải qua thời học trò và bây giờ khi là người thầy tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn có cơ hội học tập. làm việc và phát triển bản thân.
Tôi vẫn thường nói với các bạn: “Có những kẻ không dám ra đường vì chỉ sợ gãy chân, nhưng nếu chỉ vì sợ gãy chân thì suốt cuộc đời của họ không bao giờ đi đến được đâu cả. Cuộc đời mỗi con người phải có mục đích, ước mơ, khát vọng và tham vọng. Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và đối diện với những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Phải biết biến ước mơ thành hiện thực hay nói một cách khác là biết tôn trọng, trân trọng giá trị của bản thân và không bao giờ cho phép mình tự đánh mất giá trị của bản thân.
Nghề Y là nghề thực hành, kết quả điều trị người bệnh thể hiện năng lực, trình độ của bạn. Thực tiễn lâm sàng đặt ra những vấn đề cho bạn cần học tập, nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và kiến thức nâng cao sẽ soi sáng và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị. Không chịu học tập, nghiên cứu bạn sẽ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu bạn chỉ biết thực hành, không có ngoại ngữ, suốt đời bạn chỉ cúi xuống làm. Nếu bạn có ngoại ngữ và bài báo, bạn tự tin ngẩng mặt nói với cả thế giới bạn đang làm gì và làm như thế nào. Khả năng Thực hành - Kiến thức - Ngoại ngữ sẽ là “Thành tựu”.

Khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão từng ngày, không còn cách nào khác là bạn phải luôn tích cực cập nhật, ứng dụng, hòa nhập. Dừng lại tức là bạn đã lạc hậu, thụt lùi, thua cuộc… “Thành tựu” của bạn là gì? Đó là có nhiều bệnh nhân yêu quý, tin tưởng, biết ơn và tìm đến bạn; Đó là có nhiều đồng nghiệp tôn trọng, tham vấn bạn. Bác sĩ không phải là con người đặc biệt nhưng nghề Y là nghề đặc biệt. Đã xác định bước chân vào nghề Y là các bạn phải sẵn sàng đón nhận và sẵn sàng chấp nhận sự khắc nghiệt trên con đường phấn đấu, rèn luyện để trở thành người Thầy thuốc. Khi bạn có “Thành tựu”, tài chính sẽ đến với bạn, bạn không phải bán thành tựu để có tài chính như các mặt hàng khác mà tài chính sẽ tự nhiên sẽ đến sau thành tựu của bạn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Xin cám ơn Thiếu tướng, PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn.
Thiếu tướng-PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng
Sơn sinh năm 1962 tại Hải Phòng. Ông nhập ngũ năm 1979, tốt nghiệp Học viện
Quân y năm 1985, sau đó về công tác tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Quân y 175. Năm
1989, ông tốt nghiệp chuyên khoa I - Gây mê Hồi sức Khóa I Đại học Y Dược
TP.HCM; bảo vệ Luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1996 tại Học viện Quân y; trở thành
Phó Giáo sư năm 2011. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng và làm Giám đốc Bệnh
viện Quân y 175 giai đoạn 2012-2022.
Tại Bệnh viện Quân y 175, ông có nhiều
đóng góp quan trọng cho công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và sự
phát triển của bệnh viện trong suốt hơn 40 năm công tác và làm quản lý tại đây.
Ông còn là một người thầy của nhiều thế
hệ bác sĩ khi ông tham gia công tác giảng dạy. Từ năm 1996, ông là giảng viên
kiêm nhiệm của Học viện Quân y, Đại học Y Dược TP.HCM và Trường Đại học Y khoa
Phạm Ngọc Thạch.
Sau khi thôi chức vụ Giám đốc Bệnh viện
Quân y 175 vào năm 2022, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn miền
Nam, Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc
da cam dioxin Việt Nam.
Ông đã được tặng thưởng 2 Huân chương
Chiến công hạng I, Huân chương Quốc công Hữu nghị Quốc vương Campuchia (2015),
Huân chương Lao động hạng Nhất; danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2017) và Huy hiệu
40 năm tuổi Đảng.
Ông cũng là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt
Nam.